Câu chuyện của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri được đặt tại thị trấn nhỏ Ebbing (một địa điểm hư cấu). Một ngày nọ, dư luận xôn xao với hành động kỳ quặc của bà Mildred Hayes (Frances McDormand đóng) - thuê ba tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên đường với nội dung: "Bị hãm hiếp khi đang hấp hối", "Và vẫn chưa ai bị bắt?", "Vậy là sao, hỡi cảnh sát trưởng Willoughby?. Hayes phẫn uất và muốn gây sức ép lên cảnh sát - những người vẫn đang bế tắc khi điều tra vụ con gái bà bị hãm hiếp và giết hại dã man bảy tháng trước.
Ba tấm biển quảng cáo ấy giống những tiếng sét giữa trời quang ở thị trấn Ebbing. Từ chỗ ủng hộ và xót thương cho bà Hayes, cư dân mất thiện cảm với bà bởi cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson đóng) là vốn được mọi người yêu mến. Khó chịu nhất với bà Hayes là Dixon (Sam Rockwell) - viên cảnh sát dưới trướng của Willoughby, người bắt đầu một loạt hành động để buộc người phụ nữ hạ tấm bảng. Bất chấp sự phản đối của nhiều người, Mildred Hayes vẫn kiên định với lựa chọn của bản thân nhằm mang công lý cho người đã khuất.
* Trailer phim
Nếu chỉ đọc qua phần giới thiệu nội dung, khán giả dễ tưởng nhầm đây là một bộ phim hình sự ly kỳ kể về hành trình truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên, vụ án mạng và những tấm biển quảng cáo chỉ là cái cớ để đạo diễn Martin McDonagh khai thác một xã hội thu nhỏ bên trong thị trấn Ebbing. Việc McDonagh chọn cho thị trấn này cái tên mang nghĩa "Dần lụi tàn" mang nhiều ẩn ý. Bà Mildred là người mẹ trải qua nỗi đau mất con và dần cạn kiệt niềm tin vào công lý. Xã hội Mỹ theo góc nhìn của kịch bản cũng đầy những bất công và tệ nạn trong sự bất lực hoặc thờ ơ của cơ quan pháp quyền.
Giữa cơn đau, Mildred quyết vực dậy bản thân, trở thành người phụ nữ sắt đá không thể lay chuyển trong mắt người khác. Đó là ấn tượng ban đầu của khán giả về Mildred, một "bông hồng cuối hạ" giống ca khúc nhạc phim The Last Rose of Summer. Những lời ca giàu tính ẩn dụ ("Bông hồng cuối hạ/Chỉ còn nở một mình/Những bông hoa khác/Đều đã héo tàn") cất lên khi Mildred xuất hiện ở đầu phim.
Theo diễn biến, người xem nhận ra sự sắt đá đến băng giá, sự phản kháng đến điên cuồng ấy của Mildred chỉ là lớp vỏ bọc che giấu nỗi đau và sự nuối tiếc khôn nguôi. Không ai đau đớn bằng bà Mildred, người không có quan hệ tốt với con trước lúc cô bé chết và không bao giờ còn cơ hội để sửa sai. Lớp vỏ bọc xù xì, thô ráp và bất cần được Mildred dựng lên để che đi nỗi đau. Ở tầng nghĩa sâu hơn, việc người phụ nữ tìm ra thủ phạm sẽ mang tới chút cứu rỗi cho bà. Nhân vật thực hiện nhiều hành động quá khích, nhưng khán giả hoàn toàn có thể cảm thông.
Mildred không phải nhân vật duy nhất trong phim được xây dựng với chiều sâu tâm lý. Cả Willoughby và gã cảnh sát Dixon đều dần bộc lộ sự thay đổi rõ nét so với ấn tượng có phần tiêu cực ở đầu phim. Ẩn sau những nhân vật tưởng như một chiều này lại là tâm lý đa chiều phức tạp với những suy nghĩ, hành động rất thực tế. Tính mơ hồ đạo đức là điểm cộng lớn nhất của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri khi không có nhân vật quan trọng nào trong phim là tốt hoặc xấu hoàn toàn.
