Vài năm trở lại đây, thời lượng chiếm sóng của gameshow gần như bao trùm tất cả các đài truyền hình, từ đài tỉnh đến đài trung ương. Nhiều gameshow còn được ưu tiên phát giờ vàng vì quảng cáo quá nhiều.
Gameshow là con đường ngắn nhất, nhanh nhất đưa nghệ sĩ tới gần hơn với công chúng. Nhờ gameshow, nhiều nghệ sĩ được tỏa sáng nhưng cũng không ít người bị "lòi cái dốt" của mình ra một cách bẽ bàng.
Đa số những nghệ sĩ gặp tai nạn này khi tham gia chơi các gameshow đòi hỏi phải có chút kiến thức. Và tất nhiên, những nghệ sĩ này đã làm nhiều khán giả đi từ bất ngờ tới thất vọng khi trả lời sai bét những câu hỏi thuộc về kiến thức cơ bản nhất, cơ sở nhất.
Nhiều nghệ sĩ mất kiến thức cơ bản trầm trọng
Trong chương trình Nụ Cười Xuân mùa 2, tập 7, ở phần chơi của Lâm Vỹ Dạ và Tiến Luật, khi MC Trường Giang đặt câu hỏi: "Lan gấp đôi tuổi của Hồng. Hồng gấp 3 tuổi của Cúc. Nếu Cúc 2 tuổi thì Lan bao nhiêu tuổi"? Đáp án là 12 nhưng cả hai người chơi đều không trả lời được.
Cũng trong tập này, ở phần chơi của Mâu Thủy và Trương Thế Vinh, khi Trường Giang yêu cầu người chơi điền vào chỗ trống trong câu: "Những người đôi mắt lá răm, đôi mày... đáng trăm quan tiền", thì Mâu Thủy nhanh chóng trả lời "đôi mày xa xăm" khiến mọi người cười ồ. Trong khi đáp án chính xác là "lá liễu".
Năm 2016, Phạm Hương được mời tham gia chương trình "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5". Tại chương trình này, khi được hỏi "Hãy cho biết, máu khi chảy đông lại có một ít nước màu vàng trên vết thương, đó là gì". Phạm Hương nhanh chóng chọn đáp án, "nước màu vàng" trong khi câu trả lời chính xác là "huyết tương".
Tương tự, trong chương trình Đừng để tiền rơi vào năm 2017, khi MC Thành Trung đặt câu hỏi cho Sỹ Luân: "Thần chú khắc nhập, khắc xuất" được sử dụng với loại cây nào". Sỹ Luân đã quả quyết rằng đó là câu ông Bụt dùng cho... cây khế.
Trong chương trình Nhanh như chớp, nghệ sĩ hài Lê Giang cũng để lộ điểm yếu khi được hỏi về kiến thức văn học.
Câu hỏi đặt ra: "Cháo lòng, cháo bò, cháo cá, cháo gà, đâu là loại cháo mà Thị Nở đã nấu cho Chí Phèo ăn".
Trong khi câu trả lời chính xác là "cháo hành" thì nghệ sĩ Lê Giang khẳng định là "cháo lòng".
Cũng ở chương trình Nhanh như chớp, hot girl An Vy bộc lộ thiếu kiến thức cơ bản về văn học. Khi được hỏi "Bà chúa thơ Nôm là nói về nhà thơ nào" thì An Vy chọn ngay Bà huyện Thanh Quan. Ở câu hỏi "Ai là ông hoàng thơ tình Việt Nam", An Vy cũng đành cho qua vì không biết đó là ai.
Một số nghệ sĩ khi chẳng may bị lộ sự kém hiểu biết của mình, họ dám thừa nhận mình hổng kiến thức như Sỹ Luân, An Vy nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người lại cố gắng lấp liếm bằng những câu pha trò nhạt nhẽo, kém duyên để được khán giả "tha thứ" hoặc... quên đi.
