Cơ hội có mở ra với Á hậu 1?
Văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) nêu rõ: "Để đảm bảo cuộc thi được công bằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Giám đốc Công ty TNHH Võ Việt Chung International thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của đơn vị tổ chức cuộc thi đã cam kết tại Đề án tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017" và huỷ kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh do không đảm bảo điều kiện dự thi theo quy định”.
Lê Âu Ngân Anh đăng quang Hoa hậu Đại dương ngày 28/10/2017 và suốt từ đó cho đến nay, những thắc mắc về việc vì sao mức xử phạt dành cho những sai phạm của cô và đơn vị tổ chức vẫn quá nhẹ, trong khi sai phạm quy chế là rất rõ?
Theo Điều 19 Nghị định 79/2012 và điều 6 Thông tư số 01, thí sinh dự thi người đẹp phải là người chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Thế nhưng khi đến với cuộc thi, Lê Âu Ngân Anh đã trải qua phẫu thuật nâng mũi, dù sau đó để dự thi, cô đã rút đệm mũi của mình ra và báo cáo sự việc với BTC.
Sau đó, thay vì để cô rút khỏi cuộc thi thì đơn vị tổ chức lại vẫn đồng ý để cô tiếp tục tham dự. Điều này đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ của công chúng và các thí sinh về sự công bằng của một cuộc thi Hoa hậu mang cấp Quốc gia.
Thế nên, việc Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử phạt Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 số tiền 4 triệu đồng vì đã cho phép thí sinh không đạt yêu cầu dự thi được cho là thiếu thỏa đáng.
Mới đây, trong một cuộc họp công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Văn hóa hôm 9/1, Bộ VH-TT&DL đã tiếp tục bị báo chí chất vấn về việc vì sao vẫn chưa có hình thức xử phạt nào dành cho Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh? Trước sức ép của truyền thông, ngày 11/1, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương hủy kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh.
Nếu điều này được thực thi thì người đoạt danh hiệu Á hậu 1 của cuộc thi có được “đôn” lên thành Hoa hậu như ở các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới từng làm hay không?
Điều đáng nói, khi chúng tôi xem lại Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” thì không có điều khoản nào quy định cụ thể về việc thay thế ngôi vị Hoa hậu trong trường hợp người tiền nhiệm bị tước danh hiệu.
Tham khảo ý kiến của giới chuyên môn trong lĩnh vực tổ chức thi người đẹp thì được biết, việc quy định người thay thế là do quy chế của cuộc thi đó quy định.
Bộ VH-TT&DL chỉ đưa ra những quy định “cứng” mang tính bắt buộc như: Không vi phạm pháp luật, chưa đăng ký kết hôn, không phẫu thuật thẫm mỹ… Còn những cái cụ thể là do tùy từng cuộc thi quy định.
Chẳng hạn, nếu như Hoa hậu Thế giới đưa ra top 3 chung cuộc thì cuộc thi Hoa hậu quốc tế lại đưa ra top 5 chung cuộc.
Hay Hoa hậu Trái đất lại không gọi danh hiệu Hoa hậu, Á hậu mà top 5 của họ đều là Hoa hậu với Hoa hậu Nước, Hoa hậu Lửa…
Thế nên, với một cuộc thi thì quy chế của chính cuộc thi đó là rất quan trọng. Trong lịch sử của các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, dù rất nhiều Hoa hậu từng bị tước danh hiệu nhưng đó là hoàn toàn là do BTC cuộc thi ra quyết định chứ không phải từ quy định của cơ quan quản lý.
Bài học cho các đơn vị tổ chức
Cũng tương tự như vậy, việc Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản đề nghị BTC tước danh hiệu của Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh cũng chỉ được coi là mang tính chất chỉ đạo, còn việc có ra quyết định tước hay không là do BTC.
