Giữ chồng kiểu phụ nữ làng Đông
Làng Đông trong Thương nhớ ở ai là một ngôi làng có dân số là phụ nữ chiếm vượt trội. Lý do cho sự chênh lệch này sở dĩ là bởi vì chiến tranh đã lấy đi hàng loạt trai tráng và những người chồng trong làng, chỉ để lại toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Những địa danh được nhiều người làng biết đến nhanh chóng được gia đời và khoác lên mình những tấm áo mới.
Bến Tình xưa kia là nơi trai gái thường hay hò hẹn giờ trở thành nơi giành cho những cô goá, bà goá ra tâm sự, truyện trò và được gọi là Bến Không Chồng. Xóm Núi xưa kia vốn và một xóm nhỏ ở ven bến nước chuyên làm nghề đánh rậm, giờ trở thành nơi những người phụ nữ không chồng về sinh sống và bao bọc lẫn nhau. Và vì như thế, người ta cũng gọi đây là xóm Không Chồng.
Cũng vì những sự đổi thay này đã làm nảy sinh những tâm tính khát khao không đúng đắn và gây ra biết bao những truyện dở khóc dở cười ở làng Đông. Dưới đây là danh sách những phương cách níu giữ đàn ông quái chiêu bậc nhất của phụ nữ làng Đông trong Thương nhớ ở ai.
Hơn đổ nước lên người để quyến rũ Vạn
Cũng như các cậu nam sinh mới dậy thì thường hay đùa cợt với nhau rằng cảnh nữ sinh áo dài tan trường dưới mưa là một kỳ quan. Hơn – cô goá phụ mặn mòi nhất làng Đông đã áp dụng đúng chiêu này để níu kéo Vạn – người đàn ông mà cô thầm thương trộm nhớ. Biết Vạn đang rất nặng tình với Nhân và sắp sửa bỏ mình để đến với cô ta, Hơn đã làm mọi cách để quyến rũ Vạn, giữ anh ở lại.
Trong một nỗ lực gần như tuyệt vọng, Hơn đã đổ nước lên người cho vải áo thấm vào cơ thể rồi giả vờ gọi Vạn ra giúp. Điều này hoá lại thành công và tối hôm đó Vạn đã ở lại, không sang với Nhân nữa. Bên cạnh yếu tố hài hước, đây cũng là một trong những cảnh phim nghiêm túc, thể hiện khoảnh khắc khát khao hạnh phúc bản năng của nhân vật.
Vác gậy đuổi đánh chồng
Gia đình bà Bánh là một trong những gia đình êm ấm nhất làng Đông. Bà Bánh vốn là một người đảm đang và biết điều còn ông Bánh thì nổi tiếng là người thạo chữ nho, giỏi chèo cổ nhất làng. Chính vì vậy hai nhân vật này rất được người làng coi trọng. Thế nên, đến khi chuyện ông Bánh lén có con với Liễu lộ ra, rất nhiều người đã phải ngỡ ngàng.
Bà Bánh, vốn là người trọng nam khinh nữ đến mức cực đoan, để cho chồng đánh mình giữa đường cũng thấy thoải mái, giờ đây sẵn sàng vác gậy đuổi đánh ông chồng bắt cá hai tay. Nhìn thấy cảnh này, nhiều khán giả phì cười, có người hả hê, nhưng cũng có người thấy buồn. Thấy hả hê vì bà Bánh đã biết đứng lên bảo vệ giá trị của bản thân, thấy buồn vì tiếc cho ông Bánh, chỉ vì quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" thời xưa mà phải làm truyện trái với nề nếp gia phong.
Không cho kẻ thứ ba xây nhà
Nghe thì có vẻ như chuyện hài nhưng thật ra nó đúng là chuyện hài thật. Từ khi Nương trở về làng, cô trở thành một đối tượng mà "đàn ông nhìn thì muốn theo, đàn bà nhìn thì muốn chửi" (trích lời diễn viên Thanh Hương). Trong khi đàn ông làng Đông đang họp nhau lại để dựng cho Nương một căn nhà "đủ để chứa tất cả đàn ông trong làng" thì các bà vợ chính chuyên lại coi cô là một cái gai trong mắt. Họ đã nhanh chóng tập hợp nhau lại để phá kế hoạch này của các ông chồng, hò nhau đẩy xe gỗ đem giấu đi.
Ngay từ khi mới trở về làng, sự có mặt của Nương đã gây ra sự náo động lớn và các vị bô lão phải ra đình họp lại với nhau xem có nên cho một ca nhi quyến rũ như vậy ở lại làng không. Câu trả lời là có, nhưng Nương phải ra rìa làng, cách ly hẳn khỏi những cái nhìn "ngấu nghiến" của đàn ông và vẫn bị gái chính chuyên hỏi thăm đều đặn.
Doạ cắt của quý chồng
Trong Thương nhớ ở ai có một nhân vật đào hoa hơn cả. Đó là ông Cương. Ông Cương luôn xuất hiện với bộ dạng đĩnh đạc, đỏm dáng của kẻ nhà giàu. Tuy giàu có nhưng ông Cương không bị xếp vào thành phần địa chủ do trước kia ông là công chức ở sở đường sắt, ăn lương của Tây nên rất giàu và không lo bị nâng thành phần.
Chính vì điểm này nên ông Cương thu hút được rất nhiều phụ nữ trong làng và trước khi cách mạng về, ông đã "kịp" lấy 3 vợ. Tuy nhiên, sự thèm thuồng với phụ nữ vẫn chưa bao giờ là cạn đối với ông Cương. Vậy nên khi Nương xuất hiện, ông Cương đã không bỏ lỡ cơ hội đem của cải nhà mình đem cho để "thể hiện" đẳng cấp với cô đào. Bực mình với hành động của chồng, cả 3 người vợ của ông Cương đã doạ "cắt của quý" để tiệt thói lang chạ.
Theo Minh Quân (Trí Thức Trẻ)