Chắc nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ một truyện ngắn của văn hào Đan Mạch Andersen có tên 'Bộ quần áo mới của Hoàng đế'. Vì sợ bị cho là ngu xuẩn và không xứng với chức vụ của mình, mọi người đều bị lừa, và cố lừa mình, rằng Hoàng đê đang mặc một bộ xiêm y lộng lẫy. Kỳ thực, ông vua ấy cởi truồng. Chỉ khi một đứa trẻ, với tâm hồn ngây thơ, vô tư, trong sáng của mình, thốt lên rằng 'Ô kìa, Hoàng đế cởi truồng' thì tấn bị hài kịch ấy mới được đẩy lên đến đỉnh điểm. Câu chuyện đấy tình luận lý ấy cho thấy một điều: Chúng ta, ở vào một thời điểm nào đó, vẫn phải nói khác đi so với cái mình chứng kiến, chỉ vì một nỗi sợ nào đó.
Đàm Vĩnh Hưng có phải “ông hoàng nhạc Việt” hay không? Đầy người sẽ khảng khái nói “Không”. Ông hoàng sao nổi trong làng âm nhạc Việt Nam, dù nền tân nhạc vẫn còn non trẻ, nhưng cũng đã đủ đầy các nghệ sỹ lẫy lừng như Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Quang Thọ, Quốc Hương… nối tiếp qua những Tuấn Ngọc, Trần Tiến, Bảo Yến, Nhã Phương, Cẩm Vân… Nhưng nếu như cần phải lên tiếng ở một diễn đàn đại chúng nào đó, có khi chúng ta sẽ im lặng. Chúng ta sợ phiền. Nó là cái phiền đến từ cộng đồng yêu mến Đàm Vĩnh Hưng vốn dĩ khá đông đảo và có độ cuồng tới mức sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ thần tượng của mình.
Công bằng mà nói, Đàm Vĩnh Hưng là một trong số ít những ca sỹ nghiêm túc với nghề. Nhiều nhạc sỹ cộng tác cùng Hưng đều khen tính kỷ luật, trọng chữ tín và hào phóng của anh. Hưng cũng rất máu nghề, sẵn sàng đầu tư mạnh cho những ý tưởng mới lạ, đột phá. Những chương trình của Hưng đều công phu, lộng lẫy. Song, trong những thứ Đàm Vĩnh Hưng đã và vẫn đang làm, có mấy thứ đủ tầm vóc để được đánh giá là một dự án nghệ thuật? Hưng vẫn chỉ là một nhân vật giải trí đơn thuần mà thôi. Bài “hits” Hưng có nhiều nhưng những bài “hits” ấy thử hỏi đã thực sự đóng góp gì cho hành trình phát triển âm nhạc Việt Nam đương đại.
Việc Đàm Vĩnh Hưng ra mắt dự án phim tiểu sử “Hào quang rực rỡ - The King” đã gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh hai chữ “nhà Vua”. Sóng dư luận mạnh quá, Hưng đính chính lại, thay đổi tên dự án chỉ còn là “Hào quang rực rỡ” và lý giải hình ảnh chiếc ghế trong buổi ra mắt không phải biểu tượng của ngai vàng, mà chỉ là cái ghế gợi nhắc nghề cắt tóc mà anh khởi nghiệp thuở hàn vi. Hưng nói đó là sơ suất của ekip sản xuất và đạo diễn.
Nghe thì như Hưng vô can, và đầy tinh thần cầu thị. Nhưng những ai từng làm việc với Hưng đều hiểu chỉ có Hưng bảo ai đó làm gì chứ mấy ai có khả năng bảo Hưng phải làm gì. Và cái hình ảnh chiếc vương miện trong tấm thiệp mời thì vẫn còn đó. Nó cho thấy, mong mỏi được xem là “vua” chính là của Hưng chứ không chỉ đơn thuần là sự tôn vinh của người hâm mộ dành cho anh.
Người hâm mộ vốn vẫn ưa đặt biệt danh ca tụng thần tượng của mình. Cánh báo chí cũng khoái đặt các biệt danh cho những ngôi sao mà họ thán phục. Chẳng hạn như trong bóng đá, người ta vẫn gọi Pele là vua và Beckenbauer là hoàng đế. Nhưng cả hai đều không bao giờ tự nhận mình là vua hay hoàng đế cả, dù họ ý thức cực rõ vị thế siêu sao của mình. Nghệ sỹ cũng nhiều người được nâng tầm lên nhờ các biệt danh mà khán giả ái mộ dành cho họ. Khẳng định vị thế độc tôn của mình cũng là mong mỏi chính đáng thôi, song nó phải đi cùng thành tựu và cách thể hiện đúng đắn cả về ngôn ngữ lẫn thời điểm.
