(*) Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Đất rừng phương Nam là phim Việt đang tạo luồng tranh luận trên mạng xã hội. Tác phẩm giúp vực dậy doanh thu phòng vé nội địa sau thời gian ảm đạm, nhiều phim thua lỗ.
Đáng tiếc, phim cũng đối diện làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phía khán giả. Phần lớn đánh giá thấp nội dung, đặc biệt là cách ê-kíp lồng ghép các tình tiết bị cho là “làm sai lệch lịch sử”.
Những sáng tạo chưa thuyết phục
Kịch bản Đất rừng phương Nam do biên kịch Trần Khánh Hoàng chấp bút, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Năm 1997, nguyên tác từng được chuyển thể thành phim truyền hình rất thành công nên bản điện ảnh không tránh khỏi những sự so sánh.
Thực tế, dự án của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có nhiều thay đổi so với bản truyền hình.
Tác phẩm đặt bối cảnh miền Tây Nam bộ thập niên 1920-1930 thay vì sau năm 1945 như tiểu thuyết gốc. Từ đó, biên kịch thay đổi số phận một số nhân vật: Có người xuất hiện ít ỏi, cũng có người được đẩy mạnh với nhiều thời lượng.
Thay đổi quan trọng nữa là phim đầu tư nhiều vào cảnh hành động, đánh đấm hơn là khai thác hành trình phiêu lưu của nhân vật chính. Trong nguyên tác, An (Huỳnh Hạo Khang) là cậu bé đang sống ở thành phố bỗng nhiên “lạc” về miền quê. Trên hành trình tìm cha, cậu khám phá được nhiều điều thú vị ở miền đất phương Nam chân phương, mến khách.
Phần lớn ý kiến cho rằng đạo diễn thay đổi nhằm đánh vào thị hiếu của đối tượng khán giả trẻ. Cách xây dựng bộ phim cũng đi theo công thức quen thuộc của Hollywood với nhiều cảnh hành động giúp tăng tính giải trí. Đáng tiếc, tác phẩm lại chưa thuyết phục những người từng đọc nguyên tác hoặc xem bản truyền hình.
Ngoài ra, ê-kíp còn có tham vọng thực hiện phần 2 để mở rộng câu chuyện. Song, các nhân vật xuất hiện trong phim khá mờ nhạt, chưa tạo được dấu ấn sâu đậm để người xem tò mò về phần tiếp theo.
Tình tiết gây tranh cãi
Phần lớn thời lượng phim kể lại câu chuyện các bang hội bí mật lên kế hoạch đối đầu thực dân Pháp, nổi bật là Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn. Trong phim, họ được xây dựng như nghĩa quân yêu nước, hoạt động độc lập và dùng mật ngữ, mật hiệu để liên lạc khi gặp nhau.
Có cảnh quay các thành viên trong hội nhóm trao đổi hoặc đánh nhau nhưng không liên quan đến số phận nhân vật chính, thậm chí hoàn toàn có thể cắt bỏ.
Do đó, rất nhiều ý kiến cho rằng ê-kíp đang cố tình nâng tầm vai trò của Thiên Địa hội - Nghĩa Hòa đoàn. Hơn nữa, tên gọi của 2 hội nhóm này dễ gây liên tưởng đến thời nhà Thanh Trung Quốc.
Không những vậy, kịch bản cũng khai thác nhiều tình tiết liên quan đến người Hoa ở thế kỷ trước. Đơn cử, Tiến Luật vào vai ông Tiều – người đóng vai trò chủ chốt của một hội kín.
Nhân vật nói tiếng Việt với ngữ điệu người Hoa, gợi nhớ những bộ phim võ hiệp của Trung Quốc. Ông làm nghề bốc thuốc nhưng thực ra lại rất giỏi võ công, thường xuyên ra tay cứu người và đối đầu quân Pháp.
Trong bản truyền hình, ông Tiều là người gốc Triều Châu nhưng chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn, không đóng vai trò quan trọng như bản điện ảnh.
Nhiều người xem tỏ ra bất bình trước những sáng tạo của ê-kíp, đồng thời cho rằng khâu kiểm duyệt cũng sơ sài nên mới dẫn đến tranh cãi không hay.
Trước làn sóng phản đối, ê-kíp buộc phải bỏ tên Thiên Địa hội - Nghĩa Hòa đoàn khỏi các lời thoại, thay bằng Chính Nghĩa hội - Nam Hòa đoàn.
Hóa trang, kỹ xảo chưa xứng tầm
Bên cạnh nội dung, khâu hóa trang và kỹ xảo trong phim cũng bị đánh giá thấp, chưa xứng tầm một dự án được đầu tư tiền tỷ.
Khi ê-kíp vừa tung ra những hình ảnh đầu tiên, phim lập tức nhận nhiều phản hồi không tốt xoay quanh tạo hình nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành. Phần lớn khán giả phẫn nộ khi thấy nam diễn viên xuất hiện với da mặt mịn màng, cùng bộ râu giả được thực hiện qua loa, thiếu tự nhiên.
Ngay cả tạo hình Võ Tòng của Mai Tài Phến hay Út Lục Lâm của Tuấn Trần của cũng nhận phản ứng không tốt.
Trong phim, nhân vật bác Ba Phi xuất hiện ít ỏi, không đủ để tạo dấu ấn mạnh như bản truyền hình. Thậm chí, vai Võ Tòng còn không có bất kỳ lời thoại nào.
Sau khi xem phim, nhiều khán giả phản đối vì hình ảnh các nhân vật khác xa ký ức lẫn tưởng tượng của họ. Trong khi đó, nhân vật Út Lục Lâm của Tuấn Trần lại được ưu ái nhiều đất diễn, thậm chí đóng vai trò quan trọng hơn nhiều nhân vật khác.
Ngoài ra, khâu kỹ xảo cũng là điểm trừ đáng tiếc của tác phẩm. Hiệu ứng CGI trong phim được xử lý chưa thật, đôi lúc lạm dụng nên tạo cảm giác giả tạo. Những chú cò bay loạn xạ giữa khung hình tạo dựng bằng vi tính khiến người xem không còn nhận ra đây là bối cảnh Việt Nam.
Về cơ bản, loạt thiếu sót của Đất rừng phương Nam là khó chấp nhận với một dự án đầu tư tiền tỷ, thực hiện suốt thời gian dài. Một phần nguyên nhân có lẽ xuất phát từ sự tự tin của ê-kíp.
Trước đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng từng thiếu cẩn thận khi dùng hình ảnh bà Tống Mỹ Linh sai lệch trong phim Dạ cổ hoài lang (2017).
Theo Minh Nhật (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/ly-do-dat-rung-phuong-nam-gay-tranh-luan-gay-gat-phai-chinh-sua-post1579229.tpo