Trailer bộ phim 'Hai Phượng' Tác phẩm hành động mới của đả nữ Ngô Thanh Vân. Cô đóng chính với vai bà mẹ có con gái bị bắt cóc.
Trong Hai Phượng, nhân vật chính cùng tên (Ngô Thanh Vân) là một nữ giang hồ đã xa rời khỏi chốn đô thị sôi động. Sống một mình cùng cô con gái Mai (Cát Vy) tại vùng quê sông nước Cần Thơ, cô chuyên nhận đi đòi nợ thuê để kiếm sống qua ngày.
Một ngày nọ, trong lúc hai mẹ con còn đang hiểu lầm nhau tại khu chợ trong vùng, bé Mai bị kẻ xấu bắt cóc. Thân cô thế cô, nhưng với tấm lòng thương con vô bờ, Hai Phượng quyết tâm lao vào chuyến hành trình đầy gian khổ để tìm lại con mình, bất chấp vô số nguy hiểm, cạm bẫy đang chờ đợi mình phía trước.
Hai Phượng sở hữu mô-típ câu chuyện nhân vật chính truy tìm người thân bị bắt cóc rất quen thuộc và phổ biến. Khán giả thể có thể dễ dàng kể tên nhiều tác phẩm chất lượng mang nội dung tương tự như Man on Fire (2004), Taken (2007), The Man from Nowhere (2010) hay Paradox(2017).
Cốt truyện đơn giản, dễ đoán
Mở đầu bộ phim, nhân vật chính Hai Phượng được giới thiệu đến cho khán giả một cách ấn tượng. Cô sớm thể hiện cá tính mạnh mẽ, dứt khoát thông qua phong cách đòi nợ của mình.
Sau khi khiến khán giả vừa phấn khích, vừa tò mò, bộ phim mới bắt đầu đi sâu hơn vào câu chuyện của hai mẹ con Phượng - Mai, giúp người xem hiểu hơn về hoàn cảnh nhân vật.
Sau đó, cao trào chính của tác phẩm nhanh chóng diễn ra. Bé Mai bị những kẻ lạ mặt bắt cóc trước sự bàng hoàng của mẹ đẻ. Từ lúc này, bộ phim tập trung vào mạch truyện chính: hành trình đi tìm con gái của Hai Phượng, với tiết tấu gấp gáp, khẩn trương được duy trì từ đầu đến cuối.
So với các tác phẩm cùng loại của nước ngoài, câu chuyện trong Hai Phượng được chủ động xây dựng đơn giản, gọn gàng. Hành trình điều tra, khám phá ra đường dây buôn bán trẻ em, cũng như tung tích của kẻ thủ ác, được tiết chế và đơn giản hóa hết mức, đổi lại thời lượng cho phần hành động.
Điều đó giúp khán giả có thể dễ dàng theo dõi và nắm bắt bộ phim mà không cần suy tư, động não. Song, cũng chính lựa chọn nghệ thuật có phần an toàn ấy khiến Hai Phượng không có điểm nhấn mới mẻ, nổi bật riêng về mặt nội dung nếu đem so sánh với các tác phẩm cùng đề tài. Tác phẩm cũng vì thế mà trở nên đơn điệu và thiếu đi yếu tố bất ngờ.
Hành động mãn nhãn, kịch tính và bạo liệt
Như trailer đã gợi ý, điểm nhấn đáng nhớ nhất của Hai Phượngchính là phần hành động đầy ấn tượng, với trung tâm là “đả nữ” Ngô Thanh Vân.
Bộ phim có nhiều phân đoạn hành động dài hơi, xuất hiện liên tục với cường độ cao. Hầu hết phân cảnh hành động đều có thời lượng lớn, tiết tấu nhanh, gấp gáp, giúp tạo mức độ kịch tính cần thiết cho từng phân cảnh.
Hàng loạt pha hành động trong phim cho thấy sự đầu tư công phu. Khán giả được chiêu đãi những đòn đánh nhanh, hiểm, thông qua nhiều góc máy khác nhau và lối cắt dựng nhanh, chuyển cảnh hợp lý. Thủ thuật quay chậm hay rung lắc máy quay để tạo hiệu ứng gần như không được áp dụng trong phim.
