Khán giả sẽ quyết định chương trình nào xứng đáng tạo ra khung giờ vàng
- Từ 2017 đến nay VFC liên tục có những phim hot từ phim mua kịch bản nước ngoài như "Người phán xử'", "Sống chung với mẹ chồng" đến các phim đề tài gai góc do biên kịch VFC sáng tác như "Quỳnh búp bê" và hiện tại là "Chạy trốn thanh xuân", "Những cô gái trong thành phố". Áp lực duy trì các phim chất lượng và có rating cao với một người đứng đầu như anh thế nào?
Áp lực lớn nhất của chúng tôi là giữ được đội ngũ làm nghề và luôn phải bổ sung những nhân sự mới, có kỹ năng làm phim ngày càng chuyên nghiệp. Do đó, VFC đã chú trọng việc đào tạo chuyên môn, có nhiều nhân sự được đưa ra nước ngoài để học hỏi và tiếp cận cách thức làm phim hiện đại, liên tục phải có những sản phẩm chất lượng hơn.
- Khán giả luôn đòi hỏi những món ăn mới và quá quen với việc tiếp cận các phim chất lượng qua hệ thống netflix, các web drama nở rộ, làm sao để luôn đổi mới đa dạng đề tài và thu hút khán giả khi sức ép quảng cáo, rating luôn là vấn đề với những người làm phim truyền hình?
Hiện nay, khán giả có nhiều lựa chọn xem những chương trình chất lượng. Thời đại công nghệ số, internet tốc độ cao phát triển nhanh nên ngoài kênh sóng truyền hình đã có thêm nhiều phương thức phát hành nội dung. Trong khi, một tác phẩm đưa lên sóng truyền hình phải có sự kiểm duyệt nội dung chặt chẽ để phục vụ nhiều tầng lớp khán giả, thì ngược lại, nội dung đưa lên internet, các mạng xã hội đang rất thoải mái.
Như vậy, phim truyền hình Việt phải tiếp tục nâng cao chất lượng và có những đầu tư mạnh hơn thì mới đủ sức cạnh tranh và giữ khán giả. Người làm phim cũng phải thay đổi tư duy sáng tác, tạo ra những cách thể hiện mới, đề tài khai thác phù hợp với sự chuyển dịch của thế hệ khán giả hôm nay. Khi chính đội ngũ làm phim ý thức được những vấn đề trên thì chắc chắn, sẽ có thêm nhiều tác phẩm chất lượng đáp ứng được thị hiếu khán giả và đồng nghĩa, rating sẽ cao hơn.
- Các phim VFC được cho là đang độc chiếm sóng giờ vàng vì thuộc nhà đài và dễ hot hơn các phim khác vì là "gà nhà". Anh nói sao về nhận xét này?
Chắc chắn không bao giờ VTV có khái niệm độc chiếm sóng giờ vàng. Bởi chính khán giả sẽ quyết định chương trình nào xứng đáng tạo ra khung giờ vàng. Thói quen xem vào một khung giờ cố định đã và đang thay đổi, khán giả hiện đã thành thạo sử dụng công nghệ, các ứng dụng xem lại nội dung trên internet. Chỉ số đo lường rating cho từng khung giờ truyền hình cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố để đánh giá mức độ thu hút khán giả.
Khi đăng ký phát sóng vào các khung giờ quan trọng, đội ngũ VFC phải tự tin với các bộ phim có chất lượng nội dung, nghệ thuật được thực hiện hiện và phải cạnh tranh với các chương trình khác về rating.. Hiện nay, nhiều khung giờ vàng khác cũng được dành cho các đơn vị xã hội hóa tham gia sản xuất, tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng. Như vậy, khán giả luôn có cơ hội được xem những chương trình chất lượng.
Sẽ có phim phanh phui quan hệ doanh nghiệp và quan chức lãnh đạo cấp cao
- Phim của VFC hiện đang gần như phủ hết các khung sóng giờ vàng VTV và sắp tới sẽ tiếp tục chiếm lĩnh cả khung sóng mới trên VTV1. Có thể hiểu đó là khung phim VFC và những phim phát trong khung giờ này có tiêu chí gì đặc biệt?
Năm 2019, VTV chủ trương điều chỉnh khung giờ phát sóng trên kênh VTV1, do vậy khung giờ phim truyền hình Việt có thời lượng 30 phút/tập, phát liên tục 5 tập/tuần. Các bộ phim vừa có tính giải trí vừa phải phù hợp với tiêu chí kênh VTV1. Phim “Về nhà đi con”, đạo diễn Danh Dũng sẽ lên sóng từ ngày 8/4.
Việc VFC được giao nhiệm vụ mở màn vì đơn giản, VFC là đơn vị thuộc Đài THVN, cái gì đầu tiên cũng sẽ có những khó khăn và thách thức. Mặt khác, VFC đã thể hiện chất lượng làm phim vượt trội trong nhiều năm qua, nên nếu không giao nhiệm vụ cho VFC mới là điều khác thường. Tuy nhiên, để duy trì chất lượng và đáp ứng được sự mong đợi của khán giả thì còn phải nỗ lực rất nhiều, chúng tôi cần phải cố gắng làm phim hay hơn.
