Học được nhiều từ những "cây đa, cây đề" Nhà hát Kịch
Anh là thế hệ nghệ sĩ được đào tạo tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Được học tập và làm việc với những “cây đa, cây đề” của làng sân khấu anh cảm thấy thế nào?
Phải nói rằng, tôi là một trong số những nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam may mắn được học tập rồi sau đó lại công tác tại đây. Trong quá trình đó, khi được tiếp xúc với các cô chú đi trước, tôi học được nhiều nhất là sự nghiêm túc với nghề. Ngoài ra, dạy học sinh ngành nghệ thuật, việc truyền nghề cũng quan trọng nhưng việc truyền lửa còn quan trọng hơn. Đó là tình yêu nghệ thuật, tình yêu nghề được truyền trao bởi các nghệ sĩ đi trước.
Thời điểm đó, ai là người đã dìu dắt và có ảnh hưởng tới anh nhiều nhất?
Thực ra, dạy trực tiếp thì thời đó các cô chú không dạy trực tiếp. Việc dạy thời đó do các thầy cô ở các nơi khác về. Nhưng được đóng những vai quần chúng hoặc được ngồi bên cánh gà quan sát các cô chú tập/diễn, bản thân tôi học được rất nhiều thứ. Những chỗ nào mình chưa hiểu lại có thể hỏi trực tiếp các cô chú.
Ngay cả các cô chú ở Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có những cách tiếp cận và cách sáng tạo nhân vật khác nhau. Chẳng hạn như chú Trọng Khôi và chú Đoàn Dũng cùng đóng một nhân vật Erostrat trong “Vụ án người đốt đền” nhưng hai người có hai cách tiếp cận nhân vật và cách diễn khác nhau. Chúng tôi xem cảm thấy vô cùng ấn tượng và học hỏi được rất nhiều.
Cùng là một nhân vật ấy nhưng khi xem chú Đoàn Dũng diễn thì thấy lý lịch nhân vật, tính cách nhân vật có khác một chút mặc dù thông điệp nhân vật đưa đến vẫn thế. Đến lượt xem chú Trọng Khôi diễn lại có những thú vị rất riêng biệt. Xem một người diễn đã học tập được nhiều nhưng xem tới hai người diễn lại cảm thấy mở mang ra được bao nhiêu thứ.
Đồng hành cùng Nhà hát Kịch Việt Nam từ thời hoàng kim cho đến thời trầm lắng, anh cảm thấy tiếc nuối nhất là thời điểm nào?
Tôi nghĩ rằng, bắt đầu từ thời điểm nhà nước mở cửa, không chỉ riêng Nhà hát Kịch Việt Nam đâu mà cả ngành sân khấu nói chung cũng không giữ được vị thế hai “duy nhất” là phim chiếu ở các rạp công và kịch ở sân khấu nhà nước. Tôi nghĩ, điều đó cũng hợp nhẽ thôi bởi theo quy luật phát triển của kinh tế thị trường, các đơn vị tư nhân sẽ có nhiều điều kiện hơn để tạo ra những sự cạnh tranh mới.
Và có thể vì chưa nắm bắt được xu thế mới nên thời kỳ đó lãnh đạo Nhà hát cũng chưa hết mình với sự chuyển đổi sang cơ chế mới. Bản thân lãnh đạo Bộ VHTT&DL thời điểm đó cũng chưa sâu sát với các hoạt động của Nhà hát lắm dù mang tiếng là “Anh cả đỏ” của ngành sân khấu. Chỉ khi có việc gì đó người ta mới giơ “búa”, giơ “rìu” lên thôi chứ họ không xem xét cả một quá trình.
Nhưng có một điều là kể cả khi nằm ở đáy của hình sin thì Nhà hát vẫn có nhiều tác phẩm tốt. Nó không được lan rộng, không được nhân lên thôi… chứ thời kỳ nào cũng có những tác phẩm tốt.
"Phong cách biểu diễn của Xuân Bắc không phù hợp với Nhà hát"
Nhiều người cho rằng, Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ thực sự làm tốt khâu đối ngoại và có nhiều đoàn được đi diễn ở nước ngoài kể từ khi NSƯT Xuân Bắc được cân nhắc lên làm Phó Giám đốc Nhà hát. Anh nghĩ sao về điều này?
