Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Lấy doanh thu làm tiêu chí thì phim ít doanh thu mặc nhiên bị xem như phim dở. Thước đo này gây tranh cãi, tương tự bên ca nhạc lấy lượt xem (view) làm thước đo MV. Đừng nói trong nghệ thuật, ngay trong đời sống hay/dở cũng khó phân định rạch ròi. Dở trong mắt người này có khi lại thú vị trong mắt người khác và ngược lại.
Nói gì thì nói, doanh thu bết bát song Mai Thu Huyền vẫn có những điểm đáng khen, gắn biệt danh “bà hoàng phim dở” cho chị có lẽ hơi nặng nề.
Đưa nàng Kiều lên màn ảnh rộng là sự nỗ lực và cả sự dũng cảm đáng ghi nhận của Mai Thu Huyền. Mọi sự sáng tạo dựa trên kiệt tác văn học ăn sâu trong tiềm thức của người Việt không bao giờ dễ dàng.
Phim Kiều thất bại ở phòng vé, Mai Thu Huyền chịu trận. Người ta chê dở đủ đường và lại quên rằng, biên kịch kiêm đạo diễn hình ảnh phim Kiều chính là NSƯT Phi Tiến Sơn, cha đẻ của Đào, phở và piano dậy sóng mới đây.
Có thể phim Kiều chưa được ghi nhận song không thể phủ nhận Mai Thu Huyền đã dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm này. NSƯT Phi Tiến Sơn từng nói khi phim Kiều không được đón nhận: “Nếu không tâm huyết thì không ai làm công việc khó khăn, tốn công tốn sức tốn tiền này cả. Tôi nghĩ khán giả nên tôn trọng cái tâm huyết đó”.
Bây giờ chị lại làm phim dựa trên cảm hứng về cuộc đời của cố danh ca hải ngoại hồng nhan bạc phận, đã tạ từ nhân thế hơn hai mươi năm nay, cũng là chọn cho mình con đường khó.
Đối với khán giả trẻ hôm nay bao nhiêu người biết tới và nhớ nhung giọng ca Mưa trên biển vắng?
Dàn diễn viên tham gia Đóa hoa mong manh không có gương mặt nào kích thích doanh thu phòng vé.
Mai Thu Huyền từng là mỹ nhân được yêu thích một thời qua phần một bộ phim truyền hình Những ngọn nến trong đêm nhưng đó cũng là quá khứ xa lắc lư. Mà, thị hiếu của “thượng đế” vốn khó lường và biến chuyển liên tục. Hôm qua Thái Hòa còn là “ông vua phòng vé” thì nay cái tên ấy, cái danh ấy chưa chắc là thẻ bảo hành khi phim có sự tham gia của anh ra rạp.
Hoài Linh xưa hút khách là thế, nay trở lại với màn ảnh rộng cũng với “món” giả gái quen thuộc, thế mà “thượng đế” không còn mặn mà như xưa.
Bây giờ trên thị trường phim ảnh cũng có cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Trong khi Trấn Thành, Lý Hải thế như chẻ tre, đụng đâu thắng đó, thì lại có những nhà làm phim liên tục kém may mắn. Người ta cũng đã tìm ra muôn vàn nguyên nhân khiến phim Mai Thu Huyền thường ế khách ở thị trường trong nước.
Nếu cứ tính trên trận địa doanh thu để quy phim hay, phim dở thì ngoài “bà hoàng phim dở” cũng còn phải có cả “ông hoàng phim dở”.
Ứng cử viên cho "ông hoàng phim dở” chắc thế nào cũng có tên chồng của cựu người mẫu , diễn viên Trang Nhung. Anh làm phim nào thua phim đó, kém gì Mai Thu Huyền?
Có khán giả còn đặt câu hỏi: "Quý cô thừa kế 1 doanh thu cũng thảm tại sao còn tạo ra Quý cô thừa kế 2?". Người ta thường nói: Thừa thắng xông lên chứ có ai làm điều ngược lại?
Đừng nói Hoàng Duy, ngay cả người từng làm những phim ghi dấu ấn như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao, Lương tâm bé bỏng … lại từng mạnh dạn xé rào đưa gái nhảy lên màn ảnh rộng tạo ra hiện tượng phòng vé thời ấy, giờ trở lại cũng thất thu như thường.
“Thất bại là mẹ thành công”
“Nữ hoàng phim dở” hay “ông hoàng phim dở” đều là những biệt danh chẳng ai muốn nhận. Giống như giải thưởng mang tính giễu nhại “Mâm xôi vàng” ở Mỹ rơi trúng ai người ấy cũng buồn.
Chắc biệt danh “bà hoàng phim dở” ở ta mọc lên cũng do tham khảo từ bên ngoài. Thí dụ, Triệu Lộ Tư, cũng bị cư dân mạng ở Trung Quốc gắn biệt danh “nữ hoàng phim dở” vì họ cho rằng diễn xuất của mỹ nhân 9X là nguyên nhân khiến phim có sự tham gia của cô bị kéo tụt xuống.
Danh sách “nữ hoàng phim dở” của Cbiz không chỉ dừng lại ở Triệu Lộ Tư. Ở ta, đến nay mới thấy gọi tên mỗi một “bà hoàng phim dở”. Thật tiếc khi nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên 7X lại bị gắn biệt danh này. Đây cũng là một thách thức cho mỹ nhân Những ngọn nến trong đêm ở những phim tiếp theo. Vì không ít “thượng đế” chỉ nghe biệt danh đã né phim. Những tiến bộ ở phim sau (nếu có) cũng khó khăn để được thừa nhận hơn.
Nhưng nếu vững vàng tinh thần lại có thực tài, chịu khó lắng nghe thì “bà hoàng phim dở”, “ông hoàng phim dở” đến một ngày vẫn có thể xoay mình trở thành “bà hoàng phim hay”, “ông hoàng phim hay”.
Tục ngữ có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Làm phim dở, theo tiêu chí phim kém doanh thu, có tội hay không có tội? Có nhà làm phim cho rằng không có tội, bởi họ có dùng tiền nhà nước để làm phim đâu, mà là dùng tiền tư nhân. Họ chỉ có tội với những người đổ tiền để làm ra phim. Với khán giả họ cũng không có tội, vì xem hay không xem phim là do “thượng đế” tự định đoạt.
Nhưng nếu cứ thất bại liên tiếp trên đường đua doanh thu thì hiển nhiên cũng khó kêu gọi được lực lượng chịu rót vốn. Hiện nay, một số đạo diễn thường kiêm luôn vai trò nhà sản xuất. Nhưng “núi cũng lở” khi hết phim này đến phim kia đều bị khán giả trong nước quay lưng.
Theo Đào Nguyên (Tiền Phong)