Những người mà ta tưởng rằng ích kỷ hay lười biếng, hóa ra có những lý do mà để thấu cảm nếu ta đặt mình vào vị trí của họ. Viên cảnh sát Willoughby - đối tượng bị ba tấm bảng quảng cáo nhắm đến - đang bị ung thư và phải đối mặt với trăn trở riêng của mình. Ông không hài lòng với hành động của Mildred, nhưng không hận thù bà bởi biết nỗi đau mà người phụ nữ này đang phải chịu đựng.
Biến chuyển tích cực nhất tới từ Dixon - người đầu phim hiện lên như một viên cảnh sát vô trách nhiệm, ưa bạo lực và nặng tính kỳ thị. Tuy nhiên, theo diễn biến, nhất là từ khi nhận lời khuyên của người sếp Willoughby mà gã hết lòng kính mến, Dixon đã có màn lột xác ở nửa sau. Thông qua cách ứng xử giữa những con người trong phim, McDonagh vẽ lên một câu chuyện về cuộc sống, về cách chấp nhận thực tại và tha thứ để tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
Đạo diễn McDonagh mới chỉ làm ba phim điện ảnh, trong đó hai tác phẩm đầu tay - In Bruges và Seven Psychopaths - được ngợi khen bởi các nhân vật đặc sắc và chất hài châm biếm sâu cay. Trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, nhà làm phim giảm bớt chất hài đen để khắc họa chiều sâu tâm lý.
Tuy nhiên, phim vẫn có một số câu thoại đặc trưng của McDonagh để giễu cợt những vấn đề ở Mỹ, tiêu biểu như: "Nếu gạt bỏ đi hết những cảnh sát phân biệt chủng tộc chắc chỉ còn sót lại ba gã, và ba gã này đều sẽ ghét người đồng tính". Nạn ấu dâm ở các cơ sở tôn giáo (dễ gây liên hệ đến Spotlight) hay sự dung túng cho cảnh sát dùng bạo lực ở các thị trấn Mỹ cũng được điểm mặt. Sự mỉa mai còn tới từ nhiều tình huống, như việc một viên cảnh sát trong phim chỉ bắt đầu làm công việc của mình sau khi... bị sa thải.
Sam Rockwell có màn nhập vai tài tình khiến cảm xúc người xem chuyển từ trạng thái tiêu cực sang tích cực khi nhìn vào Dixon. Dù ở cảnh vênh váo, bạo lực hay hối lỗi, tài tử Mỹ đều truyền tải được tâm lý nhân vật. Trong khi đó, Frances McDormand có màn trình diễn xuất sắc nhất kể từ Fargo (1996, giúp bà thắng giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc").
Nữ diễn viên 60 tuổi là một trong những người hiếm hoi từng chinh phục "Ba vương miện diễn xuất" cao quý gồm giải Oscar (điện ảnh), giải Tony (nhạc kịch, với vở Good People) và giải Emmy (truyền hình, với loạt phim ngắn Olive Kitteridge). Tại giải Quả Cầu Vàng 2018, vai diễn Mildred Hayes mang tới cho McDonald giải "Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc", giúp bà trở thành ứng viên hàng đầu tại hạng mục nữ chính ở Oscar.
Cảnh đáng nhớ nhất của Frances trong phim mới là khi Mildred một mình ngồi dưới ánh bình minh, chăm sóc những khóm hoa đặt dưới ba tấm biển quảng cáo. Một con hươu chạy đến, khiến bà mỉm cười và nói chuyện tựa như với chính mình: "Sao tự dưng mày lại xuất hiện ở đây và đẹp đến dường này? Mày không phải đang cố làm tao tin vào kiếp sau phải không? Mày đẹp thật đấy, nhưng mày không phải con gái tao. Dù gì cũng cảm ơn mày đã xuất hiện".
Chỉ trong khoảng một phút, gương mặt Mildred trải qua đủ sắc thái: từ mỉm cười khi thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và chú hươu - niềm hy vọng trong chuỗi ngày tăm tối, cho tới lắc đầu chua xót nhìn chú hươu rảo bước đi, rồi trở lại thực tại mà trong đó con gái bà đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Cảnh quay ngắn ngủi ấy như tóm tắt Three Billboards Outside Ebbing, Missouri: nhiều cung bậc cảm xúc, nhân văn và đẹp. Đó là lý do Frances McDonald cũng như bộ phim trở thành ứng cử viên sáng giá tại Oscar 2018, bất chấp lúc đầu không phải ứng viên nặng ký nhất trên đường đua.
Theo Thịnh Joey (VnExpress.net)