Chưa có thời điểm nào các nghệ sĩ nổi tiếng sang Việt Nam biểu diễn nhiều như năm nay. Nhưng phía sau sự khởi sắc vẫn là nỗi thấp thỏm của nhà tổ chức.
Không cần úp mở, nhà tổ chức show diễn của nam danh ca người Mỹ khi đó giải thích ngay lý do là không bán được vé. Nói vậy để thấy người buồn không hẳn là khán giả mà có lẽ chính giới tổ chức chương trình, những đơn vị đã và đang theo đuổi “cuộc chơi rủi ro” mời nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam mới phải thở dài.
Những cú "ngã ngựa" liên tục
Không biết đây đã là lần thứ bao nhiêu các nhà tổ chức phải “chào thua” thị trường nội địa khi đưa nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế về biểu diễn.
Show diễn của Bi Rain tại TP HCM năm 2007 được coi là một sự kiện hoành tráng nhưng... lỗ 1 triệu USD. |
Gần nhất là năm 2013, sự kiện nam ca sĩ/ diễn viên Lee Min Hoo sang Việt Nam được quảng bá rầm rộ, thậm chí tổ chức họp báo mời đông đảo giới truyền thông. Nhưng đúng 4 ngày trước sự kiện, nhà tổ chức tuyên bố huỷ show và hoàn tiền vé trong sự ngỡ ngàng của cả báo giới và fan hâm mộ.
Đó chỉ là vài sự việc nổi bật trong không ít cú "ngã ngựa" của các nhà tổ chức trên sân nhà trong việc mời nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam biểu diễn.
Giới tổ chức biểu diễn vẫn thường nói với nhau rằng không có tài trợ “chống lưng” thì đừng có mời nghệ sĩ quốc tế. Thực tế là các chương trình có thể diễn ra suôn sẻ luôn có một danh sách đơn vị tài trợ dài hoặc một đơn vị cỡ ngân hàng, hãng hàng không hay tập đoàn khách sạn lớn “đồng hành”. Thậm chí nghệ sĩ càng sang trọng, đẳng cấp thì càng phải có tài trợ “khủng” mới làm được.
“Nghệ sĩ càng đẳng cấp thì chi phí tổ chức càng tốn kém. Như vậy khả năng có doanh thu của nhà tổ chức càng thấp đến mức… không tưởng. Vì thế nếu không có đơn vị tài trợ để đảm bảo chi phí sản xuất thì rất khó mà “gánh” được,” đạo diễn Việt Tú, người cũng rất ấp ủ việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam, lý giải.
Thử so sánh hai sự kiện của 2 nghệ sĩ là Kenny G và Peabo Bryson sẽ thấy. Show của Kenny G gắn với thương hiệu của một ngân hàng và chính ê-kíp sản xuất cũng thừa nhận" Một bên có khả năng tổ chức còn bên kia có nguồn lực tài chính. Sự cộng hưởng này đảm bảo thành công của show diễn".
Chưa biết đêm diễn vào tối 13/10 của nghệ sĩ saxophone nổi tiếng này có thành công như mong đợi của nhà tổ chức không. Nhưng nếu nhìn vào mức giá vé từ 600 ngàn đồng tới 3,5 triệu đồng cũng thấy đơn vị sản xuất phải khá "thoải mái" về chi phí đầu tư mới có thể có một biên độ giá vé hợp lý như vậy.
Đạt chất lượng nghệ thuật cao nhưng buổi diễn của Peabo Bryson ở Hà Nội không quá đông khán giả và buổi diễn ở TP HCM đã phải huỷ vì không bán được vé. |
Hay như với buổi diễn vở Hồ thiên nga của nhà hát ballet lừng danh Nga hồi đầu tháng 8 ở Hà Nội, trả lời báo chí, nhà tổ chức cũng khẳng định không một nhà sản xuất nào dù là điên rồ cỡ mấy gánh được chi phí và khoản lỗ khi tổ chức sự kiện.
Nếu việc tổ chức vẫn quá dựa dẫm vào nguồn kinh phí tài trợ, rõ ràng bài toán kinh tế của việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn là chưa có lời giải.
Chọn nghệ sĩ để bán vé
Nhưng trên một phương diện khác, người ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi: có phải nghệ sĩ được mời về cũng quyết định câu chuyện bán vé?
Một sự kiện khác được tổ chức trong năm nay là đêm diễn của nhóm Michael Learns To Rock (MLTR) tại Hà Nội hồi tháng 7. Đây cũng là show diễn không có đơn vị tài trợ. Mặc dù nhà tổ chức không công bố những con số chi phí hay lợi nhuận nhưng khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội chật khán giả cũng đủ chứng minh show diễn bán được vé và tạo được sức hút đại chúng.
Rõ ràng, so sánh giữa MLTR, Kenny G hay Peabo Bryson, sẽ thấy những sự khác biệt về sự phổ cập của họ ở thị trường Việt Nam.
Peabo Bryson dù là giọng ca huyền thoại thế giới nhưng cũng không thể có quá 3 ca khúc quen thuộc với khán giả Việt. Trong khi đó âm nhạc của MLTR hay Kenny G thì đã quá thân thuộc với người Việt. Các sản phẩm âm nhạc của họ không chỉ được nghe theo cách thông thường mà thực sự sống cùng nhiều thế hệ người Việt Nam ở các không gian công cộng, từ chiếc cân điện tử dạo cho tới... đoạn clip quảng cáo trên truyền hinh!
Hẳn là với đại đa số người Việt ta, cốc trà đá vỉa hè dễ rút ví hơn rất nhiều ly rượu vang phòng máy lạnh.
Có buffet cũng cần đặt món
Sự kiện âm nhạc được mong chờ trong tháng 10 ở Hà Nội là liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa. Quy tụ của hàng chục nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt là những cái tên đẳng cấp như nhóm Bond hay nữ ca sĩ Joss Stone, nhưng giá vé của sự kiện này cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng cho cả 4 ngày và ở khu vực VIP.
Giá vé hợp lý cộng hưởng với cơ hội thưởng thức nhiều nghệ sĩ trong không gian mở ngoài trời khiến Monsoon gần như trở thành "mốt" của giới trẻ Hà Nội 2 năm nay.
Mô hình liên hoan âm nhạc quốc tế như Monsoon có sức hút với khán giả trẻ Việt Nam. |