Nhiều lỗ hổng sau nghi vấn “đạo” thơ của Phan Huyền Thư

26/10/2015 14:05:08

Những ngày qua, nghi vấn “đạo” thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư đã khiến dư luận từ bức xúc chuyển sang ngán ngẩm. Nhà thơ Phan Huyền Thư sau khi bị thu hồi giải thưởng và viết thư xin lỗi lần hai đã chấp nhận tiêu hủy bài thơ “Bạch lộ” với mong muốn muốn khép lại mọi chuyện nhưng dường như những tranh luận, chỉ trích vẫn chưa đến hồi kết…

Những ngày qua, nghi vấn “đạo” thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư đã khiến dư luận từ bức xúc chuyển sang ngán ngẩm. Nhà thơ Phan Huyền Thư sau khi bị thu hồi giải thưởng và viết thư xin lỗi lần hai đã chấp nhận tiêu hủy bài thơ “Bạch lộ” với mong muốn muốn khép lại mọi chuyện nhưng dường như những tranh luận, chỉ trích vẫn chưa đến hồi kết…

Nhà thơ Phan Huyền Thư. Ảnh: TL

 
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Sau khi nhà thơ Phan Huyền Thư công khai xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, dư luận như thở phào nhẹ nhõm với cả chuỗi ngày căng thẳng. Nhưng câu chuyện hậu trường xung quanh cách ứng xử giữa con người với nhau trong khủng hoảng lại cho thấy những góc khuất, mâu thuẫn của đời sống.

Rõ ràng, cả người “tố”, người dính nghi vấn “đạo” và người bị xem như nạn nhân đều chung quan điểm: Không muốn làm to chuyện! Nhưng cuối cùng, chuyện còn to tát đến mức trở thành thảm họa văn chương. Và những người văn nghệ sĩ, họ đã đối xử với nhau thế nào khi “cơn bão” quét qua? Người thì lên tiếng bênh vực, người lại đòi góp thêm một vài “gậy” để “đuổi cùng giết tận”, người im lặng xót xa…

Trên một diễn đàn, độc giả đã “sởn da gà” khi một nữ nhà thơ cùng thế hệ thơ nữ sau 1975 với Phan Huyền Thư không tiếc lời sỉ vả đồng nghiệp, lớn tiếng đề nghị báo chí truyền thông từ nay đừng nhắc tên mình cùng Phan Huyền Thư.

Hỏi nhà thơ Phan Huyền Thư có cảm thấy bị tổn thương vì sự chỉ trích của dư luận suốt thời gian qua hay không, chị nói: “Những gì cần nói, tôi đã nói hết rồi. Quyền phán xét là quyền của mọi người. Tôi không thể đi thanh minh với từng người. Tôi rất xin lỗi!”.

Trước khi lên đường đi công tác, trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, nhà thơ Phan Huyền Thư lặng lẽ đưa ra một chồng thư viết tay của các văn nghệ sĩ gửi cho mình trước kia, trong đó nhiều bức thư là của những người đang lớn tiếng “tố” chị. Phan Huyền Thư cho biết, chị không có ý thanh minh hay phản biện gì mà chỉ muốn sẻ chia về những kỉ niệm, những tình cảm đẹp từng có giữa những người nghệ sĩ với nhau. “Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” (Trịnh Công Sơn), nên trong trường hợp này, có lẽ Phan Huyền Thư không thể trách ai chưa độ lượng với mình. Chị như trở lại đúng câu thơ chị viết ngày nào: “Em là con ngựa đau chẳng khiến tàu bỏ cỏ”.

Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì sự việc trên cũng là câu chuyện đáng buồn, để lại vết đen trên văn đàn. Điều đáng nói, cả người bị coi là thủ phạm lẫn nạn nhân đều là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và với người cầm bút, một khi đã dính nghi vấn “đạo” tác phẩm, ngoài chỉ trích của dư luận thì bản án lương tâm sẽ còn đau đớn, day dứt hơn tất cả.