Tại Quyết định số 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 về việc ban hành quy chế thi người đẹp (điều 11) cũng nêu rõ điều này thuộc về quyền hạn của BTC: “Người đang giữ danh hiệu Hoa hậu - Á hậu, Hoa khôi - Á khôi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến danh hiệu sẽ bị cơ quan tổ chức cuộc thi tước danh hiệu”.
Theo giới chuyên môn, trong trường hợp BTC muốn tước danh hiệu của Hoa hậu thì phải chứng minh được sai phạm của cô và điều này là không thể với trường hợp của Lê Âu Ngân Anh.
Bởi khi tham gia cuộc thi, cô đã khai báo với BTC về tình trạng thẩm mỹ của mình và đã được BTC cuộc thi đồng ý để cô tiếp tục tham gia. Căn cứ vào điều này thì sai phạm thuộc về BTC chứ không phải Lê Âu Ngân Anh và BTC rất khó tước vương miện của cô.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, trong trường hợp BTC có thực hiện chỉ đạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì cũng đồng nghĩa với việc đối diện với đơn kiện của đương kim Hoa hậu trong việc đền bù những tổn thất và thiệt hại về vật chất mà cô đã bỏ ra khi tham gia cuộc thi.
Đây là một bài học đối với đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp nói chung. Và một tín hiệu được coi là khá vui mừng với những đơn vị này khi Quyền Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh vừa tuyên bố sẽ “nới lỏng” các quy định hiện hành với các cuộc thi sắc đẹp, mà cụ thể là với quy định về thẩm mỹ.
"Quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên, không qua phẫu thuật thẩm mỹ sẽ được xem xét sửa đổi. Bởi một số cuộc thi giờ không bắt buộc thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên. Việc thí sinh bắt buộc phải vào top 3 ở các cuộc thi nhan sắc trong nước mới được đi thi quốc tế cũng nên điều chỉnh", ông Vinh chia sẻ với báo chí.
Những Á hậu 1 được hưởng lợi từ việc tước vương miện
Lịch sử các cuộc thi sắc đẹp thế giới từng chứng kiến nhiều cuộc "ăn may" đầy bất ngờ của các ngôi vị Á hậu được "đôn" lên thành Hoa hậu.
Chẳng hạn mới đây, mỹ nhân Nam Phi vừa chạm tay tới vương miện Hoa hậu Hoàn vũ tại quốc gia của cô và sau đó chinh phục thành công vương miện danh giá Miss Universe 2017 tại Las Vegas, Mỹ.
Thế nhưng, chỉ sau đó 1 tuần, Demi-Leigh Nel-Peters đã phải nhận quyết định thu hồi vương miện và danh hiệu cấp Quốc gia của Tổ chức Hoa hậu Nam Phi.
Lý do thu hồi danh hiệu được Tổ chức này đưa ra là do Demi-Leigh Nel-Peters phải thực hiện sứ mệnh Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới trong vòng một năm nên không thể có thời gian đảm đương trách nhiệm của một Hoa hậu cấp Quốc gia.
Chính vì thế, danh hiệu Hoa hậu Nam Phi 2017 đã được trao lại cho Á hậu 1-Adè van Heerden.
Cũng theo các chuyên gia, việc tước danh hiệu ở các nước là việc rất bình thường và được thực hiện rất nghiêm. Chỉ cần không làm tròn nghĩa vụ theo quy định của BTC thì các đương kim Hoa hậu cũng sẽ đối diện với nguy cơ tước danh hiệu.
Chẳng hạn, Hoa hậu Canada Lynsey Bennett đã bị Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc tế nước này tước danh hiệu chỉ bởi cô không tham gia đầy đủ chương trình quảng cáo của các công ty tài trợ cho chính cuộc thi.
Trong khi đó, tại Việt Nam cho đến nay chỉ có duy nhất người đẹp Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017, trong khi trước cô cũng đã từng có những tranh cãi không ít về việc các Hoa hậu vi phạm quy chế thi.
Theo Minh Nhật (Giadinh.net.vn)