*Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Người vợ cuối cùng đánh dấu 10 năm Victor Vũ mới quay lại với phim cổ trang, và 2 năm với một tác phẩm điện ảnh. 2 năm qua, vị đạo diễn sinh năm 1975 thú nhận rằng mình đã dồn toàn bộ trái tim và khối óc, mồ hôi và nước mắt cho “đứa con” này.
Liệu rằng những gì mà Victor Vũ và ê kíp đã tạo nên có chinh phục được khán giả?
Xót xa thân phận người phụ nữ thời phong kiến
Người vợ cuối cùng lấy bối cảnh thế kỷ 19 ở làng quê Bắc Bộ. Phim mở ra với bối cảnh đám cưới. Linh, cô gái con nhà nghèo bất ngờ một bước đổi đời, trở thành vợ ba trong gia đình quan tri huyện. Nhưng chẳng ai biết đằng sau cái đám cưới linh đình ấy là một câu chuyện khác.
Linh được cưới về không phải để được sống trong nhung lụa kẻ hầu người hạ. Trong phòng cô treo một cái thòng lọng, không phải để treo cổ, mà là để… treo chân sau mỗi lần ân ái phòng the, để cô có thể giữ thật lâu những “hạt vàng hạt ngọc” từ quan và sớm sinh quý tử.
Linh cũng từng sinh nở, nhưng là một bé gái có cái tên khiến ai nấy xem phim cũng phải giật mình - Đông Nhi. Thế nhưng 7 năm sau lần sinh nở ấy, dù có uống bao nhiêu thuốc bổ, dù có treo chân cao đến đau cả mình mẩy, thì cô cũng không thể sinh thêm cho quan một mụn con nào nữa.
Mang thân phận vợ ba, nhưng Linh ăn cơm phải ngồi mâm riêng. Cô là cái bao cát trút giận của quan mỗi lần ông ta nổi nóng. Linh ăn vận khiêm nhường, chẳng khác kẻ ăn người ở là mấy. “Phạm vi hoạt động” của cô là gian bếp, nơi Linh quán xuyến chuyện bếp núc, chợ búa, ăn uống cho người nhà.
Cuộc sống của Linh là những chuỗi ngày dài tẻ nhạt, chịu đựng, nhẫn nhục, như ánh nhìn bất lực và đau đớn của cô trong mỗi lần ân ái với người chồng đáng tuổi bố mình… cho đến một ngày, cô gặp lại Nhân - mối tình đầu một thuở…
Bộ phim của sự chỉn chu
Victor Vũ và ê kíp luôn nhấn mạnh một điều rằng, Người vợ cuối cùng là bộ phim hoàn toàn hư cấu, chỉ lấy bối cảnh lịch sử là nền tảng để phát triển câu chuyện. Ấy thế nhưng những chi tiết tái hiện bối cảnh lịch sử trong phim lại khiến người xem phải trầm trồ, thán phục bởi sự dụng công và chỉn chu đến từng chi tiết.
Có thể thấy ekip Người vợ cuối cùng đã nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể so với hình ảnh tư liệu. Sự sáng tạo này được đặt trong khuôn khổ đề cao nét đẹp truyền thống của cả ba miền trong tạo hình của các nhân vật.
Không chỉ là trang phục, tạo hình nhân vật, việc phục dựng bối cảnh xưa trong phim cũng cho thấy sự kỳ công của ê kíp Người vợ cuối cùng khi giúp khán giả như được chu du về quá khứ, sống trong bầu không khí thấm đẫm chất Bắc Bộ từ mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê… tới những chi tiết nhỏ nhắn, tinh tế như các vật dụng, đồ trang trí.
Sau câu chuyện bối cảnh, thì diễn xuất đồng đều, ấn tượng của dàn diễn viên Người vợ cuối cùng cũng là một điểm nhấn đắt giá. Tất cả các nhân vật, từ chính đến phụ, ít hay nhiều đất diễn đều mang một màu sắc rất riêng, khiến người xem phải ghi nhớ.
Người vợ cuối cùng - Vẻ đẹp đến cả từ cảnh “nóng”
Xem Người vợ cuối cùng, có lẽ không ít khán giả phải thốt lên một từ “đẹp”. Nét đẹp đến từ bối cảnh, diễn viên, và cả nét đẹp trong từng thông điệp mà bộ phim gửi gắm.
Đó là vẻ đẹp của khát vọng: khát vọng được yêu, khát vọng tự do. Khát vọng giống như một ngọn lửa nhỏ luôn cháy âm ỉ trong trái tim mỗi người, dù có đôi khi, vì những khổ đau, lo toan, gánh nặng cuộc đời, con người ta không nghĩ, hoặc không dám tin mình còn khát vọng.
Nhưng ngọn lửa nhỏ đó, chỉ chờ một cơ hội để cháy bùng lên rực rỡ. Khát vọng như tiếng thở dồn dập của Linh trong một đêm mưa bão, thôi thúc cô tìm đến với người đàn ông mình thương nhớ cả thanh xuân. Khát vọng như ánh nhìn kiên định của cô lúc đưa ra những quyết định quan trọng để giải phóng cho chính bản thân mình. Khát vọng ấy mạnh mẽ hơn cả những nỗi đau thể xác. Nó chính là thứ nuôi sống tâm hồn Linh, đưa cô trở lại là một cô gái tràn đầy sức sống và tin yêu, sau những năm tháng dài sống trong tăm tối ở nhà quan. Nó cũng là thứ khiến cho Mợ Cả không hiểu được, rằng tại sao bà ta chửi mà Mợ Ba vẫn cười?!