Cũng từ cái “Hào quang rực rỡ” của “ông vua” gây tranh cãi Đàm Vĩnh Hưng mà chuyện liên quan đến Trấn Thành lại trở nên nóng. Làm MC dẫn dắt buổi ra mắt, Trấn Thành dùng nó làm chỗ để thổ lộ lòng mình khi nói “Đời diễn viên khó nuốt lắm”. Dĩ nhiên, Thành đã thổ lộ là Thành phải khóc, như một thói quen. Nhưng lần khóc này có vẻ như nước mắt thực sự khó nuốt. Câu nói “khó nuốt” ấy đã thành từ khóa để bị giễu nhại trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, áp dụng vào bối cảnh nhiều ngành nghề khác nhau.
Phải thừa nhận, Trấn Thành giỏi, thông minh, nhanh nhạy. Thành công của những phim doanh thu kỷ lục như “Bố già”, “Nhà bà Nữ” đủ khẳng định Thành là một con người có năng lực như thế nào. Song, tất cả những thành công Thành đi qua, tất cả các sản phẩm Thành góp mặt, có cái nào xứng đáng gọi là một tác phẩm nghệ thuật hay chưa? Chưa. Tất cả chỉ là giải trí đơn thuần. Và bản thân Thành cũng chưa có một vai diễn để đời nào đủ để vượt qua định danh về mình là một danh hài, một MC cả. Mà một khi chưa có tác phẩm nghệ thuật, dứt khoát không thể tự nhận mình là nghệ sỹ. Cái lầm lẫn ấy không chỉ mình Thành mắc phải. Ở Việt Nam, nơi mà tập quán hơn hai chục năm qua cho phép đến cả một cô người mẫu cũng xưng danh nghệ sỹ thì việc Trấn Thành nói “Đời nghệ sỹ khó nuốt” âu cũng là lẽ thường.
Nhưng kể cả khi chúng ta dễ dãi coi Trấn Thành là nghệ sỹ đi nữa thì phát ngôn kiểu ấy là không ổn. Ở vị thế của Thành, anh ta có đủ danh vọng, tiền tài, sự ca tụng xung quanh mình. Hưởng những diễm phúc ấy, tất nhiên phải chấp nhận mọi áp lực nghề nghiệp chứ tại sao lại phải than khóc để làm gì. Nghề nào trong xã hội cũng đầy áp lực. Nhưng có mấy ai đăng đàn để yêu sách cộng đồng phải cảm thông cho mình như Thành hay không? Và ngay trong nghệ thuật đích thực, những người như Nguyễn Xuân Khoát, anh cả nền tân nhạc Việt Nam, hay Nguyễn Văn Tý… đều trải qua những gian khổ thực sự mà nhiều người thường chưa chắc đã phải nếm trải. Vậy mà họ có yêu sách công chúng phải thế này thế kia đâu. Thế thì hà cớ gì một người trẻ như Trấn Thành lại dùng nước mắt để thách khán giả đại ý thử chạm vào mấy chữ “hào quang rực rỡ” xem nó khó nuốt đến nhường nào?
Trong một talkshow, nghệ sỹ Thành Lộc từng nói đại ý anh không hiểu sao có những người mới chỉ chạy chân trần trên ruộng đã la toáng lên là hi sinh cho nghệ thuật. Và cũng chính Thành Lộc cũng từng thừa nhận đời nghệ sỹ vất vả đấy nhưng lại có tiền, có danh thì than khổ cái gì nữa. Với Trấn Thành, một nhân vật giải trí đầy tài năng, có lẽ anh nên dồn năng lượng từ việc khóc lóc và trách móc thân phận kia để dành cho việc phát triển những dự án nghệ thuật thì hơn. Anh vẫn chưa có một dự án đáng gọi là nghệ thuật nào cả và chỉ có việc tạo dấu ấn cho mình bằng nghệ thuật đúng nghĩa, anh mới xứng đáng với danh xưng nghệ sỹ.
Có một chuyện vui vui để khép lại đề tài này. Hồi cuối thập niên 70, khi đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp, Pele và Beckenbauer cùng sang Mỹ chơi bóng kiếm tiền. Năm 1977, ở Jersey, sau một trận đấu, họ cùng vào phòng tắm tập thể dành cho đội bóng và một phóng viên đã chụp được bức ảnh lịch sử. Cả hai cùng khỏa thân 100% dưới vòi sen, cười và trò chuyện với nhau vô cùng bình dị. Vâng, vua hay hoàng đế thì cũng thế thôi, đi tắm thì cũng phải cởi hết xống áo ra và trở lại là con người bình thường. Nghệ sỹ cũng nên là con người bình thường trước khi trở thành một ai đó trên sân khấu. Và người bình thường thì nên hiểu lẽ khiêm cung, để đừng tự đặt mình lên vị thế trên trong một cộng đồng nghề nghiệp ái hữu mà ở đó có những bậc cha anh còn thành tựu lớn lao hơn mình rất nhiều. Đồng thời, đã lao vào đời nghệ thuật thì nên phải có tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật cần tác phẩm chứ thực sự không cần danh xưng như chốn cung đình, nơi luôn có một nhà vua và một chú hề như nhiều tác phẩm văn chương lừng danh đã từng sử dụng như một hình thức biểu đạt những ý niệm sâu xa.
Theo Hà Quang Minh (CAND Online)