Sau thời gian dài mong ngóng, phim về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chính thức ra rạp. Trước đó, nhiều sự kỳ vọng được đặt để vào phim, tuy nhiên có vẻ ê-kíp đã mang đến cho khán giả bản phim không được như mong đợi.
Phiên bản 136 phút - Em Và Trịnh cho thấy một Trịnh Công Sơn gần gũi với những đắm say và bối rối đời thường. Ngoài thời trẻ, câu chuyện trong Em Và Trịnh có thêm tuyến nhân vật Michiko và Trịnh Công Sơn ở tuổi trung niên.
Nội dung dễ theo dõi, màu phim rất thơ
Em Và Trịnh như một cuốn băng đưa khán giả ngược về quá khứ để đắm chìm trong câu chuyện về tình yêu và lý tưởng của người nhạc sĩ tài hoa - Trịnh Công Sơn.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tình cờ nghe Michiko hát lại ca khúc "Diễm xưa". Chẳng biết vì mối duyên nào, đây lại là bài hát khiến Trịnh Công Sơn có dịp hoài niệm về mối tình đầu giữa ông và nàng thơ Bích Diễm.
Michiko vốn bước vào cuộc đời Trịnh Công Sơn một cách có chủ ý. Cô mong nhận được sự hỗ trợ của người nghệ sĩ tài hoa để hoàn thành luận văn nghiên cứu. Tuy nhiên, Michiko đâu ngờ, lần trải nghiệm này đã khiến trái tim chàng Trịnh một lần nữa thổn thức.
Thế là, câu chuyện về cuộc đời và tình yêu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiện lên một cách rất tự nhiên qua dòng ký ức của ông. Mà người khơi gợi chính là nghiên cứu sinh - cũng là nàng thơ mới của Trịnh Công Sơn - Michiko.
Em Và Trịnh còn được lồng ghép những tình huống hài hước rất đời, gắn liền với nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc của chàng Trịnh. Phim càng về sau càng buồn, đỉnh điểm là sự chia ly giữa các nhân vật, nỗi đau khi xa lìa người thương, dễ dàng lấy đi nước mắt của khán giả.
Bối cảnh và màu phim được nhào nặn dưới bàn tay Phan Gia Nhật Linh đã trở nên đẹp đẽ và dung dị hơn bao giờ hết. Không ngoa khi nói màu phim đẹp và bối cảnh được bày vẽ rất công phu là yếu tố quan trọng giúp Em Và Trịnh trở nên gần gũi hơn với người xem.
Khán giả có cảm giác như được sống cùng thời đại của nhân vật, được khẽ chạm tay, được sờ vào những phong thư, phím đàn, vuốt nhẹ cánh phượng đang bay trong gió. Hay thậm chí còn cảm nhận được sự ướt át của cơn mưa phùn, nét đượm buồn của vùng đất B'Lao nắng gió,...
Đây là Trịnh Công Sơn, nhưng cũng không phải Trịnh Công Sơn?
Đúng như hoài nghi của công chúng, sự thể hiện của các diễn viên trong Em Và Trịnh được đánh giá là chưa ấn tượng. Nói đúng hơn là không xứng với tầm vóc của một bộ phim về cuộc đời tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Đầu tiên phải kể đến diễn xuất của hai diễn viên thủ vai cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong đó, cả NSƯT Trần Lực và diễn viên trẻ Avin Lu đều diễn tròn vai, nhưng không khiến người xem cảm nhận được chút gì đó thân thuộc, hơi thở đậm chất nghệ sĩ của chàng Trịnh.
Cụ thể, diễn xuất của Avin Lu gây thất vọng khi gần như phá vỡ hình tượng hào hoa, lãng tử của người nghệ sĩ. Cách nam diễn viên thể hiện mang đến cho người xem một phiên bản Trịnh Công Sơn khá lạ lẫm.
