Tiến Đạt: "Đặng Thái Sơn khi đạt NSND còn trẻ hơn Tự Long"

11/01/2016 10:18:49

Nam diễn viên kỳ cựu không thấy chạnh lòng khi "xếp cùng mâm" với những đàn em như Trung Hiếu, Tự Long bởi với ông, nghệ thuật không tính năm tháng và tuổi tác.

Nam diễn viên kỳ cựu không thấy chạnh lòng khi "xếp cùng mâm" với những đàn em như Trung Hiếu, Tự Long bởi với ông, nghệ thuật không tính năm tháng và tuổi tác.

Tiến Đạt là một trong những nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu Việt Nam, đồng thời cũng là gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình. Ở lĩnh vực hài kịch, với vẻ ngoài bệ vệ ông thường được các đạo diễn tin tưởng giao cho những vai phản diện như tham quan, địa chủ. 

Sau nhiều năm miệt mài cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, Tiến Đạt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào sáng ngày 10/1 tại Nhà hát Lớn. Ngay sau khi kết thúc lễ trao tặng, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành.
 

NSND Tiến Đạt tại lễ trao danh hiệu. Ảnh: Khuê Tú

 
Đóng góp hơn nữa, làm việc hơn nữa…

- Cảm xúc của ông thế nào khi được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất dành cho nghệ sĩ ở Việt Nam?

- Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Với tôi, đây không chỉ là phần thưởng, sự vinh danh của Nhà nước mà còn nói lên tình cảm, sự yêu mến, trân trọng mà nhân dân, công chúng dành cho mình. Danh hiệu chính là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật của người nghệ sĩ, niềm vui này thực sự rất lớn đối với tôi.

Tôi hoạt động nghệ thuật từ khi còn trẻ tuổi đến nay vẫn tiếp tục làm nghề. Có thể nói cả đời tôi dành thời gian cho nghiệp diễn, dù có làm bất cứ công việc gì thì nghệ thuật vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Tôi tham gia lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình và cả phim hài với mong muốn mang khả năng, sức lực của mình để phục vụ công chúng. Với tôi, danh hiệu được phong ở thời điểm hiện tại là một sự hoàn hảo.

- Có người cho rằng từ Nghệ sĩ Ưu tú lên Nghệ sĩ Nhân dân là bước chuyển về chất, có thể ví như “cá chép hóa rồng”. Với ông, danh hiệu có ý nghĩa ra sao đối với nghệ sĩ?

- Tôi tâm niệm danh hiệu không phải là dấu chấm cho chặng đường nghệ thuật. Với những nghệ sĩ tâm huyết, đam mê thực sự thì có hay không có danh hiệu thì cũng không ảnh hưởng gì đến công việc mà mình đang làm. Ngay cả khi không được phong tặng danh hiệu này, tôi vẫn sẵn sàng sống chết với nghề.

Người nghệ sĩ chân chính không ai cống hiến để đạt được danh hiệu. Tôi nghĩ cá chép hay rồng thì những công việc nghệ thuật của mình, mình vẫn phải làm không chối bỏ được. Danh hiệu nên được xem như một động lực để tiếp tục làm nghề, đóng góp hơn nữa, làm việc nhiều hơn nữa dù cho người nghệ sĩ được phong tặng ở lứa tuổi nào. Mỗi nghệ sĩ nghĩ đến một vai trò khác nhau, còn tôi thì tôi thì nghĩ như vậy.
 

NSND Tiến Đạt thành công ở cả chính kịch lẫn hài kịch. Ảnh: TĐ

 
  - Ông nghĩ sao khi nhiều nghệ sĩ gạo cội sau khi qua đời mới được truy tặng danh hiệu?

- Người nghệ sĩ cũng như những người bình thường khác, sống chết đều có số phận. Không ai biết chính xác ngày mai mình như thế nào và cũng không ai quyết định được số phận của chính mình. Tôi nghĩ chẳng có cái gì là muộn cả, sự ghi nhận dù muộn nhưng cũng rất trân quý đối với người nghệ sĩ quá cố và gia đình của họ. Người nghệ sĩ cứ miệt mài làm nghề thì dù có mất đi cũng vẫn luôn được nhân dân nhớ đến.
Nghệ thuật không có tuổi

- Trung Hiếu, Tự Long được “xếp cùng mâm” với nhiều nghệ sĩ gạo cội trong làng nghệ thuật. Ông có nghĩ rằng họ quá trẻ để nhận danh hiệu này?

- Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật thì không nên tính năm tháng và tuổi tác. Tôi xin nhấn mạnh rằng, nghệ thuật là không có tuổi, dù ở bất cứ lĩnh vực nào chứ không riêng gì sân khấu hay điện ảnh. Không thể vì họ còn trẻ mà không ghi nhận những đóng góp của họ, rồi không phong tặng danh hiệu cho họ được.

Nghệ thuật đánh giá bằng thành quả, hiệu quả lao động nghệ thuật chứ không thể đánh giá chung chung được. Ngoài việc đánh giá bằng huy chương vàng, huy chương bạc thì sự lan tỏa của người nghệ sĩ hay tình cảm của nhân dân cũng được xem tiêu chí để đánh giá tài năng của người nghệ sĩ. Đặng Thái Sơn là ví dụ tiêu biểu cho tuổi trẻ tài cao, khi được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ông ấy còn rất trẻ, trẻ hơn những nghệ sĩ như Trung Hiếu, Tự Long rất nhiều.
 

Tiến Đạt cảm thấy may mắn vì đã vượt qua được tất cả thử thách của nghề nghiệp và cuộc sống. Ảnh: Khuê Tú

 
- Khi đạt được thành quả lớn, người nghệ sĩ hay nghĩ về những tháng ngày khó khăn, ông thì sao?

- Đã là người nghệ sĩ thì ai cũng có những “nốt nhạc trầm” trong sự nghiệp, thậm chí là có những lúc muốn bỏ nghề. Tôi coi tất cả khó khăn mà mình gặp phải là thử thách của nghề nghiệp và cuộc sống. Và tôi cảm thấy may mắn vì mình đã vượt qua được tất cả những điều đó để đứng vững và bền bỉ với nghề.

Tôi có thể làm rất nhiều để có thể kiếm sống nhưng nghiệp của tôi là nghiệp diễn nên tôi phải đi theo. Hiện tại, những thử thách nghề nghiệp không còn nhiều như trước vì quan điểm của tôi là làm đến đâu phải tốt đến đó, hiệu quả đến đó. Việc gì cũng làm hết mình và chắc chắn, tôi không đi theo số lượng mà đi theo chất lượng.
- NSND Trung Kiên và NSND Thanh Hoa cho rằng nước ta nên bỏ chuyện phong tặng danh hiệu vì nhiều nước đã bỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Vấn đề tiếp tục hay nên bỏ phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Tôi nghĩ đơn giản rằng, đó không phải là lĩnh vực của tôi (cười).
 
>> NSND Trung Hiếu: Thôi thì có một cái danh, sang trọng một chút
>> Chưa vợ, diễn viên Trung Hiếu đã lên NSND
>> Chí Trung bị đánh trượt, Tự Long lên NSND

Theo Sơn Minh Khuê Tú (Zing.vn)

Nổi bật