Ngày 23/11 buổi họp báo giới thiệu về Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn ra với sự có mặt của NSND Anh Tú trong vai trò Phó Giám đốc điều hành. Anh chia sẻ về những áp lực gặp phải trong thời gian qua khi đảm nhiệm cương vị mới.
Với NSND Anh Tú, áp lực không chỉ ở Lễ kỷ niệm mà phải phát triển được những gì đã có trong tình hình cơ chế nghệ thuật đầy khó khăn. Điều này cũng đã khá quen thuộc với NSND Anh Tú khi trước đây anh giữ vị trí phó giám đốc chuyên môn.
Tuy nhiên, từ khi nắm vai trò điều hành nhà hát, anh phải lo hết mọi việc lớn nhỏ chứ không chỉ riêng mảng mình phụ trách như trước kia.
"Ai cũng bảo tôi hồi này gầy thế, vì ăn không ăn được ngủ cũng không ngủ được. Nói thật làm quản lý rất vất vả và lo toan rất nhiều. Như chương trình 65 năm, ngân sách đâu có nhiều.
Chúng tôi lại phải tích góp để dành để dụm vẫn phải mời, vẫn phải làm, phải tổ chức chứ không thể bỏ được", NSND Anh Tú nói về những áp lực cho chương trình kỷ niệm lớn của nhà hát .
Một điều khiến anh phải suy nghĩ nhiều hơn nữa là lo cuộc sống của anh em nghệ sĩ bằng cách phải tổ chức nhiều vở diễn bán được vé, có người xem. "Những việc đó đang choán hết đầu óc của tôi. Năm nay đã hết tiền hết vở để dựng rồi, chứ nếu đang dựng vở sẽ rất mệt", anh nói thêm.
Khó khăn là vậy nhưng bản thân vị phó giám đốc điều hành rất lạc quan khi nghĩ đây là những bước đầu làm quen với công việc quản lý.
Bên cạnh anh còn có các cấp dưới luôn đồng cảm và giúp đỡ, từ Xuân Bắc, Minh Hiếu, Mai Nguyễn, những nghệ sĩ lâu năm của nhà hát như Trung Anh, Thúy Phương, Việt Thắng... NSND Anh Tú tự tin sau một thời gian nữa sẽ quen với công việc hiện tại.
Nói về định hướng nghệ thuật của nhà hát khiến NSƯT Trung Anh cảm thấy rất nản trong một bài phỏng vấn trước đây, NSND Anh Tú cho biết: "Nhà hát vẫn tiếp tục theo định hướng từ 5 năm nay đã đề ra. Tuy nhiên từ định hướng mà ra đến sự phát triển còn phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là tâm huyết và thứ hai là phải có tài và vấn đề nhỏ nữa là phải có tiền và cơ sở vật chất.
Những vở đỉnh cao như "Hamlet", như "Kiều" phải được diễn ở những rạp lớn hơn, được đầu tư hơn chứ rạp của nhà hát kịch Việt Nam nhếch nhác như hiện nay là không xứng tầm, phải có sự đồng bộ về mọi mặt".
Ngay cả khán giả cũng phải được chọn lọc không phải ai ai thích đến thì đến. Vở thiếu nhi khán giả phải là thiếu nhi, vở người lớn dành cho người lớn vở chất lượng thì khán giả phải là những người am hiểu nhất định về nghệ thuật. Nhưng đó là cả một quá trình để đồng bộ chứ không thể sớm muộn ngày 1 ngày 2 mà được ngay.
Ở cương vị là một nghệ sĩ, NSND Anh Tú cũng có những trăn trở mong nhà hát kịch phát triển hơn nữa có rạp chuyên nghiệp hơn, đẹp hơn, tốt hơn. Có những vở diễn hay hơn nữa nhưng mong ước chỉ là mong ước còn dần dần mới có thể thực hiện.
Khi được hỏi về vấn đề đối ngoại vốn không phải là điểm mạnh của mình, anh thẳng thắn chia sẻ: "Đối ngoại nhất là với bên ngoài không phải thế mạnh của tôi vì tôi là người dốt về công nghệ phẳng. Ttôi không biết nhắn tin, không dùng Facebook, không giỏi tiếng Anh.
Nhưng khi là người đứng đầu, tôi sẽ dùng những người có thế mạnh đó để hỗ trợ, bởi không ai có thể giỏi tất cả mọi việc được, đó là chuyện không thể". Ngoài sự hỗ trợ từ một hệ thống các nghệ sĩ và nhân viên trong nhà hát anh cũng sẵn sàng mời chuyên gia, cộng tác viên giúp đỡ cho mình để cải thiện về chuyên môn cho tới ngoại giao.
Nói về công việc NSND Anh Tú cho biết: "Trước đây có bộ ba giám đốc là anh Vinh cùng tôi và Xuân Bắc là hai phó giám đốc. Tôi lo về định hướng nghệ thuật và các vở diễn, Xuân Bắc mới được bổ nhiệm được 1 năm lên vị trí phó giám đốc.
Đầu ra đã có phòng tổ chức biểu diễn Xuân Bắc lo, nên anh Vinh chi lo phần đối ngoại quan hệ với các cơ quan tổ chức bên ngoài. Nhưng khi anh Vinh nghỉ tôi lại là người lo nốt phần việc này. Tôi và anh Bắc cũng có sự phân chia công việc để đảm bảo khối lượng phù hợp và các hoạt hoạt động của nhà hát diễn ra trơn chu".
Theo My Lan (Soha/Trí Thức Trẻ)