Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16-17 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây.
Về sau, Tôn Sách ly khai Viên Thuật, dẫn theo đội quân chỉ vỏn vẹn trên dưới ngàn người đi tới Giang Đông lập nghiệp. Tôn Sách chấn chỉnh binh lực, quân kỷ nghiêm minh, được dân chúng vùng Giang Đông rất mực yêu kính, các tướng sĩ cũng nguyện vì ông mà tận tâm phục vụ.
Trên đường đi, số người gia nhập đội quân của Tôn Sách ngày càng đông đảo. Từ một đội quân chỉ vỏn vẹn ngàn người, rất nhanh đã lên tới 5-6 ngàn binh lính.
Sau này, có thêm sự giúp sức của Chu Du, họ nhanh chóng đánh chiếm Hoành Giang, Đương Lợi, Đan Dương, Ngô Quận, Giang Hạ, Quế Dương, Linh Lăng, Dự Chương, Lư Lăng, Hội Kê.
Công cuộc bình định Giang Đông của Tôn Sách đã khiến Tào Tháo coi ông là một đối thủ đáng gờm không nên đối địch.
Sau khi Tôn Sách bình định Giang Đông, Tào Tháo nói một câu rất sâu xa: "Không thể tranh giành với một con chó điên", theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ.
Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì viết rằng, Tào Tháo ví Tôn Sách là "sư nhi" (sư tử non), còn nhận định "không thể cùng nó tranh phong".
Kết quả, Tào Tháo đem cháu gái của mình gả cho người em thứ tư của Tôn Sách, lại để con trai thứ ba cưới con gái của Tôn Bôn (anh họ của Tôn Sách), thông qua hôn nhân chính trị để lôi kéo vị quân chủ trẻ tuổi.
Ngay tới một người như Tào Tháo cũng phải coi Tôn Sách là đối tượng không thể cùng tranh giành, điều này đủ để thấy ông được coi là một đối thủ đáng gờm lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau khi Tôn Sách đánh quanh ngàn dặm, thu hết xứ Giang Đông, nghe tin Tào Tháo và Viên Thiệu cầm giữ nhau ở Quan Độ, muốn vượt sông Giang lên phía bắc đánh úp Tào Tháo, khiến cho lực lượng của Tào Tháo nghe thấy tin đều sợ, nhưng Quách Gia lại dự liệu rằng: “Tôn Sách mới thôn tính Giang Đông, những kẻ sĩ bị Sách giết đều là anh hùng hào kiệt, có thể khiến kẻ khác dốc sức đến chết. Vậy mà Tôn Sách lại coi thường không phòng bị, dẫu có trăm vạn bộ chúng, chẳng khác một mình đi giữa trung nguyên. Ví như có thích khách một mình mai phục, thì là một người đánh một người thôi. Vì thế ta cho rằng, Sách tất sẽ chết bởi tay một kẻ thất phu”.
Không ngoài dự đoán của Quách Gia, khi Tôn Sách đến ven biên, còn chưa sang sông, quả nhiên bị ba bộ hạ cũ của Hứa Cống phục kích trong khi đi săn bắn một mình, khiến ông mất mạng sau đó vì vết thương quá nặng.
Nhận xét về lời tiên đoán của Quách Gia, Bùi Tùng Chi (người chú giải Tam quốc chí) cho rằng Quách Gia dự đoán được Tôn Sách sẽ chết dưới tay kẻ thất phu là tiên kiến sáng suốt, nhưng không hẳn là thượng trí, vì Gia không biết Sách chết vào ngày tháng năm nào. Việc Sách chết vào đúng năm định đánh Hứa Đô chỉ là sự trùng hợp.
Quách Gia (170-207) tự Phụng Hiếu, như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng có những điểm hư cấu so với lịch sử, song mức độ hư cấu không nhiều. Đó quả thật là một vị quân sư có thể “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm”.
Quách Gia vốn người Dương Địch, Dĩnh Xuyên (nay là Ngu Huyện, Hà Nam). Tuổi trẻ ôm chí lớn, khổ học đợi rồng mây, Quách Gia ít giao du với người thế tục, bình tĩnh chờ thời cơ, để mắt tìm chân chủ. Hành tung ấy, xét ra cũng không khác Gia Cát Khổng Minh là mấy.
Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép: “Quách Gia thời trẻ chí hướng cao xa. Thời Hán mạt thiên hạ sắp loạn, Gia từ lúc 20 tuổi trốn dấu hình tích, bí mật kết giao với người tuấn kiệt, không tiếp xúc với tục nhân nên người thời ấy đa phần chẳng ai biết, chỉ có bậc thức giả mới biết tài của Gia. Năm 21 tuổi, Gia được triệu vào phủ Tư đồ”.
Theo Quốc Tiệp (Nguoiduatin.vn)