Mới đây, chương trình Đời nghệ sĩ đã lên sóng, với nhân vật chính là danh ca Phương Dung, một tên tuổi lớn của nền nhạc Bolero Việt Nam trước và sau 1975, được rất nhiều khán giả mến mộ. Tại đây, danh ca Phương Dung đã chia sẻ về sự nghiệp của mình.
Tôi chỉ có mỗi chiếc áo dài trắng để đi hát, phải thay đi thay lại
Người ta thường nhắc đến tôi với danh xưng Nhạn trắng Gò Công. Sở dĩ tôi có danh xưng này vì vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tôi được nhạc sĩ Mạnh Phát ưu ái viết cho ca khúc đo ni đóng giày với giọng hát của mình. Đó là nhạc phẩm đình đám Nỗi buồn gác trọ.
Ca khúc này nhanh chóng làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc và nhận được rất nhiều sự yêu thích của khán thính giả.
Với sự thành công này, ký giả Kiên Giang đã viết một bài phóng sự và đặt cho tôi cái tên Nhạn trắng Gò Công.
Lúc đó, tôi vẫn đang là học trò nên chỉ có mỗi chiếc áo dài trắng để đi hát, phải thay đi thay lại, cộng thêm nét dễ thương của một cô gái từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn.
Chú Kiên Giang đã dùng hình tượng ấy để liên tưởng sang hình ảnh một bầy chim nhạn của bờ biển Gò Công mà đặt tên cho tôi.
Tôi rất hãnh diện với cái tên này vì ít có ca sĩ nào được mang mỹ danh gắn liền với quê hương của mình như tôi.
Cát xê của tôi lên đến 70 cây vàng, mua được biệt thự, xe hơi
Từ những ngày đầu đến với nghiệp cầm ca, gia đình tôi chính là cầu nối cũng như chỗ dựa vững chắc cho tôi, luôn ủng hộ tôi trên con đường nghệ thuật.
Dù ba mẹ tôi là người thuộc thế hệ cũ nhưng vẫn đồng ý cho tôi trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, ba tôi đã có những lời dặn dò hết sức thấu đáo rằng: "Quyết định nào con cũng phải sống với nó nhưng nhất định không được bỏ học".
Theo ba tôi, chỉ có học mới giúp tôi hiểu được nội dung, ý nghĩa của bài hát. Một khi đã theo nghề thì phải làm cách nào đó giữ được giá trị của một người nghệ sĩ, đồng thời phải theo đuổi nó đến cùng. Tôi nghe theo lời dạy của ba, học hành đến nơi đến chốn để có tri thức đi hát.
Sau một thời gian đi hát, tôi nhanh chóng nổi tiếng, trở thành ngôi sao lớn. Mỗi tháng, tôi phải thu âm cho hãng đĩa tối thiểu 4 đĩa hát, một đêm tôi hát khoảng 7 phòng trà.
Ngoài ra, tôi còn hát thêm rất nhiều sự kiện hay buổi tiệc cá nhân. Thời điểm ấy, tôi chạy show không kịp thở.
Với tốc độ chạy show điên đảo và số lượng show diễn lớn như thế, tôi thu về trên dưới 200 ngàn đồng một tháng, mà vàng khi ấy chỉ có 3 ngàn đồng một cây. Tính theo giá vàng bây giờ thì mỗi tháng, cát xê của tôi lên đến gần 70 cây vàng.
Nhờ đó, tôi mua được xe hơi, biệt thự và đất đai cho ba má. Tuy có thu nhập lớn là vậy, nhưng tôi không hề phung phí. Quần áo tôi đều được mẹ may cho. Tôi tiêu pha nhiều, cũng không chạy theo những xu hướng thời trang ngày ấy.
Theo Tùng Ninh (Pháp Luật và Bạn Đọc)