Có khán giả đùa nhưng nghĩ thấy chua cay: “Ngày trước là những bài ca đi cùng năm tháng, bây giờ là những bài ca đi cùng năm phút”.
Nhạc sĩ Việt Anh: Có tác phẩm giá trị ắt hẳn người nghe giữ gìn
15 năm trước, chúng ta có một thế hệ nhạc sĩ, nay chúng ta có thế hệ nay và điều quan trọng là không nên đòi hỏi thế hệ nào giống nhau.
Liveshow Heartbeat của ca sĩ Mỹ Tâm trong năm 2014 đã đưa khán giả về lại với Mỹ Tâm thời đầu, với âm nhạc giản dị, không chiêu trò nên đã rất thành công. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp |
Như chúng tôi là những người đã định hình cho mình thói quen chậm, chiêm nghiệm thì mình giữ nó; còn cuộc sống của các bạn trẻ thì khác, vì vậy không nên đòi hỏi các bạn trẻ sống như mình. Nhạc của những nhạc sĩ tiền bối như nhạc xưa, nhạc Trịnh vẫn có người nghe và thế hệ trẻ vẫn cảm thấy mới mẻ với nó. Quan trọng nhất của âm nhạc là đạt được chuẩn giá trị. Khi một tác phẩm giá trị thì nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi thời gian mà nó sẽ được người nghe giữ gìn.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ: Tôi không bi quan với nhạc Việt
Tôi không đổ lỗi cho mọi thứ đang diễn ra quá nhanh ở xã hội này nhưng rõ ràng thời 15-20 năm trước, những người trẻ sống chậm hơn các bạn trẻ 9X bây giờ. Ngày xưa câu chuyện nói với nhau cũng tình cảm hơn, không có Facebook, YouTube… để cập nhật các loại âm nhạc, thời trang trên thế giới.
Thời đó khán giả mê mẩn Céline Dion, Mariah Carey, Whitney Houston… thì thời nay khán giả trẻ mê Lady Gaga, Beyonce - những ca sĩ hiện tượng, những ca sĩ thời trang có những bản hit. Tôi nói vậy để hiểu rằng ngay cả thế giới cũng thay đổi như vậy. Nhìn lại chúng ta, hai năm trước chúng ta có hiện tượng Nơi tình yêu bắt đầu, bây giờ là hiện tượng Sơn Tùng… Những ca khúc viết theo hơi thở hiện đại, đến nhanh, dễ nghe, dễ thuộc và đi qua cũng nhanh.
Tại sao những sáng tác thời xưa có giá trị thời gian? Bởi ca khúc ngày xưa người viết chắt lọc ca từ, viết là sự chiêm nghiệm và ở đó người nghe soi được mình trong đó. Nhưng tôi tin rằng ở một độ tuổi nào đó người trẻ chọn nhạc dễ nghe, dễ thuộc nhưng khi đã có một số trải nghiệm, họ tìm thấy mình trong những ca khúc cũ, họ sẽ chọn nghe mà thôi. Tức khán giả trẻ rồi sẽ lớn, từ nhạc dành cho teen nghe cho vui họ sẽ chọn đến với những ca khúc đồng điệu với họ ở cảm xúc. Thế nên nhạc sĩ trẻ viết theo hơi thở giới trẻ, không nên phê phán, theo tôi người làm chương trình phải biết tùy đối tượng khán giả mà chọn ca khúc phù hợp.
Nhưng để thị trường âm nhạc bớt nhốn nháo, quan trọng nhất là ca sĩ phải biết hát. Những sự kiện tôi làm đạo diễn dù là sự kiện của nhãn hàng, tôi luôn loại những ca sĩ không hát được với ban nhạc, ca sĩ chỉ hát nhép hay hát chồng lên chính giọng mình. Thậm chí một ca sĩ trẻ muốn mời tôi làm đạo diễn liveshow cho họ, họ phải trả lời được cho tôi họ hát được với ban nhạc không. Khán giả chúng ta không dễ bị lừa và cũng không dễ tính đâu!
Nhà sản xuất Hoàng Tuấn: Muốn thị trường sạch, nhà mạng phải sạch
Ngày xưa mỗi ca khúc ra đời, mỗi video clip đến tay khán giả được lựa chọn rất kỹ. Nhạc sĩ chọn ca sĩ phù hợp để giao bài; ca sĩ được giao bài luôn cố gắng chỉn chu hát thật tốt ca khúc; nhà sản xuất phải làm sản phẩm tốt bởi chính mỗi sản phẩm là album, ca khúc… ra đời là sản phẩm nuôi sống toàn bộ công ty. Đó là câu chuyện của những hãng phát hành băng đĩa như Bến Thành, Kim Lợi hay HT của tôi nhiều năm trước. Nhưng bây giờ đĩa lậu tràn ngập, sản phẩm ra đời không còn được chắt chiu như xưa, nhạc dễ dàng được “phát hành” qua các trang mạng.
Tôi vẫn hay nói đùa nhưng đó là sự thật rằng người bán xôi, bán chè đều có thể là ca sĩ, thế nên mới có những ca sĩ kiểu Lệ Rơi. Hiện nay là thời đại mà các nhà mạng trở thành một trung tâm phát hành không cần kiểm duyệt, không cần thông qua bản quyền…
Và ngay cả ca sĩ họ cũng sống ảo với những lượt nghe, lượt xem trên các trang mạng nhưng nhiều khi họ đâu biết rằng chính các nhà mạng tự đẩy lượt nghe, lượt xem, lượt yêu thích… để lấy quảng cáo. Nhà mạng sống bằng những con số ảo, ca sĩ dễ dàng chấp nhận những số ảo đó… thì cớ sao nhạc Việt không xô bồ?
Mối liên kết phát hành như ngày xưa là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất đã bị phá vỡ bởi nhà sản xuất chết vì đĩa lậu, nhạc sĩ “đẻ non” ca khúc, ca sĩ mê số ảo… từ đó thị hiếu nghe nhìn của khán giả thay đổi. Khán giả cứ xem lướt MV này không thích thì lại click chuột xem MV kia… vô vàn MV phát hành đáp ứng sự tò mò, giải trí của khán giả. Thế nên thị trường ca nhạc muốn hồi sinh cũng khó; chỉ khi nào siết được nhạc nhảm qua mạng, ca khúc có sự chọn lọc mới mong được một chút của ngày xưa.
Theo Nam Thanh (Pháp Luật TPHCM)