Kẻ không làm sai lại hứng chịu hậu quả
Ngày 11/1/2018, Cục NTBD đã yêu cầu Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 thu hồi kết quả cuộc thi. Điều đó đồng nghĩa vương miện hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh cũng sẽ bị thu hồi.
Xét ở khía cạnh “đầu vào” không đúng chuẩn, khi Ngân Anh đã có can thiệp thẩm mỹ (dù sau đó đã trả về hiện trạng ban đầu), nghĩa là cô đã vi phạm quy định nhà nước, thì “đầu ra” không được công nhận âu cũng là lẽ đương nhiên.
Điều này là công bằng với các thí sinh khác, những người từ đầu đến cuối không nhờ dao kéo can thiệp nhan sắc. Điều này cũng là công bằng với các cuộc thi khác, những cuộc thi mà BTC tuân thủ nghiêm túc luật định của nhà nước và cả những cuộc thi từng làm sai nên phải chịu kết quả tương tự. Trong đó, cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Nguyễn Thị Thành do can thiệp nha khoa nên Cục đã đề nghị BTC huỷ kết quả, cô bị thu hồi danh hiệu Á khôi.
Luật định là thế, tuy nhiên, ai sẽ chịu trách nhiệm với Lê Âu Ngân Anh, khi xét cho cùng người mắc lỗi không phải là cô? Ngay từ đầu, Lê Âu Ngân Anh không hề giấu diếm tình trạng nhan sắc của mình. Trước khi đến với Hoa hậu Đại dương 2017, Ngân Anh đã báo cáo bằng miệng với BTC về việc từng chỉnh sửa mũi (sau đó trả về hiện trạng) và được BTC chấp thuận. Đến vòng trong, cô một lần nữa báo cáo bằng văn bản về điều đó với BTC. 2 lần báo cáo đó cô đều được BTC chấp thuận là hợp lệ để tham gia cuộc chơi. Nói một cách khác, Lê Âu Ngân Anh, dù gây tranh cãi về sự thay đổi nhan sắc hay không, cô cũng đã rất trung thực với cuộc chơi ngay từ đầu và được chấp thuận hiện trạng của mình.
Với việc bị thu hồi vương miện sau vài tháng đăng quang, ai sẽ trả lại cho cô khoảng thời gian, tâm sức và tiền bạc mà cô đã dành để tham gia cuộc thi? Ai sẽ trả lại cho cô sự tổn hại mà cô phải nhận lấy dù cô không hề gian dối? Ai sẽ trả lại cô sự công bằng khi bỗng dung mang mác “hoa hậu bị tước vương miện” dù chiếc vương miện ấy cô không gian dối để có?
Quản lý nhà nước: Chỉ chạy theo đuôi?
Một câu hỏi khác không thể không đặt ra trong câu chuyện này, là cơ chế giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đã ở đâu trong quá trình vừa qua? Trung bình, thời gian diễn ra một cuộc thi nhan sắc kéo dài ít nhất khoảng 3 tháng, với các vòng thi. Tại mỗi vòng thi, khâu nhân trắc học và thẩm định nhân thân là điều bắt buộc BTC phải thực hiện. Điều đó có nghĩa, tình trạng can thiệp nhan sắc của thí sinh gần như luôn được phát hiện từ sớm, nếu có. Vậy thì, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ở đâu, đã sử dụng cơ chế quản lý-giám sát của mình như thế nào đối với các đơn vị tổ chức, để rồi chỉ khi các cuộc thi đã kết thúc, kết quả đã được trao, Cục mới vào cuộc?
Đó là chưa kể, cho đến nay Hoa hậu Đại dương 2017 đã kết thúc được vài tháng, trong vài tháng đó câu hỏi về vương miện của Lê Âu Ngân Anh đã được đặt ra rất nhiều lần, trước và sau khi Cục xử phạt BTC cuộc thi 4.000.000đ vì đã không tuân thủ các quy định nhà nước, nhưng Cục lẫn Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đều không có câu trả lời thoả đáng. Thậm chí, quyền Cục trưởng Cục NTBD Quang Vinh còn từng cho biết không có cơ chế nào để Cục vào cuộc giải quyết danh hiệu của Ngân Anh (?).
Đã 3 tháng kể từ ngày cuộc thi kết thúc, trong 3 tháng đó, Ngân Anh đã hoạt động với danh hiệu Hoa hậu ở khắp nơi. Sự bị động và chậm chạp của cơ quan chức năng không phải bây giờ mới thấy. Hầu hết trường hợp xử lý phạm sai phạm đối với các cá nhân, đơn vị tổ chức trong lĩnh vực nhan sắc trong thời gian qua, đều là một cuộc chạy theo đuôi, cơ quan chức năng hầu như không phát hiện được sai phạm nào ngay từ đầu. Đến mức, có nhiều người cho rằng cơ quan chức năng đang không hề thực hiện cơ chế quản lý mà chỉ “rình” sai phạm để phạt.
Theo Hoàng Dương (Phunuonline.com.vn)