Trong trailer chương trình Ký ức vui vẻ tập phát sóng vào tối 29/3, MC Lại Văn Sâm gây bất ngờ cho khán giả khi lên tiếng xin lỗi HLV Park Hang Seo. Trong đoạn clip, Lại Văn Sâm bộc bạch: "Tôi phải cảm ơn chương trình Ký ức vui vẻ đã cho tôi một cơ hội lấy công chuộc tội. Thú thật với mọi người, khi ông Park Hang Seo sang Việt Nam, tôi nhìn tướng ông ấy cứ hơi hãm hãm nên không tin tưởng lắm vào vị huấn luyện viên này. Tôi nghĩ khó có thể phát triển được. Thế nhưng sau này, theo dõi thầy Park, tôi thấy ông ấy là một quái nhân trong lĩnh vực này".
Trailer Ký ức vui vẻ tập 12 |
MC Lại Văn Sâm cũng nhấn mạnh, Park Hang Seo là một người giỏi thực sự, một huấn luyện viên tài ba, đã đưa đến cho đội tuyển bóng đá Việt Nam những gì trước đến chưa ai dám nghĩ tới, chưa ai từng thấy. Trước đây, khi xem đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu, khán giả luôn có tâm lý lo âu. Còn ở thời điểm này, thay vì lo lắng, người hâm mộ lại căng tràn niềm tin, tự hào, hy vọng đội bóng sẽ tỏa sáng trong mỗi trận cầu.
"Chúng ta cảm thấy đá được vào gôn của Việt Nam khó vô cùng. Hôm nay, tôi muốn nói lời cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng của mình với HLV Park Hang Seo. Tôi xin lỗi vì đã từng không tin tưởng ông" - Lại Văn Sâm chia sẻ thêm.
Chương trình Ký ức vui vẻ được phát trên sóng VTV3, ngay từ khi mới ra mắt, Ký ức vui vẻ đã nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Ngoài câu chuyện liên quan đến HLV Park Hang Seo, Lại Văn Sâm còn gây ấn tượng với ký ức về thời thanh niên nghèo khó. Theo đó Lại Văn Sâm kể rằng sau khoảng thời gian học tập tại Liên Xô, ông làm việc thời vụ ở Phòng Thể Thao của Đài truyền hình Việt Nam với vai trò bình luận viên bóng đá, biên dịch bản tin thể thao tiếng Nga. Mải miết cộng tác, vậy mà đợi mãi vẫn không có ai gọi chàng trai Lại Văn Sâm chính thức vào đài.
1987, Lại Văn Sâm lui về nhà để phụ mẹ vợ buôn bán. Gương mặt quyền lực của VTV không ngại chia sẻ: "Mẹ vợ nuôi tôi trong suốt thời gian ấy". Đến năm 1988, Lại Văn Sâm được mời trở lại để bình luận cho giải bóng đá Euro. Đến năm 1989, ông chính thức nhận biên chế của VTV và là người đầu tiên mang các trò chơi truyền hình đến với khán giả Việt.
Theo Thu Thảo (Helino)