Trong cuộc trò chuyện gần 3 giờ đồng hồ với PV Tiền Phong , ông Cao Dương, Giám đốc công ty Cổ phần nghệ thuật giải trí Hoa Dương, nhiều lần bày tỏ sự thán phục trước thành công của các concert Anh trai.
Ông Cao Dương cho hay làn sóng concert của Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai khiến những người làm nghệ thuật, nhà sản xuất phải thức tỉnh.
Đây là điểm sáng trong bối cảnh các chương trình ca nhạc gần như ngủ đông, đặc biệt giai đoạn cuối năm. Thời điểm này những năm trước, có khoảng 8-10 chương trình ca nhạc ở Hà Nội. Năm nay hầu như vắng bóng.
Các đêm nhạc truyền thống dần thưa vắng vì không có sự mới lạ, đầu tư quá nhiều tiền vào sự kiện, khán giả đòi hỏi nghệ sĩ nổi tiếng, kèm theo âm thanh, ánh sáng hoành tráng…. Trong khi doanh thu chỉ trông chờ vào vé.
Nhiều nhà sản xuất tự lừa dối bản thân, thổi phồng qua truyền thông về chương trình thành công, bán hết vé. Sự huyễn hoặc kéo theo nhiều hệ lụy, điển hình là việc nghệ sĩ tăng giá cát-xê. Nhiều nhà sản xuất lỗ nặng, thậm chí bán nhà. Đó là lý do họ không làm nữa, chẳng có nguyên nhân nào khiến họ dừng sản xuất, tổ chức các đêm nhạc nếu nó mang lại lợi nhuận, thành công.
“Trước khi show Anh trai diễn ra, cách làm truyền thống đã thất bại rồi, không bán được vé nữa. Đây là cơ hội để họ thức tỉnh, phải làm mới và thay đổi chính mình. Làm nghệ thuật cần nhìn nhận thời cuộc, không thể bảo thủ, hãy xem khán giả cần gì”, ông Cao Dương nói.
"Thứ họ mang đến không chỉ là bài hát, là vũ đạo đơn thuần, nó còn là khoảnh khắc. Khán giả đến concert Anh trai để kết nối cảm xúc, chương trình khiến họ thổn thức", ông Cao Dương nói.
Công thức concert Anh trai
Theo ông Cao Dương, thành công của concert Anh trai đáng để học hỏi. Họ sản xuất chương trình hoành tráng, kết hợp yếu tố nghe, nhìn. Nếu không có hai chương trình này, thị trường âm nhạc, nghệ thuật trong nước khá trầm lắng.
Con số truyền thông về các concert Anh trai, đối với Việt Nam là một hiện tượng. Trong bối cảnh nhiều show diễn có sự tham gia của ngôi sao lớn trong nước, quốc tế phải hủy. Vì sao? Chỉ có thể giải thích vì số lượng vé bán ra không đảm bảo doanh thu. Vậy tại sao concert Anh trai thành công? Nếu chỉ đơn thuần là đêm nhạc của 30 nghệ sĩ, có thể thất bại.
“Tôi nghĩ họ có công thức để thành công. Họ lắng nghe nhiều từ quốc tế, những quốc gia có nền công nghiệp giải trí thực sự. Họ có ý tưởng, tầm nhìn và sự đầu tư. Họ có các nhà bảo trợ, thẩm định được chương trình. Các nghệ sĩ gắn kết như một gia đình, họ hào hứng, nhiệt huyết để chinh phục khán giả.
Bản chất các concert có xuất phát điểm từ game show truyền hình. Các nghệ sĩ gắn bó thời gian dài nên tạo hiệu ứng và sự ăn ý. Vẫn là Tự Long, Tiến Đạt, Tuấn Hưng, Đăng Khôi… con người cũ nhưng kể câu chuyện mới. Tôi thực sự khâm phục và hâm mộ những gì Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai đã làm được”, ông Cao Dương nói.
Ông Cao Dương phân tích các concert Anh trai đổi mới cách làm thay vì tổ chức sự kiện âm nhạc truyền thống. Họ thay đổi cách kể chuyện, lời bài hát cũ nhưng cách truyền tải mới. Họ mang đến cho khán giả bữa tiệc âm thanh, ánh sáng hoành tráng, cách biểu diễn mới lạ.
Thứ họ mang đến không chỉ là bài hát, là vũ đạo đơn thuần, nó còn là khoảnh khắc. Khán giả đến concert Anh trai để kết nối cảm xúc, chương trình khiến họ thổn thức.
