Việc một ngôi sao trở thành đạo diễn thì ít hơn, nhưng cũng không hiếm. Chuyện đó đã xảy ra ngay từ thời kỳ đầu của Hollywood với trường hợp của những ngôi sao phim câm như Charlie Chaplin hay Douglas Fairbanks.
1. Nếu như nhiều nhà làm phim cảm thấy tuyệt vọng khi không thể tìm được nguồn vốn cho tác phẩm của mình, thì một siêu sao có dư thừa điều kiện kinh tế cũng như sức ảnh hưởng để có thể gần như biến mọi ước mơ trở thành sự thật một cách khá dễ dàng. Diễn viên George Clooney trở thành đạo diễn của bộ phim đầu tay “Confessions of a Dangerous Mind” chỉ vì anh đã quá ngán khi thấy một câu chuyện thú vị như vậy lại cứ liên tục trôi qua tay nhiều đạo diễn tên tuổi trong mười mấy năm trời. Anh tin rằng khi mình là đạo diễn, anh có thể tìm ra được những nguồn lực để dự án này có thể thực sự cất cánh, và niềm tin đó là hoàn toàn chính xác.
Tuy vậy, đầu xuôi không có nghĩa là đuôi sẽ lọt, phần lớn các siêu sao sẽ chỉ lấn sân sơ sơ để nhận ra rằng họ không phù hợp để ngồi chiếc ghế bố ấy. Thậm chí có trường hợp mà áp lực của vị trí đạo diễn còn hủy hoại cả một sự nghiệp đang sáng lạn, như chuyện đã xảy ra với siêu sao võ thuật Tony Jaa và bộ phim “Ong Bak 3”. Thế nhưng cũng có trường hợp siêu sao chuyển mình thành đạo diễn lại giúp hồi sinh sự nghiệp đang đi xuống như Ben Affleck. Thực tế là một công việc phía sau máy quay đã đưa tên tuổi của Ben lên thành sao, đó chính là tác giả kịch bản. Từ một biên kịch được trao giải Oscar cho “Good Will Hunting” vào năm 1998, đến một đạo diễn giành được Oscar cho Phim hay nhất vào năm 2012 với “Argo”, có lẽ đó là một hành trình mà Ben Affleck đã làm tốt hơn rất nhiều so với sự nghiệp làm nam chính của những bộ phim nhàn nhạt.
Nhưng dù đi theo chiều hướng nào thì ở những bước chân đầu tiên, các siêu sao luôn bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ, thậm chí là phủ nhận. Danh hài nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản là Kitano Takeshi đã gặp phải những xung đột chuyên môn rất lớn với chính những người trong đoàn phim khi đạo diễn bộ phim đầu tay “Violent Cops”. Kitano không thể quên được ánh mắt ngờ vực của các đồng sự năm đó. Ông biết họ chỉ coi ông là một gã hề cần đánh bóng tên tuổi, chứ không tin rằng ông có thể trở thành một nhà làm phim thực thụ. Đó là điểm khởi đầu của một đạo diễn quốc tế nổi danh với một sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập niên cùng vô số giải thưởng chuyên môn uy tín. Kitano chứng minh cho không chỉ người Nhật mà còn là cả thế giới rằng mình là một đạo diễn xuất chúng, người có một phong cách độc đáo dù là làm phim hành động bạo lực hay phim tâm lý tình cảm sâu lắng. George Clooney cũng vậy, trong vòng hơn 20 năm qua, ông đã đều đặn đạo diễn hơn chục bộ phim chất lượng dù thật khó để quên đi rằng ông là một siêu sao màn bạc, một trong những người đàn ông quyến rũ nhất thế giới
2. Đấy là chuyện thế giới, còn Việt Nam thì sao? Trong 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường rạp chiếu Việt Nam, chúng ta cũng đã thấy những diễn viên ngồi vào ghế đạo diễn. Nổi bật nhất là Trấn Thành và Lý Hải.
Nếu Trấn Thành mới có hai phim: "Nhà bà Nữ" và "Bố già" thì Lý Hải đã có gần 10 năm gắn bó với công viêc đạo diễn phim thương mại, thành tích của anh là chưa từng thất bại bất kỳ phim nào và doanh thu tăng dần theo từng phim. Những con số doanh thu từ 200 tỷ đến 475 tỷ đồng doanh thu phòng vé mà hai cái tên này xác lập được dễ làm công chúng có cảm giác rằng chuyện các diễn viên thành công vang dội với bộ phim của mình là điều gì đó đương nhiên.
Tuy nhiên, đây là cuộc chơi mà đã có những tên tuổi phải nhận thất bại đau đớn như Dustin Nguyễn hay Ưng Hoàng Phúc. Ngô Thanh Vân đã từng đạt được những thành công nhất định như phim "Hai Phượng" nhưng phong độ sau đó lại không được duy trì bởi những thất bại có phần đáng tiếc của "Trạng Tí" và "Thanh Sói". Rõ ràng là không có chuyện diễn viên nổi tiếng làm phim là dễ dàng. Ngoài danh tiếng, vai trò của người làm phim ở phía sau máy quay yêu cầu ở mỗi cá nhân những phẩm chất đặc thù.
