Xôn xao về bức ảnh khỏa thân trên bìa sách Truyện Kiều

12/11/2015 10:51:40

Ngay khi vừa đăng những bức hình đầu tiên về cuốn Truyện Thúy Kiều lên trang cá nhân của nhà sách Nhã Nam thì ngay lập tức bìa sách cuốn này đã bị dư luận chỉ trích vì cho rằng nó “lõa lồ”.

Ngay khi vừa đăng những bức hình đầu tiên về cuốn Truyện Thúy Kiều lên trang cá nhân của nhà sách Nhã Nam thì ngay lập tức bìa sách cuốn này đã bị dư luận chỉ trích vì cho rằng nó “lõa lồ”.

 
Nhà văn Đoàn Minh Phượng là một trong những người chia sẻ đầu tiên về bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều. Trên trang cá nhân, bà viết: “Nhã Nam làm bìa sách cho Nguyễn Du. Thôi thế là xong hẳn”. Và sau đó là hàng loạt các comment kèm theo thể hiện sự thất vọng của về bìa cuốn sách như: phản cảm, lõa lồ, dung tục, không xứng tầm với tác phẩm của Nguyễn Du…
 
Theo Nhã Nam, đơn vị phát hành cuốn sách thì ấn bản này, được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết, có một vị trí khá đặc biệt. Xuất bản tương đối sớm, qua thời gian, cuốn sách có thể nói đã trở thành một cuốn Kiều được phổ biến thuộc loại rộng rãi nhất, được độc giả biết đến nhiều nhất. Sau khi được nhà Vĩnh Hưng Long in 2 lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được Tân Việt, một nhà xuất bản lớn chuyên in sách giáo khoa, sách kinh điển, phổ biến kiến thức, tái bản rộng rãi...
 

Bìa cuốn sách gây tranh cãi.

 
Sau đó, từ năm 1958, nhà xuất bản Phổ Thông đã cho tái bản tiếp nhiều lần. Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã được công nhận là bản được phổ biến sâu rộng hơn cả qua các thế hệ người đọc gần một thế kỷ nay. Nhã Nam cũng cho biết các bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim hiệu khảo mà một số nhà xuất bản đã tái bản chính là bản Truyện Thúy Kiều này, chỉ khác là đã thay tên đổi họ đi mà thôi.

Về tên Truyện Thúy Kiều khiến độc giả cũng thắc mắc thì Nhã Nam giải thích như sau: "Cái tên 'truyện Kiều' chỉ là tên gọi dân gian mà mọi người quen dùng để nói về tác phẩm, không phải là tên chính thức. Còn 'Truyện Thúy Kiều' chính là tên tác phẩm mà các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đặt chính thức cho bản Kiều được hiệu đính, khảo dị của mình. Trong phần 'Tựa' của ấn bản, các học giả cũng có giải thích vì sao đặt tên là Truyện Thúy Kiều như sau: 'Truyện Thúy Kiều này nguyên lúc đầu tác giả nhan là Đoạn trường tân thanh'. Sau nghe đâu ông Phạm Quý Thích đổi lại là Kim, Vân, Kiều tân truyện.

Nhưng vì trong truyện chỉ có Thúy Kiều là vai chính, còn Kim Trọng và Thúy Vân là vai phụ cả. Nếu đề như vậy, thì e không hợp lẽ. Vả chăng tục thường gọi là truyện Kiều, thì chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là 'Truyện Thúy Kiều', rồi ở dưới đề thêm tên cũ Đoạn trường tân thanh, gọi là để tỏ cái ý tồn cổ”.
 
Do đó, Nhã Nam quyết định tái bản nguyên vẹn 'Truyện Thúy Kiều' do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, chỉ sửa từ nếu đã trái chính tả. Ngoài ra, lần tái bản này có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942. Đây là tập sách có bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Việt Nam hàng đầu thời bấy giờ, như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.

Bìa cuốn sách 'Truyện Thúy Kiều' chính là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du này của cụ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn và chính là bức vẽ mà họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.

“Họa sĩ Lê Văn Đệ, vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam, được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn toàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác nhưng ở đây lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc, tựu trung là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào, và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục.

Chúng tôi phải nói rằng họa sĩ thiết kế cũng đã rất thận trọng với bìa sách, cho nên còn đẩy việc gián cách, ước lệ lên một mức nữa: hình Thúy Kiều trong bức vẽ còn được tạo hiệu ứng “tráng kim”, như là phủ một lớp bụi vàng lên người vậy. Chúng tôi tin rằng khi mọi người cầm sách cụ thể trên tay sẽ thấy rõ điều đó và thấy là một cái bìa đẹp và hợp lý. Với những người không thích bìa sách, chúng tôi chỉ xin thêm một lí do nữa để giải thích.

Chúng tôi không nghĩ, cuốn sách được các nhà văn, nhà nghiên cứu, họa sĩ chung tay làm với mục đích quyên góp sửa mộ, xây bia cho cụ Nguyễn Du, phát hành vào dịp ngày giỗ, đích thân học giả Đào Duy Anh biên tập, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trình bày, họa sĩ Tô Ngọc Vân trông nom in ấn… mà lại được làm với chất lượng thấp, không phù hợp cho được”, ông Dương Thanh Hoài, PGĐ Nhã Nam phản hồi.
 
>> Sự cố "Đạm Tiên chuyển giới" trong "Truyện Kiều": Sai từ bản thảo?
>> Cười nghiêng ngả với bài thơ tóm tắt truyện Kiều
 
Theo T.Lê (VietNamNet)