Mới đây, phát ngôn của ca sĩ Negav trên sân khấu concert Anh trai say hi gây tranh cãi. Cụ thể, ca sĩ này nói với mẹ: “Mẹ thấy đúng cho nghỉ học chưa?”. Dù đã lên tiếng xin lỗi, làn sóng phản đối và chỉ trích Negav chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khó chấp nhận
Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhận xét phát ngôn trên không chỉ cho thấy Negav không coi trọng việc học, giáo dục nhà trường mà còn bộc lộ ứng xử văn hóa có vấn đề.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đồng tình với quan điểm phát ngôn của Negav có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả trẻ, cổ xúy việc bỏ học.
Chuyên gia cho rằng phát ngôn của Negav không chỉ mang tính kích động với người trẻ, mà nghiêm trọng hơn, phát ngôn ấy cổ vũ cho tinh thần tiêu cực là xem nhẹ việc học, giáo dục trường quy.
“Sẽ ra sao nếu những fan cuồng của Negav học, làm theo phát ngôn của thần tượng chống đối việc học, chống đối thầy cô, chống đối cha mẹ? Đó sẽ là một hệ lụy rất lớn cho xã hội. Tôi chưa hiểu tại sao BTC lại chưa có động thái gì liên quan tới phát ngôn lệch chuẩn, kích động tiêu cực như vậy? Điều này khó có thể chấp nhận được”, ông Ngô Hương Giang cho hay.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng BTC concert Anh trai say hi không thể thoái thác trách nhiệm của mình về sự việc này.
“Trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng quản lý văn hóa, trách nhiệm xã hội của một đơn vị truyền thông buộc họ phải đưa ra quan điểm về sự vụ của Negav. Khán giả hoàn toàn có quyền quay lưng với ban tổ chức, cũng như chương trình, nếu những cá nhân có trọng trách không đưa ra được quan điểm của họ về sự vụ”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trách nhiệm của người nổi tiếng
Theo chuyên gia, nhiều nghệ sĩ trẻ giống như Negav, chưa hiểu đầy đủ về giáo dục, giá trị của việc học.
“Họ chỉ nghĩ đơn giản học để có bằng, đi xin việc. Nhận thức như vậy về việc học rất lệch lạc. Việc học trước hết là học làm người, nghĩa là học cách ứng xử, cách sống có tôn ti trật tự, biết yêu thương, trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, sau mới đến học kiến thức. Bằng tốt nghiệp hay công việc chỉ là thử thách cuối cùng của việc học, không thể thay thế cả quá trình học nơi trường quy. Vì không coi trọng việc học nên chúng ta đang hàng ngày phải chứng kiến một lớp những người trẻ thiếu biết ơn với gia đình, xã hội và đất nước. Trở thành một vấn nạn của giáo dục”, chuyên gia nhận định.
Chuyên gia nêu quan điểm học đại học không phải là con đường duy nhất, song chắc chắn là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Bởi môi trường đại học không chỉ dạy sinh viên kiến thức mà quan trọng hơn là dạy cho họ kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử trong môi trường chuyên môn.
Đây cũng là nơi dạy chúng ta tinh thần cống hiến cho gia đình, cho xã hội và đất nước. Thiếu những kỹ năng, tư tưởng, đạo đức trên thì việc học kiến thức cũng không thể giúp chúng ta thành công sau khi ra trường. Giá trị cốt lõi của tư tưởng nhân văn trong giáo dục đại học là dạy là tinh thần tự lập, giá trị tự do trong khi bày tỏ kiến thức, kỹ năng, cũng như sự biết ơn với những gì ta có quanh mình.
Theo chuyên gia, người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng (KOLs), bản thân họ chẳng khác nào một kênh truyền thông di động. Bất cứ hành động hay phát ngôn nào cũng có sức lan truyền mạnh, tức thời.
Nếu là những hành vi hay phát ngôn tích cực sẽ giúp xã hội tốt đẹp lên. Ngược lại, nếu là những hành động và phát ngôn tiêu cực, đi ngược lại các giá trị văn hóa dân tộc, ngay lập tức gây xáo trộn.
Vậy nên người nổi tiếng hay KOLs cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm xã hội của mình trong mọi hành động và phát ngôn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang
Theo Tiền Phong