Nhan sắc Việt: Thi chui thành công, chính danh thất bại

10/03/2015 09:53:07

Nguyễn Văn Sơn đoạt giải nhất tại cuộc thi Mister Global và khi về nước phải đối mặt án phạt "thi chui" làm rộ lên nhiều tranh cãi.

Nguyễn Văn Sơn đoạt giải nhất tại cuộc thi Mister Global và khi về nước phải đối mặt án phạt "thi chui" làm rộ lên nhiều tranh cãi.

Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có quy định về việc trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu. Theo đó, thí sinh được cấp phép dự thi quốc tế phải đoạt một trong ba giải chính của cuộc thi có quy mô toàn quốc trong nước. Quy chế của Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch cũng nói rõ: mỗi năm Việt Nam chỉ có một cuộc thi Hoa hậu toàn quốc.

Miss World và Miss Universe có yêu cầu thí sinh tham gia phải là người chiến thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia, và quan trọng hơn là phải được sự ủy quyền của đơn vị nắm giữ bản quyền ở nước sở tại.


Điều này gây bất lợi lớn cho 2 đơn vị là công ty người mẫu Elite (nắm giữ bản quyền Miss World cùng hơn chục cuộc thi lớn nhỏ khác) và UniCorp (nắm giữ bản quyền Miss Universe) vì phải đi vay mượn thí sinh từ những cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam hay Hoa hậu các dân tộc Việt Nam...

Gần đây nhất Top 3 Hoa hậu Việt Nam đều không tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức ở Miami, Mỹ và á hậu 2 Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014 Lê Thị Vân Quỳnh đột ngột bỏ thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) ở Ba Lan.

Khán giả cũng dần mất niềm tin vào các nhan sắc Việt. Vụ học bạ giả của hoa hậu Thùy Dung, hoa hậu Diễm Hương đã có chồng vẫn cố tình qua mặt cơ quan chức năng đi thi Hoa hậu Hoàn vũ từng khiến mọi người chỉ trích. Sau đó, á hậu Huyền My lộ ảnh trình diễn nội y trong bar. Những người mẫu như Ngọc Trinh, Julia Hồ, Trà Ngọc Hằng, diễn viên hài Thúy Nga bị nghi ngờ mua giải trong cuộc thi nhan sắc ao làng của ông bầu Minh Chánh...

Trong khi đó, thế giới chỉ có 2 cuộc thi bắt buộc người tham dự phải là người chiến thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia, và phải được đơn vị giữ bản quyền ở nước đó đề cử đi thi. Đó là Hoa hậu Thế giới - Miss World ra đời năm 1951 do bà Julia Morley làm chủ tịch và Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe ra đời năm 1952 do bà Paula Shugart cùng ông Donald Trump làm chủ tịch. Còn các cuộc thi khác đều rất thoáng trong vấn đề gửi thí sinh tham dự, miễn cô gái đó đáp ứng yêu cầu, quy định của ban tổ chức và được sự cho phép của đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi ở nước sở tại.

Nở rộ tình trạng thi chui

Thành tích của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới phần lớn do chính khán giả nhà bình chọn. Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương (2002), Nguyễn Thị Huyền (2004), và Mai Phương Thúy (2006) lọt top có công lớn từ lượng vote của người hâm mộ Việt Nam bởi các cô đều lên đường tham dự trong sự gấp gáp, không chuẩn bị, chưa đủ kinh nghiệm, tới trễ so với các thí sinh khác, bỏ vài phần thi phụ, không có dự án hoạt động nhân đạo...

Trong khi đó Trần Thị Hương Giang (2009), Nguyễn Thị Loan (2014) chỉ đoạt giải phụ tại những cuộc thi trong nước nhưng lại gây chú ý khi giành giải Hoa hậu đẹp nhất châu Á và top 25 bằng chính nỗ lực cá nhân, bỏ ra nhiều năm tập luyện, làm việc nghiêm túc.

Đa số thành tích Việt Nam có được là nhờ những người đẹp không đạt thứ hạng cao tại những cuộc thi hoa hậu trong nước. Tất cả họ đều phải đi đường vòng để mang vinh quang về cho tổ quốc. 
 
Thành tích duy nhất của nước ta tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 với hoa hậu Thùy Lâm và Hoa hậu Trái Đất 2014 với hoa hậu Diễm Hương đều là một phần trong biên bản thỏa thuận tổ chức khi Việt Nam làm chủ nhà. Đã có không ít lời phàn nàn, dị nghị từ phía báo giới, ban tổ chức, thí sinh nước ngoài về 2 cô hoa hậu chủ nhà Việt Nam.

Thành tích của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) do 2 người đẹp không danh hiệu trong nước làm nên là Daniela Nguyễn Thu Mây (á hậu 3 năm 2011) và người mẫu Chung Thục Quyên (Top 15 bán kết năm 2009). Trong khi Hoa khôi Thể thao Việt Nam - Lại Hương Thảo danh chính ngôn thuận tham dự năm 2012 không thể lọt vào Top 20 của cuộc thi.

Phan Hoàng Thu trở thành thí sinh Việt Nam đầu tiên vào đến Top 10 bán kết của cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc Tế - Miss Tourism International 2013, xếp hạng 6 và giành thêm giải Hoa hậu Đông Nam Á. Bất ngờ hơn, Thu đi thi đúng năm có số lượng thí sinh đông đảo nhất (60 quốc gia) và thậm chí vượt mặt các cựu hoa hậu/á hậu từng tham các năm trước nhưng tất cả đều trắng tay như Nguyễn Ngọc Oanh (á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2000), Vũ Hương Giang (Nữ hoàng trang sức 2004), Phan Thị Ngọc Diễm (Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008)...

Cũng tại cuộc thi này năm 2014, người mẫu Nguyễn Diệu Linh mang về giải hoa hậu Đông Nam Á, đồng thời lọt vào Top 20 tứ kết. Hai người mẫu đều mang tiếng thi chui và đều bị phạt tiền lần lượt là 15 và 22,5 triệu đồng.

Những người mẫu đã và sẽ bị phạt vì thi chui dù lập thành tích cao cho Việt Nam tại các đấu trường quốc tế. 


Nam vương Nguyễn Văn Sơn của cuộc thi Mister Global sắp trở về Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lãnh án phạt. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, không có cuộc thi nào trong nước được tổ chức dành cho nam giới.

Theo mức phạt mới áp dụng từ năm 2014, người thi chui phải nộp phạt hành chính từ 15 - 30 triệu đồng. Những người làm truyền thông cho rằng, mức phạt này không đủ sức răn đe mà chỉ giống như chi phí PR cho các người đẹp thi chui khi chuyện xử phạt của họ được xuất hiện trên mặt báo.

Một số ý kiến cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên tăng tiền phạt, cấm biểu diễn trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, nhiều người khác lại tập trung vào việc, Cục nên xem xét nới lỏng quy định về tiêu chí chọn thí sinh thi quốc tế.

>> Tuyển thủ Việt Nam có thể bị phạt vì thi chui Mister Global
>> Tuyển thủ Taekwondo chưa được cấp phép thi Mister Global
>> Sốc với ảnh chưa qua photoshop của đại diện Việt Nam tại Nam vương Quốc tế

Theo Donal Nguyễn (Zing.vn)

Nổi bật