Khán giả đôi khi nghĩ rằng một ca sĩ như Lý Hải là dân ngoại đạo với phim ảnh, nhưng kỳ thật anh đã tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Sự nghiệp làm phim của anh có lẽ đã được bắt đầu từ việc tự sản xuất các video ca nhạc. Sau gần một thập kỷ, cách Lý Hải dàn dựng mỗi cảnh phim càng ngày càng tinh hơn, có lẽ không còn ai nghi ngờ vào phẩm chất thiên bẩm của một đạo diễn mà anh sở hữu. Loạt phim “Lật mặt” là sự hòa trộn của khá nhiều các thể loại, trong đó không thể thiếu các yếu tố hài, nhưng đã nói đến loạt phim "Lật Mặt" là phải nói đến chất hành động đã thành thương hiệu.
Vốn có đam mê dàn cảnh hành động cũng như có kinh nghiệm từ thời các phim ca nhạc "Trọn đời bên em", anh được thỏa sức thiết kế những cảnh võ thuật gay cấn trong loạt phim "Lật mặt". Chất lượng hành động trong "Lật mặt 5" còn có thể nói là đã tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế với sự tham gia của ê kíp Hàn Quốc. Nhưng Lý Hải cũng thử sức với cả kinh dị trong "Lật mặt 4", và giật gân trong "Lật mặt 6", rõ ràng Lý Hải muốn được nhìn nhận như là một nhà làm phim đa diện và không bó buộc mình vào thể loại cụ thể nào. Những phim này đều có cốt truyện bình dân dí dỏm rất phù hợp với khán giả Miền Tây, luôn có những nét cảm xúc chân thành, khá lay động.
"Lật mặt 2" là sự tri ân đầy cảm động của Lý Hải với chính đam mê của mình và những người làm phim khác qua câu chuyện của một cascadeur.
"Lật mặt 3" với hành trình đi tìm người thân của ba chàng trai khuyết tật vừa hài hước vừa sâu lắng về tình bạn, tình mẹ. Chính sự chân thật giản dị từ bên trong giúp "Lật Mặt 3" thu được thành công đáng nể ngay cả khi phải cạnh tranh với bom tấn Avengers.
Sự chân thành ấy giúp cho những bộ phim kể trên được đón nhận bởi khán giả, mặc dù phải nói thật lòng là vẫn còn quá nhiều điểm yếu. "Lật mặt 6" có một phân đoạn rất hay, đó là khi sau hàng loạt những xung đột đẫm máu, nhân vật chính nằm mơ thấy rằng mình và nhóm bạn thân vẫn thương yêu nhau như ngày nào. Thế nhưng đây là điểm sáng điện ảnh duy nhất trong một kịch bản hỗn loạn, thiếu tiết chế. Lý Hải không phải là Kitano Takeshi, anh là một viên ngọc thô nhưng có lẽ chuyện mài giũa để thực sự trở thành ngọc sáng đã không còn quá quan trọng nữa. Với năng lực của mình, nếu Lý Hải trưởng thành từ một môi trường văn hóa - điện ảnh khác, rất có thể anh sẽ là một người làm phim rất khác. Thế nhưng giờ đây, bất kỳ sự thay đổi nào đều có thể biến thành yếu tố hủy hoại mạch thành công đang có của "Lật mặt". Có lẽ sẽ là khôn ngoan nếu Lý Hải cứ nên là chính mình bây giờ bởi vì đã tìm thấy cho mình một lượng khán giả lớn của riêng mình. Tiếp tục hoàn thành tốt nghĩa vụ phục vụ nhu cầu thưởng thức của những người hâm mộ ấy hẳn là mấu chốt để giữ vững thành công về doanh thu.
Từ thành công của Lý Hải, tôi nhớ tới trường hợp Lưu Đức Hoa của Điện ảnh Hoa ngữ. Trong thập niên 2000, Lưu Đức Hoa và hãng phim FOCUS do anh sáng lập đã triển khai một dự án có tên là FOCUS: First Cuts. Đây là một dự án mà Lưu Đức Hoa dùng những nguồn tài nguyên mà một ngôi sao như anh có thể huy động được để đầu tư vào 6 đạo diễn Hoa ngữ trẻ mang quốc tịch Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Trong đó nổi bật nhất là “Crazy Stone” của đạo diễn Ninh Hạo. Bộ phim này đã trở thành một cú hit phòng vé Trung Quốc năm 2006. Trả lời báo chí về lý do khởi phát nên FOCUS: First Cuts, Lưu Đức Hoa nói đại ý rằng đã từng có nhiều người trao cho anh cơ hội khi anh còn trẻ, vì vậy đến lượt mình, anh cũng trở thành một người trao cơ hội cho thế hệ kế tiếp của điện ảnh Hoa ngữ.
Trở lại với câu chuyện của Lý Hải, liệu rằng chỉ có doanh số là điều duy nhất có ý nghĩa với một nhà làm phim? Với lợi nhuận thực nhận tới hàng trăm tỷ, một nhà sản xuất kiêm đạo diễn như Lý Hải có dư thừa điều kiện để liều lĩnh với ít nhất là một lần rủi ro, để làm ít nhất là một lần điều không ai dám làm. Có thể họ sẽ không trở thành George Clooney hay Ben Affleck, nhưng có một vai trò mà họ hoàn toàn có thể như Lưu Đức Hoa từng làm.
Theo Nguyễn Hữu Tuấn (An Ninh Thế Giới)