- Truyền thông gần đây nói nhiều đến cụm từ "vũ trụ VFC" để chỉ các phim và dv tham gia phim của VFC phát trên sóng VTV. Phải chăng VFC đang định xây dựng riêng một đế chế phim truyền hình độc quyền và có độ phủ rộng?
Nếu làm được như vậy thì chúng tôi sẽ rất vui mừng và tự hào vì những thành quả đó là công sức của nhiều con người ở VFC. Nhưng chúng tôi biết khả năng của mình, còn nhiều yếu tố mới tạo nên “đế chế thực sự”. Bản thân tôi cũng không thích sự độc quyền vì phải có cạnh tranh mới thúc đẩy sự phát triển. Thời gian gần đây, nhiều diễn viên, nghệ sĩ đã trao tặng cho chúng tôi niềm tin, sẵn sàng đồng hành với các dự án phim của VFC và cùng với các nghệ sĩ, khán giả chính là động lực để chúng tôi phấn đấu có thêm nhiều bộ phim hay.
- Bên cạnh các phim hot, dễ nhận thấy nhiều phim gần đây, đặc biệt là các ngoại truyện và như phim Tết 'Xin chào người lạ ơi' có vẻ bị "thao túng" bởi quảng cáo khá nhiều. Anh nói gì về điều này?
Ngoài các chương trình tin tức thời sự, nội dung mang tính chính luận thì bất cứ một sản phẩm truyền hình nào cũng phải đáp ứng tính thương mại. Hiểu đơn giản là sản phẩm làm ra có giá trị tiêu dùng, được khán giả đón xem và mang lại lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, cần cân bằng và tỉnh táo để yếu tố thương mại không được lấn át những giá trị nội dung, thẩm mỹ.
- Năm nay VFC có những dự án nào đáng trông đợi? Liệu có thể chờ đợi cú nổ nào lớn như 'Quỳnh búp bê' năm ngoái hay 'Người phán xử' cách đây 2 năm?
Khi quyết định đưa một dự án phim vào thực hiện, chúng tôi luôn kỳ vọng sẽ thành công và có những tiêu chí sản xuất cụ thể. Nhưng để trở thành “bom tấn” lại cần yếu tố may mắn, sự đón nhận của khán giả vào thời điểm phát sóng. Năm nay VFC có nhiều dự án phim rất đa dạng về thể loại, đề tài. Gần nhất là tháng 4, dự án phim “Mê Cung” – thể loại điều tra phá án do Khải Anh đạo diễn rất đáng chú ý.
Phim “Nàng dâu Order”, đạo diễn Quốc Việt phát VTV3 cũng là một phim thú vị khi nghệ sĩ Minh Vượng và Lan Phương đảm nhận các dạng vai diễn “quái chiêu” vừa bi vừa hài, kết hợp diễn xuất với Trọng Trinh, Thanh Quý, Phú Đôn và Thanh Sơn, Đình Tú, Thanh Hương. Còn trên VTV1, phim “Về nhà đi con”, đánh dấu sự trở lại của Bảo Thanh, Thu Quỳnh cùng nghệ sỹ Trung Anh đóng vai ông bố nhiều trắc ẩn.
Một điểm nhấn năm nay là dự án phim “Sinh tử”, nội dung mang tính thời sự chính luận, khai thác cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Phim mô tả kỹ lưỡng vấn đề các đối tượng doanh nghiệp, lợi ích nhóm cấu kết các quan chức lãnh đạo cấp cao, dẫn đến những đại án mà phải mất rất nhiều công sức, Viện kiểm sát, công an mới triệt phá được. Đây là bộ phim có sự tham gia của biên kịch Phạm Ngọc Tiến, đạo diễn Khải Hưng, Mai Hiền và vai diễn quan trọng nhất được dành cho NSND Hoàng Dũng.
- Với nhiều dự án mới mà anh kỳ vọng, có thể thấy khán giả hoàn toàn có thể chờ đợi những ‘bom tấn’ truyền hình trong thời gian tới. Anh có nghĩ rằng với hướng phát triển này, một ngày các bộ phim truyền hình Việt Nam có thể xuất khẩu hoặc được chiếu ở các hệ thống quốc tế như Netflix, HBO…
Không chỉ VFC mà các đơn vị sản xuất phim truyền hình khác của Việt Nam đều đang nỗ lực, cạnh tranh lành mạnh để tạo ra những bộ phim chất lượng. Nếu nhìn vào các đài truyền hình lớn trong nước thì có thể thấy các bộ phim của Việt Nam đang có chỗ đứng ngày vững chắc và được khán giả yêu thích không kém, thậm chí là hơn so với các bộ phim truyền hình nước ngoài.
Ngay trên mạng internet, xu hướng tìm kiếm các năm 2017, 2018 ở mảng phim ảnh, các bộ phim Việt đều chiếm đa số. Phim Việt Nam chất lượng, gần gũi với đời sống người Việt, mang đậm những giá trị văn hoá Việt sẽ là lợi thế mà các bộ phim nước ngoài không thể có được. Vì vậy tôi nghĩ ít nhất ở trong nước, nếu tiếp tục được đầu tư theo chiều sâu, phim truyền hình Việt hoàn toàn có được chỗ đứng và nhìn xa hơn thì chúng ta cũng có thể hy vọng phim truyền hình Việt có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường khác.
Theo Hoàng Vy (Vietnamnet)