"Hoa Hồng Trên Ngực Trái" (HHTNT) - bộ phim truyền hình đang làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ đang dần đi đến hồi kết, với những cú twist ngày càng khó lường, thậm chí là... khó chịu. Như trong tập mới nhất (45), khán giả đã được chứng kiến một trong những tình huống như vậy.
Tình huống gây khó chịu ở đây là phân đoạn Thái (Ngọc Quỳnh) chọn cách hiến tim cho con gái để cô bé duy trì sự sống. Câu chuyện nghe thì tưởng nhân văn, nhưng lại khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về tính hợp lý. Liệu có hợp lý không khi để một người lớn hiến tặng tim cho một đứa trẻ (Bống trong phim mới chỉ 10 tuổi)? Và liệu có hợp lý không khi người lớn ấy lại còn là một bệnh nhân ung thư tiền giai đoạn cuối?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời.
Người ung thư liệu có thể hiến tạng?
Theo trang Oncolink - website đầu tiên trên thế giới cung cấp thông tin về ung thư, tạng để hiến có 2 loại: từ người sống, và từ người đã khuất. Một người đang sống có thể hiến thận, một phần lá gan, tụy, phổi, hoặc ruột - những bộ phận không gây ảnh hưởng đến chức năng sống của họ. Còn trường hợp người hiến đã qua đời, mọi bộ phận trên cơ thể đều có thể sử dụng, miễn là phù hợp.
Với bệnh nhân ung thư, về cơ bản thì không phù hợp để trở thành đối tượng hiến tạng sống. Tuy nhiên các bác sĩ cũng sẽ phải đánh giá từng trường hợp: phần tạng hiến có chịu ảnh hưởng từ quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe của người hiến liệu có đủ để tiếp tục sống sót sau khi hiến tạng... Quá trình đánh giá sẽ còn khắt khe hơn trong trường hợp bệnh nhân ung thư đã chết: về loại ung thư, bộ phận đã di căn, bộ phận có khả năng đã di căn...
Xét cho cùng, có thể thấy tạng của bệnh nhân ung thư vẫn có thể sử dụng trong nhiều trường hợp. Đối với HHTNT, nhân vật Thái bị ung thư dạ dày, nhưng nội tạng hiến đi là tim - bộ phận gần như rất khó xảy ra ung thư - nên hãy tạm cho trái tim của anh là an toàn để hiến đi.
Liệu người lớn có thể hiến tặng tim cho trẻ con?
Đây thực ra là một câu hỏi tương đối phức tạp. Theo Hari R. Mallidi, bác sĩ của bệnh viện Brigham (Mỹ), câu chuyện nằm ở vấn đề kích cỡ. Đa số các ca ghép, cơ thể của một đứa trẻ là quá nhỏ để chấp nhận tạng hiến từ người lớn và trẻ vị thành niên. Chỉ khi đứa trẻ phát triển trước so với tuổi và tạng hiến có kích cỡ nhỏ, việc ghép mới có khả năng xảy ra.
Câu chuyện hiến tạng cũng phải tuân theo rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Theo Jeffrey A. Sadowsky - bác sĩ tư vấn cho hệ thống y tế phi lợi nhuận Orlando Health của Hoa Kỳ thì trước khi ghép, đội ngũ bác sĩ phải xem xét nhiều yếu tố tương đồng: nhóm máu, thứ tự danh sách ghép, hệ miễn dịch của bệnh nhân, và đặc biệt về vấn đề người hiến là trẻ con hay người lớn.
Trong đó, câu chuyện người lớn hay trẻ em là khó khăn nhất. Ca phẫu thuật cho một đứa trẻ sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn nếu tạng ghép là từ một đứa trẻ khác. Điều này khiến cho lựa chọn khả thi bị bó hẹp, bởi đa số tạng hiến là từ người trưởng thành.
Cũng như Mallidi, bác sĩ Sadowsky cho biết có những trường hợp nội tạng của người lớn có thể ghép cho trẻ em, như thận hoặc một phần gan (khoảng 20% vì gan có thể tái tạo và tiếp tục phát triển qua thời gian). Có điều tim và phổi, chuyện "khớp" về kích cỡ là cực kỳ cần thiết, thế nên các ca ghép tạng liên quan đến 2 bộ phận này rất hiếm khi xảy ra giữa người lớn và trẻ em. Đó là chưa tính đến vấn đề giới tính - nam giới thường sẽ có trái tim lớn hơn, nên tỉ lệ khớp cũng sẽ càng khó hơn.
Nhưng hiếm không có nghĩa là không có, rủi ro cao hơn không có nghĩa là không thể. Trên thế giới, đã có một vài trường hợp bệnh nhân là trẻ em nhận được tim hiến tặng của người lớn. Ngay cả ở Việt Nam cũng từng thành công, như trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi) nhận được trái tim của bệnh nhân u gan 34 tuổi vào năm 2017, hay bé gái Hà Ngọc Chi (cũng 10 tuổi) được cấy ghép trái tim của một người đàn ông 37 tuổi.
Quay trở lại với HHTNT, chúng ta không nắm rõ tỉ lệ chênh lệch chính xác giữa Thái và Bống. Thế nên chuyện bố tặng tim cho con gái, dù chênh lệch rất lớn về độ tuổi lẫn giới tính, xét cho cùng vẫn có thể xảy ra. Và nếu dựa trên tình tiết phim khi nhân vật Bống bị đẩy vào cảnh hiểm nghèo chỉ vì một biến chứng phẫu thuật được đánh giá là rất hiếm (theo phim là vậy), thì chuyện gì mà chẳng làm được? Phim mà các bạn!
Theo J.D (Helino)