Mới đây, trong buổi livestream Khách Đến Chơi Nhà, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và nhà sản xuất âm nhạc Trần Dũng Khánh đã có những chia sẻ về mặt chuyên môn về vấn đề đạo nhạc với mục đích giúp khán giả hiểu rõ và hiểu thêm về chuyện đạo nhạc này.
Trong buổi livestream này, Nguyễn Hải Phong có chia sẻ về chuyện MV Chúng Ta Của Hiện Tại của Sơn Tùng M-TP "bay màu" khỏi YouTube vào ngày 22/2 vừa qua: "Trường hợp này xảy ra trên nền tảng YouTube. YouTube có luật chơi của YouTube. Đây chưa phải là vấn đề bản quyền hay đạo nhái của mọi mặt trận như biểu diễn, ra mắt album hay giới thiệu album vật lý,... mà chỉ đơn thuần là sản phẩm trên YouTube.
YouTube thì đơn giản lắm. Họ là cơ chế người dùng chia sẻ nội dung và người dùng tự cam kết đã ký hợp đồng. Họ không quan tâm nhiều đến những vấn đề của các bên với nhau. Họ cứ để vấn đề nội dung bên nào đăng trước hay đăng sau sẽ tự xử lý với nhau. Nếu bên đăng sau có vấn đề thì bên đăng trước được quyền đánh gậy, có đủ quyền để gỡ. Và cũng có rất nhiều cách để nó trở lại.
Để một sản phẩm nào đó bị tháo khỏi YouTube thì có rất nhiều nguyên nhân. Nó không chỉ là beat giống nhau không đâu. Bản thân mình thì không chắc nên chỉ có người trong cuộc mới biết được điều đó". Nhạc sĩ đề cập điều này vì muốn mọi người hiểu rằng nếu mà mình liên kết giữa chuyện đánh sập sản phẩm với chuyện beat giống nhau đó thì không chắc chắn, không cơ sở.
Về vấn đề so sánh giữa 2 "con beat" của Sơn Tùng M-TP và producer GC, Nguyễn Hải Phong khẳng định: "Tụi mình với kinh nghiệm chuyên môn xin khẳng định rằng 2 beat có phần trăm giống nhau là rất nhiều. Thậm chí cũng có thể khẳng định rằng nó có mượn nhau để sử dụng".
Trần Dũng Khánh cũng đưa ra con số cụ thể cho sự tương đồng giữa 2 "con beat" này: "Chắc cũng phải đến 90% đấy". Anh chàng cũng chia sẻ thêm: "Có đạo hay không thì mình cũng chưa nói được. Cái này nó có liên quan đến vấn đề pháp lý, bản quyền qua lại giữa các bên nên không nói được. Đây chỉ xét về góc độ chuyên môn là giống bao nhiêu phần trăm thì sẽ có những producer sẽ nói về vòng hòa âm, về tempo, về giai điệu, về nhạc cụ và các thứ khác. Giả sử nó có thể giống nhau nhưng không gian âm nhạc, cá tính âm nhạc mang lại ở mỗi sản phẩm sẽ có tính riêng biệt. Vậy nên khi những người có chuyên môn lâu năm nghe ra, họ sẽ biết ngay lập tức".
Nguyễn Hải Phong cũng khẳng định: "Thật ra mình không nên quy kết vội vì đâu biết được người trong cuộc làm gì".
Ngoài ra, cuộc trò chuyện này cũng đề cập đến những chiêu trò lằng nhằng của bên mua và bên bán beat trong làng nhạc. Chẳng hạn, có người thực chất đã mua beat nhạc và trả tiền rõ ràng rồi thế nhưng khi tung sản phẩm lại không nói gì, để khi khán giả nhận ra ca khúc giống với beat nhạc đó thì mới lên tiếng đính chính vấn đề. Cách làm này chính là một chiêu trò truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm âm nhạc đó.
Vốn dĩ, người ca sĩ khi mua một sản phẩm âm nhạc ngoài chất lượng ra còn chú ý đến danh tiếng của nhạc sĩ đó. Vậy nên một số nhạc sĩ trẻ chưa có tiếng tăm đã lựa chọn thương lượng bán lại sản phẩm của mình cho những nhạc sĩ vốn đã có tên tuổi trong giới để mượn danh tiếng. Nhờ vậy mà bài nhạc đó sẽ được ca sĩ mua lại với số tiền rất nhiều, cả nhạc sĩ trẻ (người thực sự sáng tác ra bài nhạc) lẫn nhạc sĩ có tiếng (người mua bài nhạc và lấy danh tiếng của mình đem đi bán) đều được hưởng lợi ích.
Theo Thanh Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)