Đạo diễn Lê Văn Kiệt và chỉ đạo hành động còn dày công xây dựng nhiều phân cảnh hành động với bối cảnh đa dạng, phong phú, cũng như cho nhân vật sử dụng nhiều loại vũ khí hỗ trợ khác nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ và bạo liệt cho từng phân cảnh.
Như trong trường đoạn mở màn, Hai Phượng sử dụng một viên gạch để dằn mặt con nợ. Rồi khi giao chiến với Trực (Phạm Anh Khoa) trong xưởng sửa chữa xe máy, bộ đôi lại lợi dụng các loại phụ tùng, đồ nghề sửa chữa xe. Hay cho đến những trận chiến cuối cùng, nhiều vũ khí mang tính sát thương cao như mã tấu, rìu, búa… đều lần lượt xuất hiện.
Không chỉ đem đến phong cách đa dạng cho mỗi phân đoạn hành động, đoàn làm phim còn liên tục thay đổi bối cảnh cho mỗi trường đoạn để tăng mức độ giải trí. Đó là cuộc rượt đuổi kịch tính bằng xe máy và xuồng máy tại khu miền Tây sông nước, hay những trận đấu tay đôi ở khu căn hộ u ám, chật chội giữa Sài Gòn, hoặc chuyến tàu hỏa định mệnh ở cuối phim.
Để đem đến yếu tố hành động chất lượng đến thế, không thể không nhắc tới công của đội ngũ kỹ thuật. Hai Phượng sở hữu phần hình ảnh và quay phim rất tốt, với nhiều góc máy linh hoạt giúp đem đến hàng loạt khung hình rực rỡ, đa sắc thái, giúp thể hiện rõ nét đặc trưng của bối cảnh.
Nếu bối cảnh miền Tây sông nước ở Cần Thơ hiện lên thanh bình, nhiều màu sắc tươi tắn, thì mảnh đất Sài Gòn phức tạp, nhiều cạm bẫy lại hiện lên thông qua những con hẻm chật chội, bí bách, với hiệu ứng ánh sáng là những gam màu tương phản mạnh trong cùng một khung hình, giúp tạo ra cảm giác căng thẳng, cân não cho cả nhân vật lẫn người xem.
Âm thanh trong phim góp công lớn khi góp hiệu ứng cho từng đòn đánh. Còn âm nhạc của Hai Phượng không quá đa dạng, chủ yếu là những gia điệu mạnh giúp kích thích bầu không khí khẩn trương.
Những điều còn gây tiếc nuối
Kịch bản của Hai Phượng tỏ ra tương đối nghèo nàn, khi các yếu tố điều tra, truy tìm tung tích kẻ thủ ác của nhân vật chính được đơn giản hóa một cách thái quá. Hành trình tìm con của Hai Phượng gặp khó khăn chủ yếu ở phần hành động. Còn về mặt điều tra, cô liên tục dễ dàng lần ra các đầu mối rời rạc bởi chúng được biên kịch sắp đặt một cách lộ liễu.
Chính sự nghèo nàn về chi tiết ấy càng khiến cho những lỗ hổng về mặt logic trong kịch bản của Hai Phượng bị lộ rõ. Hai Phượng có thể nhanh chóng truy ra, hay thậm chí tiêu diệt, cả một đường dây buôn người quốc tế chỉ trong một đêm. Cô tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều so với cả một ban chuyên án đã mất ba năm ròng rã để điều tra đối tượng.
Ngoài ra, khả năng đánh đấm của Hai Phượng cũng được nâng tầm lên hơi quá, hay với khán giả khó tính có thể cho là phi lý. Bà mẹ tìm con có thể sẵn sàng chạy nhảy, tả xung hữu đột liên tục không ngừng nghỉ, dù vừa bị thương nặng hay trải qua hoàn cảnh thập tử nhất sinh, mà chẳng cần nghỉ ngơi hay hỗ trợ quá nhiều.