Trường hợp của Lê Dương Bảo Lâm khi tham gia Nụ Cười Xuân cùng Ninh Dương Lan Ngọc là ví dụ. Mỗi lần trả lời sai, người chơi bị bắn vào người. Ở tập này, Lê Dương Bảo Lâm bị bắn liên tiếp, anh liền chống chế "chắc bị bắn tét môi quá, con này bắn em mạnh ghê, em thấy nó đang nhét đạn nữa nè". Mọi người đều cười ồ.
Khi Trường Giang hỏi "nơi nào có đường sá nhưng không có xe cộ, có nhà ở nhưng không có con người, có siêu thị công ty nhưng không có hàng hóa", Lê Dương Bảo Lâm nhanh nhảu "âm phủ" trong khi đáp án chính xác là bản đồ.
Nam diễn viên hài phân tích: Đường sá là cầu nại hà, nhưng không có xe cộ vì dưới âm phủ người ta đi lướt lướt lướt. Ở đây mình đốt nhà xuống bằng vàng mã nhưng có hồn chứ không có người ở. Và giải thích cho siêu thị công ty nhưng không có hàng hóa, nam diễn viên bảo "Nhiều khi người ta đốt cả siêu thị xuống luôn".
Lạm phát gameshow và những bài học đắt giá
Tất cả những "tấm gương" bẽ bàng kia, người trong nghề đều nhìn thấy rất rõ và trong những lúc ở hậu trường, một số người cũng đem ra bình luận, góp ý cho nhau, để anh em nghệ sĩ đừng vì tham tiền, tham tiếng mà làm mình mất mặt.
Tuy nhiên, thay vì cầu thị, học hỏi, bổ sung lỗ hổng kiến thức thì một số người cố chấp nói rằng: "Giờ vàng là giờ giải trí, chúng tôi đang làm giải trí mà. Chúng tôi làm khán giả cười thì có gì sai đâu".
Phân tích sâu về vấn đề này, một nghệ sĩ xin được giấu tên chia sẻ: "Gameshow đang bị lạm dụng. Khi lạm dụng nhiều quá thì thành lạm phát và sẽ có tác động tới xã hội.
Bạn hỏi tôi về lòng tự trọng, về sự liêm sỉ của người nghệ sĩ ở đâu khi thấy mình dở mà không biết cân nhắc lựa chọn gameshow phù hợp để tham gia mà nhận lời ồ ạt dẫn tới tự mình chuốc nhục vào người và làm nhục luôn giới nghệ sĩ khi bị đánh đồng.
Vấn đề là họ tham tiền bạc, tham danh danh tiếng.
Có người là nghệ sĩ ưu tú nhưng khi tham gia gameshow Chiếc nón kỳ diệu của Đài truyền hình Việt Nam còn bị lỗi viết sai chính tả.
Dĩ nhiên chương trình phải để y nguyên để phát sóng vì họ không cắt được, bởi người chơi quay ô chữ và đoán.
Chương trình Chiếc nón kỳ diệu quá nổi tiếng nên họ phải tham gia, phải góp mặt mình vô đó nhưng khi đụng tới những cái cơ bản nhất, phổ thông nhất, cơ sở nhất thì mới bị lòi ra cái dốt của mình.
Thực sự khi xem chương trình, tôi mắc cỡ dùm cho nghệ sĩ phía Nam. Bởi vì khán giả có thể sẽ đánh đồng nghệ sĩ miền Nam đều... dốt như thế. Và vô tình, chúng tôi trở thành... mẫu số chung.
Ở cái nghề này, học tới chết mới hết học. Học qua tuồng tích, qua bạn bè đồng nghiệp, qua khán giả, sách vở, trường lớp. Đâu có đơn giản là cứ ló mặt lên truyền hình cho khán giả thấy mình là được.
Vũ trụ không nằm hết trong tay mình. Nếu thấy mình dốt thì đừng chơi, đừng để lòi cái dốt của mình ra cho thiên hạ thấy. Trẻ con sai sót là điều đương nhiên nhưng người lớn sai thì không phải vậy".
Theo Ái Du (Soha/Trí Thức Trẻ)