Theo hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình Việt Nam VietNam-Tam, khoảng thời gian từ 20-22h được coi là khung giờ vàng trên sóng truyền hình. Đây là thời gian các chương trình trên đài thu hút lượng khán giả lớn nhất, mang lại cho đài nguồn thu chính. Vào cuối tuần, giờ vàng kéo dài từ 20h-23h.
Trên sóng VTV, giờ vàng chủ yếu là "đất" của phim truyền hình và game show, chương trình truyền hình thực tế. Thông thường, phim truyền hình sẽ chiếm sóng các ngày từ thứ 2-5, những ngày còn lại dành cho game show.
Thực tế, phim truyền hình và game show là hai thể loại giải trí hoàn toàn khác nhau, nhưng lại tồn tại trên cùng một "sân chơi" là truyền hình. Khi cùng một sân chơi, quy luật "người lên kẻ xuống" là chuyện khó tránh khỏi.
Trong năm 2018, phim truyền hình tiếp tục khẳng định được sự hấp dẫn, trong khi game show thoái trào, thậm chí bị cho là đang "chết dần".
Game show ca nhạc "chết dần" và thất thu?
Báo cáo thống kê của Vietnam-Tam (hệ thống đo lường định lượng khán giả) cho biết rating của game show, truyền hình thực tế về ca nhạc đã giảm mạnh từ 6 tháng đầu năm 2017. Đến năm 2018, con số tiếp tục giảm.
Năm 2018, sóng giờ vàng VTV3 dịp cuối tuần vẫn gần như dành ưu đãi cho các chương trình về âm nhạc. Trong đó, có 5 show được quan tâm là Sing My Song, Giọng hát Việt, The Debut, Gương mặt thân quen và Giọng hát Việt nhí.
Giá quảng cáo của cả bốn chương trình đều giảm, thậm chí giảm mạnh so với những năm trước. Giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen 2014 từng đạt đỉnh là 370 triệu đồng dành cho một block quảng cáo thời lượng 30 giây.
Nhưng đến năm 2018, Gương mặt thân quen có mức giá quảng cáo thấp chưa từng có, chỉ còn 200 triệu/30s, giảm tới 170 triệu/30s chỉ sau 4 năm.
Đêm chung kết Giọng hát Việt mùa thứ 5 có mức giá quảng cáo là 220 triệu/30s, cao hơn The Debut và Gương mặt thân quen 2018. Nhưng so với đêm chung kết của Giọng hát Việt 2013 (năm Thảo My đăng quang), mức giá năm nay đã giảm 20 triệu/30s. Mức giảm này thực tế không quá lớn, nhưng cũng cho thấy Giọng hát Việt đã một phần giảm sức hút.
Tương tự như Giọng hát Việt là chương trình Sing My Song (Bài hát hay nhất). Giá quảng cáo trong Sing My Song năm 2018 là 200 triệu/30s, trong khi ở mùa đầu tiên tổ chức, mức giá của chương trình là 250 triệu/30s, tức giảm 50 triệu/30s ở mùa thứ 2.
Một trường hợp khác là giá quảng cáo của Giọng hát Việt nhí. Quảng cáo trong 30 giây phát sóng của Giọng hát Việt nhí 2018 được VTV chào bán với giá 200 triệu. Con số này thấp hơn nhiều so với giá quảng cáo Giọng hát Việt nhí 2013, khi đêm Chung kết với cuộc đua tài của Phương Mỹ Chi và Quang Anh từng có giá quảng cáo lên tới 280 triệu/30s.
Có thể nói, năm 2018, loại hình game show ca nhạc đã thất thu trên sóng. Sức hấp dẫn, sự ảnh hưởng, khả năng lan tỏa đều sụt giảm. Dù vậy, thực tế đó được cho là khó tránh khỏi. Game show ca nhạc từng có thời gian bùng nổ quá đà, do đó việc thoái trào là tất yếu.
Phim truyền hình Việt tiếp tục đắt giá
Phim Việt từng bị "lãng quên" trên sóng giờ vàng. Không chỉ ít được quan tâm, giá quảng cáo của phim truyện của những năm trước thường thấp hơn nhiều game show. Tuy nhiên, từ năm 2017, với Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử, cục diện đã có sự thay đổi.
Người phán xử (phát trên VTV3) từng có giá quảng cáo 220 triệu/ 30s, tức cao hơn nhiều game show ca nhạc. Năm 2018, "thừa thắng xông lên", phim truyền hình tiếp tục khẳng định sức hút với Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu và đặc biệt là Quỳnh búp bê.
Quỳnh búp bê từng có giá quảng cáo đạt đỉnh điểm là 220 triệu/30s ở những tập cuối. Con số này tương đương với Người phán xử năm ngoái.
Dù phát sóng vào giờ vàng trong tuần, vốn được cho là ít đắt giá hơn giờ vàng cuối tuần của game show, giá của Quỳnh búp bê cao hơn một loạt chương trình truyền hình thực tế âm nhạc như Giọng hát Việt, Sing My Song, The Debut.
Với mức giá như vậy, 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng mỗi tập phim, nhà đài đã thu về hơn 4 tỷ.
Phim truyền hình Việt được cho là ngày càng biết cách kiếm tiền. Ngoài lợi nhuận từ việc bán quảng cáo giữa khung giờ phát sóng, giờ đây phim truyền hình Việt còn kiếm tiền tỷ nhờ quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp bằng lời thoại, cảnh phim.
Ví dụ điển hình là Tình khúc Bạch Dương hiện vẫn phát sóng trên VTV1. Trong ít nhất 3 tập phim, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại từ lời thoại của nhân vật trong phim. Không dừng lại ở đó, phim còn có nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần ngoại truyện của những "bom tấn" màn ảnh nhỏ cũng được cho là mang lại lợi nhuận không hề nhỏ. Thế nhưng cũng có nhiều ngoại truyện bị phản ứng vì quảng cáo lố, phản cảm.
Trên thực tế, quảng cáo trong phim gây bão là chuyện dễ hiểu. Nhưng nhiều phim truyền hình Việt quảng cáo còn thiếu tinh tế. Nội dung quảng cáo đôi khi gượng ép và không ăn nhập với nội dung phim. Chính điều này ít nhiều làm chất lượng bộ phim giảm sút.
Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)