Thành công bước đầu tại Mỹ
Mới chỉ công chiếu vài ngày tại Mỹ nhưng Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đã chứng tỏ rằng bộ phim đã gặt hái được không ít "quả ngọt".
"Quả ngọt" ở đây trước hết là sự quan tâm của cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống ở xứ cờ hoa.
Ở đây, tác phẩm điện ảnh của Ngô Thanh Vân được giới thiệu đến với khán giả Mỹ qua 13 rạp phim, chủ yếu thuộc thương hiệu rạp chiếu AMC.
Nói thêm về cụm rạp này, AMC được biết đến như cụm rạp lớn và nhiều chi nhánh nhất nước Mỹ, với quyền đồng sở hữu thuộc về tập đoàn Trung Quốc Vạn Đạt của Chủ tịch Vương Kiện Lâm.
Không chỉ đóng vai trò là điểm đến của những tín đồ điện ảnh, cụm rạp AMC còn thường đóng vai trò chủ trì cho nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại Mỹ.
Tại thành phố San Jose, bang California nơi phóng viên tác nghiệp, Hai Phượng (Tựa tiếng Anh: Furie) được trình chiếu tại rạp AMC Eastridge thuộc trung tâm thương mại AMC.
So với các rạp khác thuộc cùng thương hiệu, AMC Eastridge tuy sở hữu chất lượng phòng chiếu ngang bằng nhưng lại có phần khiêm tốn về lượng khách ra rạp thường xuyên.
Song, không khí ngày Hai Phượng được công chiếu lại khá nhộn nhịp so với mọi ngày. Phóng viên nhận thấy so với những cuối tuần trước, số lượng người Việt ra rạp tăng đột biến, gần như chiếm gần hết không gian sảnh chờ.
Thử tiếp cận vài khán giả để hỏi han, không quá ngạc nhiên khi bộ phim mà hôm ấy họ chọn đi xem chính là Hai Phượng - Phim Việt Nam hiếm hoi có suất chiếu ngang ngửa các phim "ngoại".
Anh Jimmy C. Tran, một khán giả xem Hai Phượng vào suất tối cho biết anh cảm thấy rất hào hứng trước giờ vào rạp xem phim. Anh biết đến Hai Phượng là nhờ cập nhật thông tin từ bạn bè ở Việt Nam, cũng như Facebook của Nghệ sỹ Thành Lộc.
Anh An Phước Cao, bạn đi cùng anh Jimmy, cũng không thể giấu được cảm xúc hồ hởi của mình. Anh cho biết đã "theo dõi Ngô Thanh Vân từ lúc cô còn là một ca sỹ", và cảm thấy danh từ "đả nữ" là hoàn toàn xứng đáng với nữ diễn viên.
Bạn Duong Thuy Truong, một khán giả khác, cho biết Hai Phượng là phim Việt Nam thứ hai mà bạn xem ở San Jose, sau Giấc Mơ Mỹ. Lý do bạn đến rạp là cũng bởi thần tượng Ngô Thanh Vân.
Có thể thấy, Hai Phượng khi đặt chân đến nước Mỹ, thì "hành trình tìm con" của nhân vật đã được đón nhận nồng nhiệt với cộng đồng người Việt tại đây. Phần lớn khán giả ra rạp chủ yếu là vì cái tên Ngô Thanh Vân, với kỳ vọng chung là được thấy nàng "đả nữ" có những pha hành động mãn nhãn trên màn ảnh rộng.
Phản ứng của khán giả tại Mỹ về Hai Phượng. |
Những thử thách "khó nhằn" hơn cả Thanh Sói
Trong phim, tuyến nhân vật phản diện Thanh Sói (Thanh Hoa) chính là đối thủ đáng gờm nhất của chị Phượng giang hồ. Ở ngoài đời, bộ phim Hai Phượng cũng gặp không ít trắc trở, hạn chế khi được trình chiếu tại đất nước 50 tiểu bang.
Trước hết, Hai Phượng có thể là "bom tấn" tại thị trường nội địa, nhưng ra đến rạp Mỹ, thì cũng chỉ đơn thuần là một bộ phim nói tiếng nước ngoài.
