Vắng bóng ít lâu cả điện ảnh lẫn truyền hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở lại bằng phim truyền hình Hoa cỏ may 3 sắp lên sóng, đồng thời tiết lộ chuẩn bị bấm máy phim chuyển thể từ Truyện Kiều.
|
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiết lộ chuẩn bị bấm máy phim về Truyện Kiều. |
Một sự thách đố...
Anh nói rằng sắp làm phim chuyển thể từ “Truyện Kiều” theo di nguyện của cha mình - nhà thơ Lưu Trọng Lư. Sau dự án điện ảnh khá thành công “Khát vọng Thăng Long”, sao anh không chọn chuyển thể điện ảnh?
Tôi sẽ làm đồng thời một phim điện ảnh và phim truyền hình về Kiều. Tuy nhiên kịch bản điện ảnh và dàn diễn viên khác hẳn với truyền hình, chỉ quay cùng bối cảnh thôi. Vì lẽ đó tôi cần hai đạo diễn trẻ làm cộng sự.
Một số đạo diễn sân khấu chuyển thể Kiều lên sàn diễn nhưng chưa thực sự gây ấn tượng, anh có ngại điều đó không?
Tôi chẳng quan tâm sân khấu lắm, điện ảnh khác chứ. Điện ảnh gần với Truyện Kiều hơn bởi sân khấu khó cô đọng không gian trong các màn. Chúng ta phải thấy nền điện ảnh đang âm tính. Một tác phẩm như thế mà mấy chục năm nay mới có người làm. Thế giới mà có tác phẩm như Truyện Kiều thì họ làm chục lần rồi, mỗi người làm một cách khác nhau.
Đừng bao giờ nghĩ tôi đại diện cho một nền điện ảnh, đại diện cho dân tộc và làm Kiều. Tôi chỉ là một cá nhân Lưu Trọng Ninh làm phim về Kiều, có thể thất bại, có thể thay đổi điều gì đó. Quan niệm như thế giản dị hơn nhiều. Không ai đại diện cho ai. Đừng khoác lên vai đạo diễn những trách nhiệm như thế. Chỉ biết rằng tôi hứng thú với đề tài đó, tôi làm. Các bạn cứ ném đá, hay các bạn xem không hay thì thôi. Sẽ có người sau tôi làm hay hơn, nhưng tôi là người đầu tiên.
Lâu nay điện ảnh lẫn truyền hình của ta ngại làm phim cổ trang vì tốn kém, lại dễ đối đầu với dư luận chỉ trích. Khi làm Kiều anh toan tính thế nào về điều này?
Tôi cũng phải cân đong đo đếm chứ. Phim cổ trang làm tốn kém quá không thu hồi vốn được. Tôi tự biết cách làm phù hợp, tiết kiệm. Hơn nữa Truyện Kiều là câu chuyện làng quê, chuyện hàng xã huyện chứ không phải hàng tỉnh, kinh thành, nên bối cảnh hay phục trang cũng giản dị thôi, kể cả lầu xanh.
Phim của tôi không thuộc quốc gia nào, vùng quê nào, đời nào vì vậy nó xóa nhòa tất cả để người xem không thắc mắc phim Việt Nam sao cảnh Trung Quốc. Tôi từng tranh luận với Ban biên tập VTV rất nhiều lần, họ muốn tôi làm phim gần với Đoạn trường tân thanh nếu không các nhà Kiều học sẽ ném đá. Tôi bảo có lẽ mở đầu phim bằng cuộc tranh luận của các nhà Kiều học, nếu thỏa mãn các nhà Kiều học thì không nên ra mắt. Bởi vì phim không bao giờ vươn tới tầm của những câu thơ đẹp như thế.
Nói như vậy, anh sẽ tìm mọi cách để câu chuyện về Kiều mang màu sắc Việt Nam hoàn toàn?
Truyện Kiều trông thế thôi nhưng khi ra mắt sẽ thành sự kiện, người ta muốn xem chúng tôi làm ăn kiểu gì, Kiều ra sao. Thực ra đây là sự thách đố, nhưng cũng hay. Nếu làm theo câu chuyện thì sẽ mang chất Trung Quốc, tôi tìm lối thoát khác. Điều làm nên sự khác biệt ở đây chính là Nguyễn Du sáng tác thơ Đoạn trường tân thanh. Tôi nghĩ rằng Nguyễn Du không đến mức không vẽ được câu chuyện như vậy, nhưng thời đó phong kiến lấy tây nói ta, nói về xứ đó để nói chuyện mình. Giờ chúng ta làm phim cũng lấy chuyện xưa để nói hôm nay, tác phẩm điện ảnh không dính đến hôm nay thì vô nghĩa. Truyện Kiều không chỉ riêng về nàng Kiều mà còn là câu chuyện lầu xanh, về cuộc đời các cô kỹ nữ. Muốn Việt hóa Kiều hoàn toàn tôi nghĩ phải đi ra khỏi nhân vật Kiều.
Phim không chỉ có nước mắt
Kiến giải và góc nhìn hiện đại của anh về Truyện Kiều cụ thể hơn sẽ như thế nào?
Chẳng hạn tôi nghĩ Sở Khanh không phải người xấu. Sở Khanh, Thúc Sinh, phải đẹp Kiều mới yêu, chỉ có điều đến cuối cùng họ bỏ chạy. Tôi nghĩ Đoạn trường tân thanh rất hay nhưng dở nhất ở khúc đoàn viên. Tôi sẽ có cách nhìn hoàn toàn mới, ví dụ mối tình với Thúc Sinh là đẹp nhất của Kiều “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Kiều phải là Scarlett O’Hara chứ không phải suốt ngày “đau đớn thay phận đàn bà”. Tôi muốn phim mở đầu bằng cuộc gặp gỡ và thách đố giữa Kiều và Đạm Tiên. Đạm Tiên nói rằng “đau đớn thay phận đàn bà”, nhưng Kiều nói không phải. Mỗi lần Kiều chiến thắng số phận, Đạm Tiên lại bị dìm xuống và cuối cùng người ta biết Kiều thắng.
Thực ra phim lịch sử không thể mô tả thái độ lịch sử cách đây 300 năm được, có thể ngày xưa cho là đúng giờ thành vớ vẩn. Điều quan trọng nhất trong phim chính là hồn Nguyễn Du với âm hưởng văn chiêu hồn, nỗi đau nhân gian, tuy nhiên phim cũng có sự hài hước chứ không chỉ có nước mắt.
Còn lựa chọn diễn viên thì sao, anh chọn được nàng Kiều ưng ý?
Chúng tôi chuẩn bị từ tám tháng nay rồi, vì còn cần thời gian cho diễn viên luyện tập. Tôi chưa nhìn thấy hình bóng Kiều trong những gương mặt đã gặp. Nhưng chắc chắn một điều kể cả diễn viên quần chúng tôi sẽ chọn những người ánh mắt không khôn như chúng ta bây giờ. Tôi cho người về các làng quê tìm những gương mặt bộc lộ thần thái, năng lượng gần với trời đất hơn.
Theo Toan Toan (Tiền Phong)