Theo ông Cao Dương, sự thành công của các concert Anh trai được ghi nhận một khách quan, chứ không phải chỉ là những con số phông bạt. Tỷ lệ khán giả phong trào có nhưng từ phong trào thành thói quen. Họ hưởng ứng tín hiệu tích cực từ chương trình mới tạo được làn sóng ồ ạt như vậy.
Góc khuất những ‘ông lớn’ sau những concert trăm tỷ
Ít ai biết giám đốc của công ty Cổ phần nghệ thuật giải trí Hoa Dương xuất thân là diễn viên chèo. Ông từng ghi dấu ấn qua một số bộ phim như Làng ven đô, Miền quê thức tỉnh…
Khi sự nghiệp khởi sắc, ông chuyển hướng làm ông bầu và thành lập công ty giải trí. Theo ông Cao Dương, đó là bước ngoặt có tính quyết định trong sự nghiệp của mình.
Hiện tại, Hoa Dương gây dấu ấn với sản phẩm Xuân phát tài và là công ty quản lý của nhiều nghệ sĩ có tiếng như NSƯT Thái Sơn, Trung Ruồi, Cường cá…
Được xem là “ông lớn” của giải trí phía Bắc, ông Cao Dương bày tỏ khao khát tổ chức những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Cao Dương đồng cảm với những khó khăn mà BTC concert Anh trai đối diện.
“Để xây dựng một chuỗi chương trình dài hơi, hoành tráng như vậy, thực sự là bài toán khó với nhà sản xuất. Tôi nghĩ họ đều là những người có tinh thần thép, dám nghĩ, dám làm. Họ phải đầu tư, tính toán rất nhiều, thậm chí đối diện rủi ro. Khi thành công, khán giả hầu như chỉ nhớ đến nghệ sĩ biểu diễn nhưng thất bại họ sẽ kết tội nhà sản xuất”, ông Cao Dương chia sẻ.
Người đứng đầu Hoa Dương dẫn chứng dù có kinh nghiệm sản xuất hàng ngày và 15 năm làm Xuân phát tài, ông vẫn nhiều đêm thức trắng vì trách nhiệm, sự nhiệt huyết dành cho mỗi chương trình của mình.
“Tôi có thể mời thêm một số ca sĩ đến đêm nhạc nhưng ca sĩ không mời tôi làm chương trình sản xuất cho họ. Cuối cùng, hay hay dở, ai là người sản xuất, quản lý nghệ sĩ của chương trình đó. Các vấn đề bản quyền, trang phục, truyền thông… Trách nhiệm lớn nhất thuộc về tôi. Vì vậy, tôi hiểu những trăn trở, khó khăn mà các nhà sản xuất chương trình thu hút hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn khán giả phải đối diện. Nhà sản xuất chịu nhiều thiệt thòi mà đôi khi họ chẳng thể chia sẻ với ai, không ai thông cảm cho mình”, ông Cao Dương bày tỏ.
Ông Cao Dương đặt vấn đề tại sao phải mời nghệ sĩ Hàn Quốc hay quốc tế, hãy nghĩ nghệ sĩ Việt cũng làm được như thế. Ông cho rằng cần tôn vinh và trân trọng những đơn vị làm nên thành công của các chương trình Anh trai. Họ đang thực hiện sứ mệnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa nước nhà.
Theo ông Cao Dương, các chương trình Anh trai sẽ trôi vào quên lãng nếu không làm tiếp và áp lực phải làm tốt hơn những lần trước.
“Thành công ở những chương trình trước không cho phép họ làm ẩu, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng các chương trình sau thường tương đương hoặc không hay là bình thường, chứ xuất sắc hơn là không có. Bởi khán giả quen với cảm xúc đã có, dần nhàm chán. Vì vậy, gánh nặng lên BTC cao hơn, không quá khó với họ, nhưng khó với khán giả. Ai cũng là giám khảo, ai cũng được bình phẩm, comment công khai trên mạng xã hội…”, ông Cao Dương nói.
Ông Cao Dương nhận định các chương trình Anh trai nở rộ sẽ đi đến giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, thứ mà nhà sản xuất có được là thương hiệu. Từ đó, họ có thể xây dựng những chương trình, dự án mới cũng như thu hút được các nghệ sĩ thực lực.
“Rất khó để đưa concert Anh trai đi các tỉnh thành. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng chương trình lan tỏa và được tổ chức ở nhiều địa phương. Đây là sự kiện văn hóa, giải trí thành công khi thu hút được số đông khán giả. Cần tôn vinh để động viên họ, làm những tốt hơn, hay hơn”, ông Cao Dương nhấn mạnh.
Theo Đỗ Quyên (Tiền Phong)