Tôn vinh văn hóa qua điện ảnh, tại sao không?

01/09/2018 09:40:15

Đề cao và quảng bá văn hóa truyền thống thông qua điện ảnh là việc các nước trên thế giới đã làm từ lâu. Ở Việt Nam hiện đang hình thành xu hướng ấy. Đó là điều rất đáng mừng bởi xưa nay đây vẫn là “vùng hẻo lánh” ít người khai thác.

Tôn vinh văn hóa qua điện ảnh, tại sao không?
Giới thiệu của phim “Song Lang”.

Xu hướng

Bộ phim “Song Lang” với đề tài cải lương của đạo diễn Leon Quang Lê vừa ra rạp, đang gây xôn xao trong giới những ngày gần đây. Phim cũng trở nên ý nghĩa hơn khi gắn với sự kiện năm nay kỉ niệm tròn 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam. Đây là phim thứ 3 của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nằm trong loạt những tác phẩm tôn vinh văn hóa Việt Nam, sau “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” xoay quanh câu chuyện cổ tích mà ai cũng biết của nước ta; “Cô Ba Sài Gòn” thì vinh danh rạng rỡ tà áo dài trong câu chuyện về sự trưởng thành.

Nhiều năm trước, khi bộ phim “Hải Nguyệt” được trình chiếu, khán giả xem xong vẫn có đôi chút hụt hẫng. Không phải hụt hẫng vì nội dung phim. Phim đúng chất điện ảnh, diễn viên Hồng Ánh diễn vô cùng cảm xúc, biên kịch Minh Ngọc khéo léo và đạo diễn Trần Mỹ Hà đã làm nên một tác phẩm đầy chất điện ảnh- nghệ thuật thứ bảy sinh sau đẻ muộn nhưng là tổng hợp của mọi loại hình thơ ca nhạc họa trước đó. 

Nghề làm nước mắm với văn hóa truyền thống của cả một vùng miền lên phim đầy dung dị, đẹp như thơ và có những khốc liệt khiến người xem vỡ òa cảm xúc khi nhân vật chính Hải Nguyệt với bản lĩnh, lòng kiên trì, nghị lực phi thường, đã vượt qua nhiều khó khăn nghịch cảnh, quyết tâm vươn lên gìn giữ nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình, của quê hương.

Phim đã được trao Giải A Hội Điện ảnh VN năm 1998. Đây là một trong những phim của nhà nước gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó và có doanh thu cao trên toàn quốc cho thấy sức hút và độ thành công, khiến khán giả ủng hộ.

Song, sau đó, không có nhiều phim thành công và khiến người xem rưng rưng đến thế. Một vài phim như “Mê Thảo- thời vang bóng”, “Long Thành cầm giả ca”, “Mùi ngò gai”, “Kungfu phở” lẻ tẻ ra đời, tạo sóng trong dư luận rồi cũng rơi vào lặng im. 

Mãi cho đến gần đây, sự mạnh dạn của các nhà làm phim khi liên tiếp đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào điện ảnh, đưa ra rạp chiếu chứ không chỉ làm phim tuyên truyền cất kho đã cho thấy vốn văn hóa này đang được nhìn nhận, khai thác và trở thành kho vàng có giá trị lớn.

Ban đầu, với “Tấm Cám chuyện chưa kể”, còn rất nhiều điều đáng bàn về nội dung phim nhưng cũng tạo hiệu ứng rất tốt để cả nước “phát sốt” với bài hát, điệu nhảy và nhất là trang phục trong phim. Đến “Mẹ chồng”, thì thực sự những tà áo bà ba của phim đẹp đến mức người ta không thể không xem và trầm trồ. Rồi nếp sống của người miền Nam hồi đầu thế kỉ 20 với mối quan hệ địa chủ, tá điền, nhà cổ, ruộng lúa thẳng cánh cò bay, tư duy buổi giao thời Á, Âu cũng là một điểm mạnh được đoàn phim khai thác triệt để.

Còn “Cô Ba Sài Gòn”, với thông điệp ý nghĩa, nhân văn, nội dung phim hấp dẫn, tròn trịa, đề tài này thực sự thành công, tạo nên cơn sốt áo dài suốt một thời gian dài và được giải Cánh diều vàng đã tạo đà để Ngô Thanh Vân làm tiếp “Song Lang” với đề tài cải lương. Phim lấy bối cảnh thập niên 70 của thế kỷ trước - thời kỳ cải lương cực thịnh ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung. Trên bối cảnh này, những gánh hát với đào, kép được tái hiện sống động. 

