NSND Thanh Vân cho biết phòng đạo diễn của anh, người nhận lương cao nhất là 4 triệu đồng, còn lại thấp hơn, có người 1 triệu đồng, thậm chí không được trả lương.
Kết thúc buổi đối thoại giữa ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch hội đồng Quản trị Tổng Công ty Vận tải Thủy VIVASO với các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam vào chiều 19/9, NSND Thanh Vân tuyên bố: "Cuộc đối thoại không đảm bảo được mong muốn của mọi người. Ông Nguyên trả lời rất vòng vo và lặp lại".
NSND Thanh Vân có cuộc trao đổi với Zing.vn sau buổi đối thoại đầy căng thẳng với lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Thanh Vân là người có nhiều năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Khuê Tú. |
'Người không làm việc cũng cần được trả lương vì đó là thời gian tích lũy'
- Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công tỷ vận tải thủy tuyên bố “Hãng phim truyện Việt Nam mà có 4 người như NSND Thanh Vân thì đúng là phá sản”. Ông Nguyên nhắc lại chuyện phim “Sống cùng lịch sử” của anh không bán nổi một vé và khẳng định từ năm 2014 đến nay anh không có bộ phim nào?
- Tôi phải nói lại một lần nữa rằng, năm 2014 đúng là tôi làm bộ phim 21 tỷ đồng, đó là Sống cùng lịch sử. Nhưng phim đó đã mang lại 70 tỷ đồng để nuôi sống Hãng phim truyện Việt Nam cho đến khi Tổng công ty vận tải Thủy của ông Nguyễn Thủy Nguyên nhảy vào.
Còn về chuyện phim không bán nổi một vé, nếu tôi mang hóa đơn ở rạp chiếu phim quốc gia đến thì tôi có thể kiện tất cả ai nói rằng Sống cùng lịch sử là phim 0 đồng. Nhưng tất cả chỉ là thử nghiệm, còn phim đó đã chiếu ở các lễ kỷ niệm, ở Điện Biên với rất nhiều bộ đội xem.
- Trong cuộc đối thoại, ông Nguyên cũng khẳng định sẽ trả lương theo phương châm “có làm có hưởng, không làm không hưởng”, nghĩa là những đạo diễn nhiều năm không có phim hoàn toàn có thể sẽ không được trả lương. Là trưởng phòng đạo diễn, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi cũng không biết mình còn là trưởng phòng đạo diễn không vì khi cổ phần hóa chưa bổ nhiệm lại. Nhưng lương tháng vừa rồi của tôi là 4 triệu đồng, thấp hơn so với trước khi cổ phần hóa nhưng vẫn cao hơn nhiều anh em trong phòng. Phòng đạo diễn trước đây có khoảng 20 người, nhưng có người nghỉ hưu, có người đã bỏ, bây giờ con số đã ít hơn.
Có đạo diễn lương 2 triệu đồng, có người là 1 triệu đồng, một số người khác thì không lương. Họ nói là tạm ứng chứ chưa có bảng lương chính thức nhưng việc tạm ứng cũng không theo bất cứ một căn cứ, cơ sở nào, nói thật là rất cảm tính. Nhiều người xứng đáng được hưởng lương thì lại không được.
Còn việc chỉ trả lương cho người đang đi làm là rất sai. Nghề này cần phải nuôi sự tích lũy, nôm na đó là giai đoạn tái sản xuất. Làm xong một bộ phim cần phải có thời gian nghỉ.
Nếu muốn rạch ròi, có thể quy định là sau 1-2 năm anh vẫn hưởng lương để tái sản xuất, đến năm thứ 3 anh vẫn chưa có phim để làm thì sẽ bị giảm mức lương. Nhưng thời gian để tích lũy bao giờ cũng phải có, ai lại đối xử với người đã đi làm phim ròng rã như thế được, phải nuôi dưỡng đạo diễn.
So sánh với bóng đá cũng vậy. Một cầu thủ chấn thương vì lý do gì thì vẫn cần được hưởng lương trong thời gian dưỡng thương. Không thể có chuyện bị thương, không đá đồng nghĩa với không trả lương. Nếu không nuôi dưỡng thì không thể kêu gọi cống hiến, đóng góp và đoàn kết được.
