Cứ mỗi dịp xuân về, những đoạn phim ngắn lại trở thành thông điệp thức tỉnh mọi người về một năm mới đoàn viên, sum vầy bên gia đình.
Còn nhớ xưa kia, khi người lớn vẫn bộn bề chạy chợ lo kiếm tiền sắm tết thì lũ trẻ chúng tôi lại khát khao tết đến cháy lòng. Tết có bánh chưng xanh, có khuôn giò lụa, có mứt, có kẹo và có cả quần áo mới...
Thời gian dần trôi, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy cũng lớn khôn, người có gia đình, người lại xa xứ... Nhưng mỗi khi tết đén xuân về, những hồi ức mang đậm mùi khói bếp vẫn còn thoang thoảng đâu đây trong tâm trí mỗi người.
Cuộc sống bận rộn, khiến ai cũng bị những guồng quay công việc cuốn trôi mà quên mất ý nghĩa đoàn viên của ngày tết.
Có lẽ vì thế, những đoạn phim ngắn lại thêm một lần nữa gánh vác sứ mệnh thức tỉnh ai đó hãy nhớ rằng: Tết để đoàn viên, tết để sum vầy.
Có lẽ vì thế, năm nay, những phim ngắn ngày tết lại tiếp tục trở thành món ăn tinh thần vô cùng quý giá đối với tất cả mọi người - những người đang bận rộn, những người đang bôn ba, những người đang mệt mỏi...
Xuân không màu
Giữa tháng 12/2016, một đoạn phim ngắn dài 6 phút mang tên Xuân không màu bỗng trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội Việt với hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận.
Chỉ vỏn vẹn 6 phút, Xuân không màu của đạo diễn trẻ Huỳnh Lập đã chạm vào trái tim của người xem, nói hộ tấm lòng người con gái và lấy đi của họ bao nước mắt.
Xuân không màu kể về câu chuyện của người con gái lấy chồng xa đành cùng nỗi buồn cô đơn khi không thể về thăm "nhà ngoại" ngay tết. Không cần nội dung to tát hay cách thể hiện cao siêu, Xuân không màu giản dị như đúng cái tên của đoạn phim nhưng lại dễ dàng lấy đi nước mắt của rất nhiều phụ nữ.
Đơn giản, nó nói hộ lòng của nhiều người, những người phụ nữ mong ngóng được một lần về quê ăn tết nhà ngoại, được sà vào lòng bố mẹ đẻ để thủ thỉ những câu chuyện một năm trôi qua.
Khung cảnh cô gái trở về nhà, được sà vào vòng tay của bố mẹ như đứa con gái nhỏ khiến ai xem cũng phải bật khóc.
Không đơn thuần chỉ là một bộ phim quảng cáo tết, Xuân không màu còn truyền tải một thông điệp rất nhân văn và thấu hiểu người phụ nữ, khiến dư luận tranh cãi về việc đón tết nhà nội - nhà ngoại hiện nay.
Bên cạnh đó, Xuân không màu còn khiến nhiều người phải nức nở bởi từng ca từ trong bài hát cùng tên do Tăng Nhật Tuệ sáng tác và được thể hiện qua giọng hát ấm áp của nữ ca sĩ Miu Lê.
[Phim ngắn] Xuân không màu |
Về nhà trên hết
Cuộc sống hằng ngày với bộn bề lo toan, có đôi khi chúng ta đã bỏ quên những người bên cạnh mình để lao vào con đường sinh nhai.
Ngày Tết sắp về cũng là ngày gia đình sum họp, liệu có bao nhiêu người nhớ đến tình cảm của gia đình. Đây cũng chính là thông điệp mà đoạn phim ngắn gửi tới người xem.
Về nhà xoay quanh câu chuyện của cậu con trai làm xa quê, dự định không về quê ngày Tết vì bộn bề công việc. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc gọi của anh và mẹ.
Lúc này, chàng trai nhận ra rằng chẳng đâu ấm êm bằng nhà mình, chẳng nơi nào yên ổn bằng lòng mẹ, chẳng gì quan trọng hơn người người thân yêu.
Bộ phim ngắn không nhiều tình tiết lạ nhưng lại dễ dàng đi vào lòng người đã đánh thức những giá trị về tình thương và ý nghĩa của ngày Tết.
Đón Tết Cùng Nhau
Bộ phim ngắn này nói về nỗi lòng của người mẹ chồng khi thấy "nàng dâu" của mình phải vất vả lo bếp núc, trong khi con trai và chồng bà vẫn ngồi phòng khách ung dung nhâm nhi tách cà phê. Với bà, một cái Tết chỉ trọn vẹn khi tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau tạo ra và tận hưởng không khí Tết.
Và rồi điều bà mong muốn, dù có phần muộn màng, cũng đã trở thành hiện thực. Người chồng trong một thoáng nhìn vào bếp thấy vợ đang tất bật, đã kịp nhận ra mình phải làm gì.
Cứ thế, mỗi người một việc, không khí Tết chẳng mấy chốc đã ngập tràn trong căn nhà ấm cúng.
Về nhà đón Tết, gia đình trên hết
Dẫu biết rằng Tết đoàn viên luôn là cái Tết trọn vẹn nhất, nhưng vì những lý do bất khả kháng, không ít người không thể tận hưởng không khí năm mới bên cạnh người thân. Bộ phim ngắn "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết" muốn nói lên nỗi lòng của những người bị rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc ấy.
Cậu sinh viên ở lại thành phố làm thêm kiếm tiền đóng học phí, cô thợ may công tác nơi đất khách quê người, hay bác lái tàu để đảm bảo bao người khác được về quê đón Tết đã hi sinh chính niềm hạnh phúc ấy của mình, tất cả đều được phác họa đầy chân thực và cảm động trong bộ phim.
Tuy cảm thông với hoàn cảnh của họ, song thông qua giọt nước mắt của cô gái dù có may mắn được chu du khắp năm châu nhưng giờ không còn có được niềm vui đoàn tụ mỗi dịp Tết đến xuân về bởi cha mẹ đều đã qua đời, bộ phim vẫn muốn gửi tới thông điệp rằng: "Hãy trân trọng khoảnh khắc sum họp khi còn có thể".
Theo Bảo Lộc (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)