Người vợ cuối cùng cũng là bộ phim tôn vinh vẻ đẹp của tâm hồn con người, là thứ không thể bị che lấp đi dù có khổ đau bất hạnh. Đó là vẻ đẹp của sự thiện lương, đức hy sinh, thứ vẻ đẹp khiến một người phụ nữ dù ăn vận khiêm nhường và u buồn như Linh vẫn trở nên rực rỡ.
Và cuối cùng, không thể không nhắc tới, vẻ đẹp bất diệt của tình yêu. Tình yêu, không đơn thuần chỉ là những ái ân thể xác, nó còn là sự trân trọng, là những hy sinh cho người mình thương. Để vẽ nên một câu chuyện tình, những cảnh nóng trong phim là cần thiết. Nói về cảnh nóng, có lẽ không có nhiều bộ phim có cảnh nóng đẹp mà “chạm” như Người vợ cuối cùng.
Trong quá trình đưa Người vợ cuối cùng ra rạp chiếu, phía truyền thông của phim có nhắc nhiều đến cảnh nóng. Bộ phim cũng xuất hiện nhiều cảnh ân ái giữa Linh và 2 người đàn ông, một là chồng, hai là người tình. Nhưng phân cảnh được coi là “nóng” nhất có lẽ chỉ có một mà thôi. Đó là phân cảnh giữa Kaity Nguyễn và Thuận Nguyễn.
Nhưng ngay cả trong cái biên độ được xếp vào “rất” trần trụi đó, thì cảnh nóng này vẫn đẹp và giàu cảm xúc theo một cách rất riêng. Nó cũng khắc họa một sự tương phản rõ nét giữa 2 cách “yêu” của 2 người đàn ông. Nếu như người chồng quan tri huyện chỉ coi Linh như một “cỗ máy đẻ”, nơi hắn trút vào những “hạt vàng hạt ngọc” của bản thân và cả những đòn roi khi cao hứng, thì khi Linh ở bên Nhân, người đàn ông đó yêu cô, trân trọng cô, say mê cô. Tên quan huyện cục súc bao nhiêu, thì Nhân nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Và khi yêu, anh yêu luôn cả những tổn thương, những nỗi đau, những vết xước trên thân thể người phụ nữ của mình.
Đó là lý do cảnh nóng của phim được làm rất nặng đô, nhưng lại chạm tới trái tim người xem, thay vì sự phản cảm.
Không dành cho người thích xem phim nhanh
Sở hữu rất nhiều điểm cộng tinh tế, nhưng Người vợ cuối cùng có lẽ vẫn không phải một bộ phim dành cho tất cả. Khoan nói đến cái mác 18+, thì cái nhịp chậm rãi, đôi khi hơi “sốt ruột” của phim cũng không dành cho những người quen xem phim nhanh, đòi hỏi nhiều tình tiết cao trào và những cú “twist” giật liên tục. Bối cảnh phim cũng bó hẹp nên dễ gây ra cảm giác “tù” cho một số khán giả.
Ngoài ra, chi tiết có thể tạo ra nhiều tranh cãi cho khán giả chính là tiếng nói của diễn viên trong phim. Người xem có thể bị “loạn” với ngôn ngữ đa vùng miền trong tác phẩm. Ví như trong gia đình Linh, bố nói giọng Bắc, mẹ nói giọng Nam, con nói giọng Nam. Hay trong gia đình quan huyện, quan và Mợ Cả nói giọng Bắc, Mợ Hai lại nói giọng Nam… Theo giải thích của Victor Vũ, anh muốn giữ lại trọn vẹn cảm xúc của diễn viên nên đã quyết định không lồng tiếng. Ê kíp chỉ cố gắng phổ thông hóa lời thoại, hạn chế thổ ngữ, phương ngữ và cổ ngữ có thể gây khó hiểu cho người xem, giúp thoại phim dễ nói, dễ nghe, còn lại câu chuyện vùng miền, Victor Vũ cho rằng, điện ảnh vẫn có thể cho phép sự sáng tạo trong khuôn khổ chấp nhận được.
Với giải thích của vị đạo diễn, có lẽ khán giả xem phim cũng sẽ thông cảm được, vì suy cho cùng, ngôn ngữ của vùng miền nào thì vẫn là ngôn ngữ tiếng Việt, đều đáng trân trọng, và với một tác phẩm hư cấu, thì sẽ chẳng có vấn đề gì nếu chúng được đặt cạnh nhau, đan xen vào nhau như cái cách Người vợ cuối cùng đã làm.
Có một vài thông tin thú vị, đó là Người vợ cuối cùng được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái - đồng thời cũng là bố vợ đạo diễn Victor Vũ. Vị đạo diễn tiết lộ anh và bố vợ đều đam mê lịch sử và có thể nói chuyện xuyên đêm về lịch sử.
Vợ anh, diễn viên Đinh Ngọc Diệp thủ vai Mợ Hai trong phim, một nhân vật không nhiều đất diễn nhưng duyên dáng và thú vị, hứa hẹn sẽ được nhiều khán giả yêu mến khi ra rạp xem phim.
Sau 2 năm tái xuất, Người vợ cuối cùng khó có thể nói là một tác phẩm đột phá, tạo sự bùng nổ của Victor Vũ. Nó vẫn nằm ở đâu đó trong ngưỡng an toàn, nhưng vừa đủ chỉn chu, vừa đủ tinh tế, vừa đủ hấp dẫn để níu chân người xem.
Người vợ cuối cùng khởi chiếu tại rạp từ ngày 3.11.2023.
Theo TTT (Phụ Nữ Số)