Câu Chuyện Hoa Hồng là bộ phim Hoa ngữ đang gây sốt ở thời điểm hiện tại, thu hút sự quan tâm đông đảo của khán giả. Ở những diễn biến gần đây, phần cao trào nhất của bộ phim chính là kết thúc của cuộc hôn nhân đẫm nước mắt giữa Hoàng Diệc Mai (Lưu Diệc Phi đóng) và chồng cũ Phương Hiệp Văn (Lâm Canh Tân đóng).
Trong phim, Phương Hiệp Văn và Hoàng Diệc Mai đã dẫn nhau ra toà, kết thúc cuộc tình với 2 năm làm bạn, 3 năm yêu đương và 5 năm kết nghĩa vợ chồng. Tuy nhiên, trước khi có thể thuận lợi ly hôn chồng cũ, Hoàng Diệc Mai đã bị Phương Hiệp Văn nhiều lần níu kéo. Thậm chí để làm thay đổi ý định của vợ, anh ta còn đưa ra "vũ khí" có thể làm lay chuyển bất kỳ người làm mẹ nào, đó là... quyền nuôi đứa con duy nhất.
Trong một phân cảnh khi Hoàng Diệc Mai bày tỏ ý định ly hôn với chồng, Phương Hiệp Văn hỏi vợ: "Tiểu Sơ (con chung của hai người - PV) con bé làm sao? Em đã nghĩ qua chưa?". Hoàng Diệp Mai đáp lại: "Em chính là vì nghĩ đến con, nên mới buộc phải ly hôn với anh". Cô phản bác thêm: Không khí gia đình khi hai bố mẹ đều xảy ra tranh cãi, không hề tốt cho sức khoẻ tâm lý của trẻ nhỏ.
Trong phân cảnh khác, Phương Hiệp Văn liên tục uy hiếp vợ, buộc cô không được ly hôn, nếu không muốn không thể gặp con cái. Tuy nhiên, trái với ý định của anh ta, Hoàng Diệc Mai cho biết cô sẽ kiên quyết ly hôn, và bày tỏ thêm rằng quyền nuôi con chắc chắn cô cũng giành được.
Hành động của Hoàng Diệc Mai được khán giả đánh giá cao, khiến nhiều người làm vợ, người làm mẹ nghẹn ngào. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, Hoàng Diệc Mai cũng luôn muốn bước ra cuộc hôn với trọn vẹn quyền nuôi dưỡng con cái. Cô cũng hiểu rằng, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà cha mẹ không hạnh phúc, suốt ngày tranh cãi thì chỉ ảnh hưởng đến tương lai và sự phát triển tâm lý của con.
Có lẽ so với việc tổn thương tâm lý do bất hoà với chồng thì sự phát triển của con và tâm lý của trẻ mới là điều mà những người làm mẹ như Hoàng Diệc Mai để tâm nhất. Bởi với họ, nhìn thấy con trưởng thành bình an đáng giá hơn bất kỳ niềm hạnh phúc cá nhân nào.
Dưới phần bình luận, rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự đồng cảm với quyết định này của Hoàng Diệc Mai. Họ cho rằng, Hoàng Diệc Mai không chỉ là một người phụ nữ tự chủ mà còn làm tốt cương vị của người mẹ:
- Đúng rồi. Lúc mình chuẩn bị ly hôn chồng như Hoàng Diệp Mai, hai bên xung quanh mình can ngăn nhiều lắm. Nhưng mỗi lần nhớ lại ánh mắt xót xa của con khi nhìn hai cha mẹ cãi nhau, mình lại thấy lựa chọn của bản thân vô cùng đúng đắn. Mình ly hôn không chỉ để tìm tự do cho bản thân mà quan trọng nhất là để con gái được trưởng thành trong môi trường hạnh phúc.
- Dù bất cứ lý do nào, bạn cũng không được lấy con cái để làm lý do níu kéo tình cảm giữa 2 người.
- Chỉ có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ cãi nhau như cơm bữa, mới hiểu quyết định ly hôn của Hoàng Diệc Mai đúng đắn như thế nào.
- Đôi khi điều trẻ con cần không phải là cha mẹ ở cạnh nhau, mà là mỗi người đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đang truyền tay nhau phân cảnh phim ghi lại cách Hoàng Diệc Mai lý giải về chuyện ly hôn của cha mẹ đầy tinh tế với con gái 4 tuổi. Lời nhắn nhủ này của Hoàng Diệc Mai nhận được nhiều lời khen vì vừa lý giải theo chiều hướng tích cực về cách hai cha mẹ rời xa nhau, đồng thời nhắn nhủ con: Ly hôn hay sự chia xa không bao giờ là sự thất bại của cuôc đời.