Thực tế, các rạp phim thuộc cụm AMC cũng như nhiều cụm rạp khác tại Mỹ ngoài những phim bom tấn Hollywood, sẽ thường xen kẽ các suất chiếu của phim của nhiều quốc gia khác nhau chứ không chỉ riêng phim Việt Nam. Các bộ phim được lựa chọn trình chiếu sẽ tùy thuộc khu vực mà cụm rạp tọa lạc tập trung nhiều sắc tộc nào.
Vì vậy, một bộ phim Việt Nam khi đến xứ cờ hoa nhận được thái độ từ người bản xứ hời hợt chẳng kém các phim Mexico hay... Ấn Độ.
Điều này được thực chứng qua việc có đến hai thành phố tập trung nhiều người Việt là San Jose và Quận Cam trình chiếu Hai Phượng, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một poster hay tờ rơi quảng cáo.
Chiến dịch quảng cáo dành cho các tựa phim Mỹ không được áp dụng với Hai Phượng; trailer của phim thậm chí còn không xuất hiện ở những tuần phim trước.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu được, đây là tình trạng chung của hầu hết các rạp có chiếu phim này, chứ không chỉ riêng AMC Eastridge.
Tín hiệu đáng mừng là tuy không được quảng bá rộng rãi nhưng trong những ngày đầu công chiếu hầu hết rạp suất tối đều kín vé. Nhiều khán giả muốn mua mà không được cũng phải tiếc nuối chờ suất ngày tiếp theo.
Nhưng điều này cũng chỉ nên "vui mừng một nửa", khi mà gần hết khán giả đến với Hai Phượng đều là người Việt. Bóng dáng khách là người Mỹ chỉ lác đác, nhưng chưa chắc là họ thực sự thích bộ phim.
Lý do là vì hầu hết các rạp ở Mỹ chỉ soát vé ở cổng ngoài, còn vào đến bên trong khu vực các phòng chiếu thì không có người kiểm soát. Nhiều khách có thể mua vé phim này, nhưng thực tế có ý định "lỉnh" sang xem phim khác.
Công bằng mà nói, việc Ngô Thanh Vân mang Hai Phượng đến Mỹ quảng bá đã là một bước tiến lớn, là thành công đáng ngưỡng mộ của nền điện ảnh nước nhà.
Song, nếu thang điểm hoàn hảo của thành công là 10, thì Hai Phượng chỉ tầm mức 3-4 khi không được nhiều người Mỹ bản địa biết đến.
Nếu phải so sánh với các phim Châu Á tại rạp Mỹ khác, thì Hai Phượng tuy cùng chủ đề, cùng chất lượng hành động, nhưng lại kém tiếng hơn hẳn tác phẩm The Raid: Redemption (2011) của điện ảnh Indonesia.
Hay như trong năm nay, phim Lưu Lạc Địa Cầu của Ngô Kinh và phim Rampant có Jang Dong-gun tham gia cũng khiến giới bình luận phim Hoa Kỳ tốn nhiều giấy mực hơn.
Một may mắn khác của Hai Phượng là được công chiếu tại Mỹ vào thời điểm không có phim bom tấn nào mới ra rạp.
Giả sử phim công chiếu vào tuần tiếp theo và phải cạnh tranh trực tiếp với Captain Marvel của Disney, kết quả về lượng người xem cũng như suất chiếu có lẽ sẽ không khả quan như hiện tại.
Theo đó, việc đưa phim Việt Nam đến với thế giới và chạm vào "vị giác phim" của bạn bè năm châu có lẽ vẫn còn là một câu chuyện dài, một hành trình chưa điểm đến với những thử thách khó có thể gọi tên.
Song, dù có thích hay không thích phim, giới đam mê điện ảnh nước nhà vẫn phải thừa nhận rằng sự ra đời của bộ phim đã mang đến cột mốc quan trọng cho nền điện ảnh nội địa.
Theo Kaiser (Soha/Trí Thức Trẻ)