Sự nghèo nàn trong kịch bản phim còn thể hiện qua việc xây dựng hoàn cảnh và cá tính của các nhân vật phụ trong phim, đặc biệt là ả trùm Thanh Sói (Trần Thanh Hòa) và cảnh sát Lương (Phan Thanh Nhiên).
Được miêu tả là nhân vật vừa tàn bạo, vừa có đầu óc, nhưng xuyên suốt bộ phim, ngoài khả năng đánh đấm ác liệt ra, Thanh Sói chẳng thể hiện được chút “đầu óc” nào cả. Ả chỉ mang đến vài câu thoại nhạt nhẽo, cùng tính cách “quân tử tàu” nửa vời.Sự nghèo nàn trong kịch bản phim còn thể hiện qua việc xây dựng hoàn cảnh và cá tính của các nhân vật phụ trong phim, đặc biệt là ả trùm Thanh Sói (Trần Thanh Hòa) và cảnh sát Lương (Phan Thanh Nhiên).
Nhân vật cảnh sát Lương của nam diễn viên Phan Thanh Nhiên còn để lại nhiều nuối tiếc hơn. Tuy được giới thiệu là anh cảnh sát tài giỏi đã theo dõi chuyên án nhiều năm, nhưng từ đầu đến cuối, Lương gần như không thể hiện được vai trò nào cụ thể.
Nhân vật của Phan Thanh Nhiên lúc nào cũng mơ hồ, nhạt nhòa, với hành tung và hành động bất ổn. Lúc thì anh là vị cứu tinh đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống một cách bí ẩn, để rồi sau đó lại chỉ biết chạy theo sau nhân vật chính Hai Phượng đầy thụ động.
Mới lúc trước, Lương còn bảo Hai Phượng chính là mắt xích quan trọng nhất của chuyên án và hỗ trợ cô truy đuổi kẻ thủ ác. Nhưng ngay sau đó, anh lại bèn bảo bà mẹ đơn thân rằng hãy dừng lại để mình “gọi hỗ trợ” cho đỡ nguy hiểm.
Phần trình diễn của dàn diễn viên cũng còn nhiều điều đáng bàn. Là diễn viên chính gánh vác cả tác phẩm, Ngô Thanh Vân thể hiện rất thuyết phục mảng hành động của nhân vật chính, với khả năng thực hiện các cảnh hành động nhanh, mạnh, quyết liệt.
Tuy nhiên, về mảng diễn xuất, cô không đem tới điều gì quá mới mẻ. Xuyên suốt bộ phim, Ngô Thanh Vân thường xuyên duy trì nét mặt căng thẳng, và thiếu đi những nét biểu cảm cần thiết để miêu tả cảm xúc và hoàn cảnh của nhân vật vào từng thời điểm cụ thể. Biểu cảm của nữ diễn viên chủ yếu chỉ là các cảnh la hét, cùng một vài phân đoạn khóc lóc hơi gượng ép.
Với Phan Thanh Nhiên, anh dường như sở hữu ngoại hình không mấy phù hợp với hình tượng nhân vật cảnh sát Lương. Thêm vào đó, diễn xuất của tài tử còn cứng nhắc, thiếu tự tin và tự nhiên. Hậu quả là bản thân nhân vật đã nghèo nàn lại càng trở nên yếu kém.
Một cách vô tình, các nhân vật phụ của Hai Phượng tuy có thời lượng xuất hiện ít hơn hẳn nhưng lại để lại ấn tượng tốt hơn nhờ nét diễn xuất tự nhiên, hợp vai từ ngoại hình cho đến cá tính nhân vật, như Cát Vy trong vai bé Mai hay Phạm Anh Khoa trong vai Trực.
Nhìn chung, Hai Phượng là tác phẩm đáng chú ý của điện ảnh Việt trong đầu năm 2019. Đạo diễn Lê Văn Kiệt đã đem đến cho khán giả một xuất phẩm hành động thuần túy với kỹ thuật sản xuất được đầu tư bài bản, chất lượng, cùng phần hành động kịch tính và bạo liệt. Dẫu vẫn còn những thiếu sót ở khâu kịch bản và diễn xuất, đây vẫn là bước đi đáng cổ vũ của các nhà làm phim Việt.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Hạ Tuyết (Zing.vn)