- Đạo diễn Quốc Tuấn cho biết sở dĩ mấy năm nay anh ấy không có phim làm vì thời chưa cổ phần hóa, ông Vương Đức không giao phim cho Quốc Tuấn, thậm chí còn tranh giành khi có phim. Là phó giám đốc thời Hãng phim truyện Việt Nam, anh nói gì về điều này?
- Thời đó rất ít phim, chuyện tranh giành có hay không cũng rất khó nói. Tất nhiên, giám đốc là người có quyền quyết định, chọn lựa, nhưng chọn ai phù hợp với tính chất của bộ phim lại là một câu chuyện khác.
Nói tranh giành phim cũng không kiểm chứng được, phim đâu phải là một thứ vật chất thông thường mà người này giành giật của người kia được. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Đạo diễn Quốc Tuấn cho biết sở dĩ mấy năm anh không làm phim vì không được giao phim. Ảnh: Khuê Tú. |
'Không có chuyện Hãng phim truyện VN toàn bùng cát-xê diễn viên'
- Trong cuộc đối thoại, ông Nguyễn Thủy Nguyên tiết lộ việc khi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam đi casting cho phim "Người yêu ơi" gặp rất nhiều khó khăn vì các diễn viên tố Hãng phim truyện Việt Nam trước đây thường xuyên bùng cát-xê. Anh nghĩ gì về chuyện này?
- Với những bộ phim có tính chính thống của Hãng phim truyện Việt Nam, tôi đảm bảo không có chuyện đấy. Nếu có thể có - tôi nói là “có thể” vì tôi không nắm rõ được - thì đó là một số phim gia công, bên ngoài họ thuê hãng làm.
Một số phim gia công quay ở miền Nam, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của ban giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam trước cổ phần hóa.
- Anh nghĩ gì về giải pháp tình thế của Hãng phim truyện Việt Nam đó là “viết kịch bản thuê, quay cả phim theo đơn đặt hàng của dòng họ, xã phường” mà ông Nguyễn Thủy Nguyên thông báo?
- Tất cả yếu tố đó đều rất phụ chứ không phải cái có thể coi là định hướng của Hãng phim truyện Việt Nam. Điều mà chúng tôi mong muốn là phía công ty phải vạch ra được định hướng chính, lộ trình làm phim.
Ví dụ 5 năm tới Hãng phim truyện Việt Nam sẽ ra sao, làm cả phim thị trường, và phim nghệ thuật để cân bằng cũng được, nhưng làm như thế nào. Phim nghệ thuật mà có giải cao, giải tốt sẽ tác động vào thương hiệu của đơn vị, còn phim thị trường sẽ mang lại tiền.
Còn suy nghĩ viết kịch bản thuê, quay phim dòng họ, đó không phải là suy nghĩ của một ông chủ Hãng phim truyện Việt Nam với 60 năm lịch sử. Tư duy ấy rất manh mún.
- Ông Nguyễn Thủy Nguyên nói rằng “Là một nghệ sĩ nhân dân nhẽ ra anh Thanh Vân nên đồng hành thay vì cứ chạy vòng vòng rồi thỉnh thoảng đá chúng tôi một cái”. Anh phản hồi như thế nào về câu nói của ông Nguyên?
- Nếu muốn có sự cộng tác thì trước hết phải có đủ xác tín. Cam kết của anh, anh còn không thực hiện, chính anh đã xóa bỏ cam kết của mình thì làm sao người khác có thể đặt sự tin tưởng để cộng tác.
Đời sống của anh em Hãng phim truyện Việt Nam, khối kỹ thuật hay nghệ thuật đều rất thấp, nhìn thấy đàn em, bạn bè mình vất vưởng như vậy, làm sao tôi có thể đoàn kết với công ty được. Nghệ sĩ nhân dân nhưng tôi muốn làm trên tinh thần tập thể chứ không phải cá nhân.
Theo K.Tú (Tri Thức Trực Tuyến)