Cụ thể, Hoàng Diệc Mai gửi gắm đến con gái: "Tiểu Sơ, lần đầu tiên con nghe thấy hai chữ 'ly hôn' này là khi vừa tròn 4 tuổi. Rất nhiều người khuyên mẹ đừng để con hiểu về thế giới của người lớn quá sớm. Nhưng mẹ lựa chọn cách thẳng thắn với con, hy vọng con có thể cùng mẹ đón nhận sự thay đổi của cuộc sống.
Mỗi người có một định nghĩa khác nhau cho 2 từ này. Mẹ cho rằng 'ly hôn' chỉ là điểm dừng cho một mối quan hệ, chứ không phải là sự thất bại trong cuộc đời. Cuộc đời của chúng ta chỉ là những thoáng qua vội vàng của thế giới này. Tất cả đều sẽ có điểm kết thúc, mới khiến chúng ta hết lòng trân trọng những gì trước mắt.
Con gái yêu quý của mẹ, đừng sợ. Mọi sự ly biệt đều là vì chúng ta đã từng gặp gỡ".
Lớn lên trong gia đình có bố mẹ xung đột nhau ảnh hưởng đến con cái như thế nào?
Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) lý giải: Gia đình là cái nôi sinh ra những nét tính cách sau này của trẻ.
Nếu bầu không khí trong gia đình có nhiều sự tích cực như các thành viên lắng nghe lẫn nhau, cười nói vui vẻ, hạnh phúc, nâng đỡ cảm xúc mỗi ngày… sẽ giúp trẻ có được sức khỏe tinh thần tốt làm nền tảng xây dựng các tính cách như tự tin, dám bộc lộ chia sẻ bản thân hoặc xử lý tình huống phù hợp, cũng như xây dựng được nhiều niềm tin lành mạnh về cuộc sống. Ngược lại, nếu như bầu không khí gia đình có nhiều sự tiêu cực như thành viên đánh nhau, chửi nhau, mâu thuẫn, phán xét đánh giá… sẽ khiến cho trẻ bị tổn thương cảm xúc xã hội. Trẻ cảm thấy gia đình là một nơi không an toàn, trẻ xuất hiện sự thu mình né tránh tại trường lớp, đặc biệt trẻ có thể sẽ bắt chước cách xử lý tình huống bằng bạo lực, đánh nhau để xử lý tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Như vậy, việc bố mẹ hành xử với nhau trong cuộc sống cũng như xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Và nguy hiểm hơn nếu như để trẻ nhìn thấy cảnh bố mẹ có mâu thuẫn dẫn đến động tay chân sẽ tạo ra một tổn thương tâm lý vô cùng lớn trong quá trình phát triển của trẻ.
Để giúp trẻ vượt qua những vấn đề tâm lý, một trong hai bố mẹ cần ngồi nói chuyện với trẻ về những sự kiện đã diễn ra để trẻ hiểu trong cuộc sống ai cũng có những mâu thuẫn và chưa thấu hiểu nhau. Khi đó, bố mẹ cần chân thật nói với trẻ là bố mẹ đã sai khi sử dụng ngôn từ và hành động không phù hợp trong lúc tức giận, nói với trẻ có nhiều cách khác nhau để xử lý mâu thuẫn. Bố mẹ xin lỗi con và sẽ rút kinh nghiệm để bình tĩnh hơn trong những sự kiện sau này.
Khi bố mẹ nói chuyện với con về những phản ứng sai lầm của bản thân sẽ giúp trẻ phân định đúng và sai trong cách hành xử, từ đó trẻ không bắt trước hành vi bạo lực khi ra ngoài xã hội.
Nếu như trẻ bị tổn thương tâm lý quá sâu và bố mẹ chưa thể bình tĩnh được thì các nhà tâm lý khuyến nghị bố mẹ cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đưa trẻ đến gặp nhà tâm lý để được tham vấn và trị liệu tâm lý những tổn thương cảm xúc trẻ đang có.
- Bước 2: Bố mẹ cần được đi tham vấn tâm lý hôn nhân gia đình để mối quan hệ của bố mẹ được hàn gắn và hòa hợp hơn trong cuộc sống, bố mẹ học cách xử lý tình huống khi có mâu thuẫn.
- Bước 3: Bố mẹ cần nói chuyện thường xuyên với con hơn để mối quan hệ bố mẹ và con cái được gần gũi, các thành viên trong gia đình lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
- Bước 4: Gia đình cần xây dựng những ký ức hạnh phúc bên nhau thay thế những ký ức đau buồn đã diễn ra. Trẻ cần có được những ký ức vui vẻ bên gia đình để xây dựng nền tảng tâm lý vững vàng vậy nên bố mẹ cần chủ động tạo ra các hoạt động chung với nhau như đi du lịch, nấu ăn cùng nhau, trải nghiệm cuộc sống cùng nhau…
Theo Nguyệt (Phụ Nữ Mới)