Cũng khai thác một thuở lẫy lừng của cải lương, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sẽ bấm máy bộ phim “Gạo chợ nước sông” vào tháng 9 này.

Hàng loạt những dự án phim ra đời hoặc triển khai trong thời gian gần đây cho thấy đây là một xu hướng vô cùng đáng mừng. Bảo tồn, phát huy, đưa giá trị truyền thống vào đời sống đương đại là một việc làm rất ý nghĩa trong thời buổi hội nhập nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều hệ lụy, nhất là mai một bản sắc hiện nay.

Bước dịch chuyển ý nghĩa

Trong bối cảnh điện ảnh Việt vẫn lép vế trước bom tấn, bom tạ của nước ngoài. Trong hoàn cảnh nhiều phim remake (Việt hóa, làm lại từ bản đã nổi tiếng của nước khác) như một yếu tố đảm bảo hút khách và an toàn vì đã được “đo nhiệt” ở các phòng chiếu tại nước sở tại thì dòng phim tìm về văn hóa truyền thống thực sự đáng được biểu dương.

Nó cho thấy bên cạnh dòng chảy bắt kịp với xu thế mới lạ để đáp ứng nhu cầu của khán giả, vẫn tồn tại sự tìm tòi, sáng tạo của một bộ phận người làm phim Việt. Mong muốn điện ảnh khác đi đã đành, đào sâu vào văn hóa truyền thống để giới trẻ ngày nay biết và cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn hóa ấy đã đành, duy trì và phát triển những điều có thể mai một đã đành. 

Tôn vinh văn hóa qua điện ảnh, tại sao không? - 1
Cảnh trong phim “Lặng yên dưới vực sâu” khi vào mùa hoa tam giác mạch vùng núi đá Hà Giang.

Hướng đi này còn mở ra một nguồn đề tài mới, không chỉ loanh quanh trong “vũng lầy” của những cướp giết hiếp, người đẹp đại gia, phim kinh dị làm chưa đến độ, hài nhảm hay “thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào” theo các trào lưu của thế giới. 

Điều quan trọng, hành động ấy cho thấy những nhà làm phim mong muốn mang đến những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, mang hồn cốt của Việt Nam. Và điều đó cũng cho thấy điện ảnh Việt đang có thêm những bước chuyển dịch thực sự có ý nghĩa.

Còn nhiều điều lo nghĩ

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế, thị trường điện ảnh cũng như bất kì thị trường nào khác. Cứ thấy xu hướng nào “hot” thì sẽ đổ xô nhau làm. 

Hiện tại, đây vẫn đang là đoạn đầu của xu hướng với những phim thực sự có chất lượng. Dù không phải viên ngọc nào cũng toàn bích nhưng rõ ràng mỗi viên ấy có sắc màu, có sự lấp lánh ánh sáng riêng không thể trộn lẫn của mình. Rất có thể sau đó sẽ kéo theo những bộ phim khai thác các yếu tố truyền thống khác. Đông thì càng vui, càng đáng quý.

Nhưng nếu những người đi sau nóng vội, không dựa trên tình yêu thực sự với điện ảnh, với vốn văn hóa của dân tộc mà chỉ chạy theo thị trường, vì yếu tố doanh thu thì sẽ rất bát nháo, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, các yếu tố truyền thống dù đã được tạo dựng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, đã được định hình nhưng tưởng dễ mà không dễ. Bởi sượt qua các loại hình nghệ thuật, các vấn đề về trang phục, tập tục, nếp sống… thì dễ nhưng để đi sâu vào khai thác cái đẹp, gắn liền với đời sống người dân và vẫn có giá trị điện ảnh thì đòi hỏi người làm phim phải có sự đầu tư, tìm tòi nghiêm túc.

Một điều cũng khiến các nhà làm phim khó kiểm soát đó là nếu làm không khéo, không có giá trị nghệ thuật thì phim lại trở thành bài tuyên truyền gắn mác điện ảnh, lổn nhổn  rất khó đi vào lòng người.

Nhưng lại càng không vì thế mà cách điệu hóa, xa rời thực tế, khiến thế hệ sau hiểu sai lệch về văn hóa truyền thống. 

Vì thế, sự đầu tư nghiêm túc dựa trên những nghiên cứu kĩ lưỡng, có tìm tòi sáng tạo và tâm huyết là điều rất cần thiết để xu hướng này phát triển theo đà mang đến những hi vọng mới cho điện ảnh Việt.

Cao Minh Ngọc (Theo Daidoanket)

Nổi bật