Tại đại lễ cắt băng khánh thành ngôi Tổ đường chùa Sùng Minh, Tứ Kỳ, Hải Dương hình ảnh nghệ sĩ Xuân Hinh trong trang phục giả gái gây phản ứng trái chiều dư luận.
Theo giải thích của nam nghệ sĩ, buổi biểu diễn đó ông hát cả chầu văn, sau đó tới màn ảo thuật thay quần áo và Xuân Hinh hoá thành cô gái làng chơi lẳng lơ. Nam nghệ sĩ cho biết nếu cả đoạn video được đăng tải nằm trong chuỗi sự kiện sẽ không đến nỗi như dân mạng bình phẩm. Xuân Hinh là nghệ sĩ giả gái thành công và rất duyên dáng trong làng hài. Nhưng việc giả gái tại không gian trang trí của buổi lễ theo phong tục Phật giáo thì nhiều người cho rằng không nên.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, buổi biểu diễn giả gái với trang phục váy ngắn của nghệ sĩ Xuân Hinh trong khuôn viên chùa ở Hải Dương, dù giải thích với bất kỳ lý do gì, cũng được xem là một sự việc đáng tiếc. Đây là một bài học kinh nghiệm đối với các nghệ sĩ trong việc tổ chức biểu diễn ở những không gian nhất định, đặc biệt là các không gian liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Ông Sơn cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, không gian liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo là không gian thiêng, được mọi người tôn trọng và thường dành ra những nguyên tắc riêng để thể hiện sự kính trọng của mình đối với thần linh, tổ tiên: cả ở đối tượng nào được đến, hành động nào được thực hiện/không được thực hiện, lời nói hay cả lễ vật dâng cúng. Ứng xử ở những không gian thiêng ấy luôn cần có sự kính cẩn, thể hiện đạo lý của mỗi người. Chính vì những quy định chặt chẽ ấy khiến cho những hành động ở không gian tín ngưỡng, tôn giáo luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng. Hành động của các nghệ sĩ cũng không phải là ngoại lệ.
Clip lan truyền trên mạng |
"Đúng là người nghệ sĩ có quyền tự do trong việc thể hiện tài năng của mình, nhất là khi điều đó được sự đồng tình của khán giả, không trái với quy định pháp luật. Tuy nhiên, nghệ sĩ là những người nổi tiếng, của công chúng, có tác động rất lớn đến nhận thức, thói quen, hành vi và đặc biệt là định hướng phát triển đạo đức, nhân cách của công chúng việc hết sức cẩn thận trong việc biểu diễn, phát ngôn, hành động phải được coi là một trong những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Có thể chúng ta khắt khe với nghệ sĩ hơn các đối tượng khác vì chúng ta yêu, trân trọng và mong nghệ sĩ trở thành những tấm gương tốt, chuyên chở ở những giá trị tốt đẹp, chân – thiện – mỹ đến cho xã hội. Nhất là trong bối cảnh xã hội ngày nay, nhiều điều lệch chuẩn, không phù hợp thậm chí là xuống cấp đạo đức đang làm vẩn đục bầu không khí trong lành của xã hội, chúng ta lại càng cần nghệ sĩ phát huy vai trò làm gương của mình, để từ đó chúng ta hình thành nên môi trường văn hóa lành mạnh, giúp ích cho sự phát triển đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội", ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Chia sẻ với VietNamNet, Thượng tọa Thích Thanh Thắng, Chánh Thư ký Ban trị sự tỉnh Hải Dương cho biết ông đang tìm hiểu sự việc và sẽ nhắc nhở chùa cẩn trọng hơn trong việc đưa các tiết mục vào biểu diễn.
Theo Tình Lê (VietNamNet)