Trang phục phim cổ trang Việt in hình giống Vua Sư Tử của Walt Disney

02/11/2015 15:18:17

Khán giả và giới nghiên cứu chỉ ra các chi tiết sai sót trong trang phục phim "Mỹ nhân" - bộ phim cổ trang về thời Trịnh - Nguyễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng.

Khán giả và giới nghiên cứu chỉ ra các chi tiết sai sót trong trang phục phim "Mỹ nhân" - bộ phim cổ trang về thời Trịnh - Nguyễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhận xét: “Các nhà làm phục trang cho phim cẩu thả. Họ rõ là lấy hình Vua Sư Tử in lên áo nhân vật nam. Cũng trong khung hình đó, chiếc mũ gắn ngọc ở giữa như vậy là ảnh hưởng từ mũ trong phim Bao Công. Ống tay áo của quan lại thời Lê cũng không có thủy ba như thế”.

Tác giả Ngàn năm áo mũ lý giải: "Thời Lê có hai đợt thay đổi quy chế về Bổ tử - tấm vải hình vuông đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục các quan lại. Bổ tử sư tử từ năm 1661 trở về trước là dành cho quan võ Nhất, Nhị phẩm. Từ năm 1725 trở về sau, Bổ tử Sư tử dành cho quan võ Tam phẩm. Như vậy là thời Lê Trung Hưng (gần bối cảnh thời gian với phim) có bổ tử sư tử. Tuy nhiên, các hình ảnh đó khác hoàn toàn họa tiết trong trang phục của phim Mỹ nhân".

Trên trang cá nhân, đạo diễn Hải Anh của loạt phim tài liệu Đi tìm trang phục Việt, bày tỏ: "Gì vậy, để vị quan triều Trịnh - Nguyễn mặc áo thêu hìnhLion King của Walt Disney thì thật không còn lời nào để nói nữa”. Chị cho rằng các nhà làm phim Mỹ nhân không hiểu cách thức ăn mặc của các vị vua quan văn võ thời Trịnh - Nguyễn nên đã làm ẩu về phục trang như trong trailer.
 

Nhân vật quan lại trong "Mỹ nhân" bị cho là mặc áo có in hình Vua Sư Tử còn đội mũ ảnh hưởng từ phim "Bao Thanh Thiên" của Trung Quốc.

 
Phim Mỹ nhân là phim được Bộ Văn hóa và Cục Điện ảnh giao cho Hãng phim Giải phóng làm, dự định ra rạp vào ngày 13/11. Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết mục đích của phim là truyền tải văn hóa trong một thời kỳ lịch sử nhất định tới công chúng nên êkíp ý thức rõ phải tôn trọng lịch sử cũng như yếu tố chính xác trong mọi mặt, từ cố vấn nghệ thuật, chuyên gia phục trang, tác giả kịch bản. Đạo diễn cho biết các chuyên gia phục trang của đoàn phim đã làm việc rất kỹ lưỡng và làm phục trang căn cứ vào lịch sử.
 
"Chúng tôi sẽ xem xét lại những sai sót mà khán giả nhận xét. Cụ thể, chi tiết hình Bổ tử được cho là giống với hình sư tử trong phim The Lion Kingđược đặt hàng từ họa sĩ thiết kế. Chi tiết này được thêu thủ công vào áo chứ không in hình hay sao chép. Nếu đúng có sự tương đồng ngẫu nhiên giữa hai con sư tử, thì đây là lỗi của tôi khi không kiểm soát hết được chi tiết quan trọng này. Về ý kiến rằng phục trang của phim ảnh hưởng Trung Quốc hay Hàn Quốc, đó có thể chỉ là cảm nhận của người xem qua trailer".
 

Trailer phim "Mỹ nhân"

 
Đây không phải lần đầu tiên một phim cổ trang Việt gây tranh cãi. Trước đây, phim Đường tới thành Thăng Long cũng bị nhiều người chỉ trích như phim Trung Quốc về cả bối cảnh, phục trang.
 
Nhà biên kịch Châu Quang Phước nhận định: “Các nhà sản xuất Việt cần phải thật thận trọng khi làm phim cổ trang lịch sử như Mỹ nhân. Bộ phim này khác với phim cổ trang theo lối ngoại sử, dã sử như Thiên mệnh anh hùng hay Mỹ nhân kế - không hoặc ít liên quan đến lịch sử. Sự cố trang phục của Mỹ nhân cho thấy ở Việt Nam rất cần có một nhà sản xuất giỏi điều động ứng biến ở hiện trường”. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng khẳng định anh nêu ra sai sót để mong muốn các nhà làm phim thận trọng hơn với đề tài liên quan lịch sử.
 
>> Kim Hiền nude trên màn ảnh rộng 
 
Theo Vũ Văn Việt (VnExpress.net)

Nổi bật