Thực ra, khi lấy ý kiến bổ nhiệm Phó Giám đốc mới, trong số các Đảng viên tham dự, chỉ duy nhất một mình tôi phát biểu. Tôi có nói rằng, Xuân Bắc xét về một mảng nào đó là rất tốt, nhất là khâu ngoại giao với bên ngoài. Nhưng về mặt nghệ thuật, phong cách biểu diễn của Xuân Bắc lại không phù hợp với Nhà hát. Nếu để Xuân Bắc nắm mảng nghệ thuật của Nhà hát thì tôi lo lắm mặc dù ngoài đời Xuân Bắc là người rất vui tính, được nhiều người yêu quý. Đó là một câu nói hơi thẳng nhưng lại thật, nhất là khi vận mệnh của Nhà hát vừa trải qua những thăng trầm như thế. Còn bỏ phiếu cho Xuân Bắc ở cương vị Phó Giám đốc phụ trách marketing - đối ngoại thì tôi vẫn bỏ.
Anh Tú là người cùng lứa với tôi. Nếu sau này Anh Tú về hưu thì chưa nhìn thấy ai đủ khả năng và điều kiện để kế vị điều hành Nhà hát cả ngoài nhìn thấy Xuân Bắc là một Phó Giám đốc. Có thể Xuân Bắc được cân nhắc lên làm Giám đốc điều hành vậy định hướng về mặt nghệ thuật của Nhà hát lúc đó sẽ như thế nào. Vì với Nhà hát Kịch Việt Nam thì định hướng nghệ thuật là cái quan trọng nhất. Anh đi lệch ra khỏi định hướng một cái là Nhà hát vỡ luôn, không còn là Nhà hát Kịch Việt Nam nữa.
Vậy anh nhìn nhận như thế nào về cách điều hành Nhà hát của NSND Anh Tú kể từ khi nam nghệ sĩ này được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc điều hành?
Tôi thấy Anh Tú dù từ Nhà hát Tuổi Trẻ chuyển qua nhưng định hướng nghệ thuật của Tú lại rất giống với con đường Nhà hát Kịch Việt Nam đi bao nhiêu năm qua. Tú về đây làm bao nhiêu vở đều theo đúng phong cách của Nhà hát Kịch Việt Nam và rất được mọi người trong Nhà hát đồng lòng chung sức. Đó là điều may mắn đối với Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thực ra, trước những việc ồn ào liên quan đến Nhà hát vừa qua, tôi thấy chỉ là ồn ào trên mạng chứ trong Nhà hát lại không có gì cả. Việc Anh Tú được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát là một điều rất thuận lòng người trong nhà.
Trước đó, khi anh Vinh chưa về, có một bạn phóng viên hỏi tôi là anh thấy ai xứng đáng kế vị anh Vinh thì tôi bảo luôn là Anh Tú. Anh ấy phụ trách nghệ thuật và đang dẫn dắt mọi thứ đi theo con đường của Nhà hát thì đương nhiên anh ấy là người hợp lý nhất. Cũng có người nói này nói nọ nhưng tôi nghĩ là mình thấy điều gì đúng thì nói thôi. Kể cả vợ Xuân Bắc có nói gì thì tôi cũng không quan tâm.
"Tôi bình thường cũng khá hiền lành nhưng rất nóng tính"
Anh mất mẹ từ sớm nên sống với bố là chủ yếu. Vậy bố là người như thế nào đối với anh?
Bố tôi là người hiền lành và đức độ. Ngay cả khi tôi thi tuyển vào Nhà hát Kịch, ông cũng chỉ nói một câu: “Đi theo nghệ thuật khó lắm con ạ, không yêu nó thì tốt nhất là đừng lựa chọn nó”. Bố tôi trước cũng công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, nhìn thấy những gì các cô chú thế hệ cùng thời với bố trải qua nên bố khuyên tôi như thế cũng là phải nhẽ. Ông cũng có phần lo lắng khi một “thằng con lông bông” vào đây mà không làm ra gì thì sẽ rất xấu hổ với bạn bè - đồng nghiệp.
Tuy nhiên, chính câu nói của ông đã làm tôi thay đổi về mặt tính cách. Trước khi được tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam thì đúng là tôi cũng lông bông và có nhiều chuyện thật.
Sau này, tại sao anh lại không sống cùng bố?
Tôi sống cùng bố tôi cho đến tận năm 1995 tôi mới ra ở riêng. Tôi có nhiều tính cách khác ông lắm. Tôi bình thường cũng khá hiền lành nhưng rất nóng tính. Ngay cả trong công việc ở Nhà hát, cái gì tôi không thích thì tôi không thể làm. Bảo tôi đóng vai kiểu như này mà không đúng ý tôi, sau khi bàn bạc nhưng vẫn không thống nhất được là một bên thôi một bên làm. Tất nhiên bên thôi thường là tôi. Tôi quan niệm, làm mà thoả hiệp, làm cho có thì khó làm lắm.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)