Ngành công nghiệp Kpop suy thoái!

11/05/2024 09:34:45

Sao chép và thiếu sáng tạo, thiếu người thừa kế… là những gì mà truyền thông đang nhắc đến nền công nghiệp giải trí xứ kim chi (hay còn gọi là Kpop).

Han So Hee tái xuất giật spotlight của drama HYBE: "Flex" cực căng màn thu phục antifan bằng... nhan sắc!

Minh chứng cho điều này là sự ra đời của nhiều nhóm nhạc có sự giống nhau đến kỳ lạ. Họ giống từ vóc dáng, nhan sắc (sau khi đã qua chỉnh sửa) đến sự na ná từ ý tưởng cho đến thể loại, khiến người hâm mộ ngày càng ngao ngán. Những sự việc gần đây nhất có thể kể đến như tuyên bố của Giám đốc điều hành Ador Min Hee Jin rằng "nhóm nhạc nữ ILLIT của HYBE đã sao chép New Jeans"; những tranh luận về khả năng biểu diễn trực tiếp của LE SSERAFIM và bức thư "xin lỗi hẹn hò" viết tay của aespa Karina.

Ngành công nghiệp Kpop suy thoái!
Màn trình diễn của LE SSERAFIM tại Lễ hội Âm nhạc Coachella ở Mỹ tháng 4-2024. (Ảnh: REUTERS)

Những bê bối này không chỉ gây chấn động dư luận mà còn vạch ra những hạn chế đang tồn tại trong nền công nghiệp giải trí Hàn. Đó là sự sáng tạo, khả năng hát live của các ngôi sao thần tượng. Màn trình diễn của LE SSERAFIM tại Lễ hội Âm nhạc Coachella ở Mỹ ngày 13-4 vừa qua khiến người hâm mộ sốc nặng vì khả năng hát live rất kém của nhóm nhạc nữ này. Cư dân mạng nhận định dù khoác lên người bộ cánh đắt đỏ của thương hiệu thời trang xa xỉ thế giới nhưng 5 cô gái trong nhóm LE SSERAFIM khiến khán giả xứ kim chi thấy ê chề vì giọng hát tệ hại với đầy sạn như: hát hụt hơi, hát nhỏ hơn nhạc đệm…

Sự suy yếu của nền công nghiệp giải trí xứ kim chi đang ngày càng trầm trọng hơn, chẳng hạn, công thức sản xuất gần như đồng nhất, nhiều MV ca nhạc có ý tưởng giống nhau. Điều này khiến người hâm mộ thất vọng khi so sánh các nhóm nhạc hiện tại với các bậc tiền bối của họ trước đó đã thành công vì cá tính và có chất riêng như BIGBANG, 2NE1… "Khi việc phân biệt phong cách cá nhân trong âm nhạc ngày càng trở nên khó khăn, các cộng đồng người hâm mộ Kpop phải tìm cách khẳng định bản sắc của một nhóm nhạc thần tượng thông qua khả năng thanh nhạc" - nhà phê bình văn hóa Sung Min Seong nhận định.

Giới chuyên môn xứ kim chi nhận định việc Kpop xuống cấp bởi các nghệ sĩ, công ty quản lý không còn chú trọng đến kỹ năng, tài năng của nghệ sĩ nữa. Những năm gần đây, ngoài BTS và BLACKPINK thì hầu hết các nhóm nhạc Kpop không tạo được tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế, dù được đầu tư khá nhiều khiến làng nhạc Hàn Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh thoái trào!

Theo Thụy Vũ (Nld.com.vn)