Hở ra nhiều “lỗ hổng”

Sau sự việc ồn ào vừa qua, ngoài bài học đắt giá về lao động sáng tạo nghệ thuật, vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm thì còn hở ra nhiều “lỗ hổng” trong giáo dục nhận thức, cách xử lý khủng hoảng truyền thông.

Không chỉ ở lĩnh vực văn chương, nhiều hội thảo đã cảnh báo tình trạng “đạo văn” ngay từ giảng đường đại học thể hiện trong các bài thi cho đến luận văn, luận án… Đặc biệt, giữa thời đại bùng nổ thông tin, việc “đạo văn” càng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Thế nên, sự việc này chứa đựng nhiều câu hỏi liên quan đến giáo dục quyền sở hữu trí tuệ trong nhà trường, cách trích dẫn các nguồn tư liệu…

Ở khâu xử lý khủng hoảng truyền thông, chuyện lùm xùm ai “đạo” của ai, chủ thể chính liệu đã thực sự nhất quán, văn minh trong lời nói, hành động hay chưa?

Bàn về việc này, nhà văn Di Li chia sẻ: “Việc một người đang dính phải scandal mà được một người khác đứng ra bênh vực là tối kỵ trong nguyên tắc xử lý khủng hoảng. Thực tế đã cho thấy nhiều vụ việc vì chủ thể được bênh mà dính đòn đau hơn, thậm chí kéo nhiều người bị vạ lây. Logic tâm lý của con người là: Nếu như một ông bố đang mắng con (dù cho nó có bị oan đi chăng nữa) mà bà mẹ nhảy vào bênh thì thế nào đứa trẻ đang từ bị mắng bỗng chuyển sang... bị ăn đòn. Và bà mẹ còn bị mắng thêm: Con hư tại mẹ. Nên nhiều khi cái việc chúng ta bênh người đang (bị coi là) mắc lỗi sẽ kết thúc bằng việc thổi bùng ngọn lửa giận dữ của công chúng, khiến tình tiết càng tăng nặng”.

Trước đó, sự việc tranh cãi bản quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên” cũng hở ra lỗi “tiền hậu bất nhất” trong xử lý khủng hoảng truyền thông khiến báo chí tổn hao giấy mực mà chẳng đi đến đâu. Trong khi nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai “dọa” sẽ kiện ra tòa nếu trước ngày 10/10, ông Ngô Xuân Phúc không xin lỗi vì đã “nhận bừa” bài thơ là của mình thì sau đó cũng chẳng có lời xin lỗi nào và bà Mai đành viết thư ngỏ lần hai với nội dung sẽ không kiện nữa.

Với người cầm bút, những tác phẩm không độc lập mà bị phát hiện thì sẽ thành vết “sẹo độc lập”, riêng mình đau, riêng mình chịu. Thậm chí, cả cộng đồng có thể nhìn mãi vào “vết sẹo” đó như một “tiền án, tiền sự”. Người cầm bút chỉ còn cách là phải viết hay hơn để thiên hạ công nhận hoặc nghiệt ngã nhất đành vĩnh viễn “treo bút”.

Có một thực tế là khi cốt lõi vấn đề của “đạo văn” ngoài đạo đức nghề nghiệp là bản quyền tác phẩm, giáo dục nhận thức, truyền thông… còn chưa được giải quyết trong một sớm một chiều thì hẳn sẽ còn thêm nhiều trường hợp “đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”. Và cách tốt nhất chỉ có thể là đi đến tận cùng lý giải hoặc chấp nhận… sống chung với lũ.
 
Liên hệ với nhà thơ Phan Huyền Thư, chị cho biết: “Tôi đang có chuyến công tác ở nước ngoài. Trước khi đi, tôi đã có lời chính thức xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan trên công luận và nhận lỗi này hoàn toàn thuộc về mình. Tôi sẽ coi đây là một bài học lớn trong đời, một bài học sâu sắc về thái độ sống và viết”.
 
>> “Rút kinh nghiệm sâu sắc” vụ Phan Huyền Thư
 
 
Theo T.Nam (Gia Đình & Xã Hội)

Nổi bật