Dường như, công chúng đang thưởng thức câu chuyện của một nhân vật xa lạ nào đó, chứ không phải Trịnh Công Sơn mà họ yêu mến.
Thậm chí, biểu cảm khi nhân vật Trịnh Công Sơn rung động lúc gặp gỡ các nàng thơ, được Avin Lu thể hiện trăm cảnh như một. Điều mà khán giả thấy chỉ là một chàng trai nào đó đang đờ đẫn, không nói nên lời khi trúng "tiếng sét ái tình", chứ không giống ánh mắt si tình đượm chất thơ như chàng Trịnh đã từng.
Diễn xuất của tuyến nhân vật “nàng thơ” là điểm sáng xuyên suốt Em Và Trịnh
Sự thể hiện của các diễn viên đóng vai nàng thơ trong đời Trịnh Công Sơn là điểm sáng trong Em Và Trịnh.
Mỗi diễn viên có cách thể hiện rất riêng, đúng với tính cách của các nàng thơ trong đời Trịnh Công Sơn. Ở đây, Phan Gia Nhật Linh đã rất mát tay khi tìm thấy dàn nữ chính vừa xinh đẹp, vừa tài năng trong Em Và Trịnh.
Chúng ta thấy một Bích Diễm rụt rè để che giấu sự nổi loạn bên trong do Lan Thy thể hiện. Cô cũng chính là mối tình đầu và là nguồn cảm hứng để chàng Trịnh thuở niên thiếu viết nên bài "Diễm xưa" huyền thoại.
Khán giả bất giác mỉm cười trước một Hoàng Hà (vai nàng thơ Dao Ánh) cởi mở, rạng rỡ như bông hoa hướng dương và cũng là mối tình khiến chàng Trịnh day dứt mãi về sau.
Còn Nakatani Akari lại mang đến một Michiko nhanh nhẹn, lễ phép và có phần bướng bỉnh như nhận xét của chàng Trịnh. Dù cô xuất thân là một Youtuber, không có quá nhiều kinh nghiệm về diễn xuất nhưng lại mang đến một phiên bản Michiko rất dễ chịu.
Đặc biệt, sự hóa thân vào danh ca Khánh Ly của Bùi Lan Hương nhận cơn mưa lời khen. Cô thể hiện đúng chất một ca sĩ đang cố gắng xây dựng cho mình vỏ bọc rắn rỏi để che giấu nội tâm yếu đuối, run rẩy bên trong. Theo đó, Bùi Lan Hương đã thể hiện đúng chất nàng thơ Khánh Ly của chàng Trịnh.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Phạm Quỳnh Anh với vai trò đặc biệt trong phim được đánh giá cao nhờ vẻ đẹp cổ điển và lối diễn xuất ấn tượng.
Quá nhiều điểm trừ cho một dự án về tượng đài âm nhạc Việt
Chuyến tàu du hành về miền ký ức của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sẽ hoàn hảo biết nhường nào nếu không tồn tại một số điểm trừ đáng tiếc.
Đầu tiên là về phần âm thanh, đặc biệt, giọng nói của một số nhân vật gây cảm giác không tự nhiên. Nhất là việc cố phát âm cho giống giọng Huế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Avin Lu và NSƯT Trần Lực thể hiện, khiến thoại phim trở nên khá nặng nề.
Phim có ý tứ đặt để những bản nhạc Trịnh theo cùng năm tháng, tương ứng với các giai đoạn trong đời chàng Trịnh. Tuy nhiên, việc lồng nhạc nhiều quá lại mất hay, vô tình biến phim về cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa trông giống một bộ phim âm nhạc đơn thuần.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép các tư liệu thời kháng chiến vào một số cảnh quay để nhấn mạnh nỗi đau thời cuộc được cho là không mượt mà.
Đây là điều có thể thông cảm, do các tư liệu về chiến tranh khó lòng tái hiện. Tuy nhiên, ê-kíp dường như quá tham lam khi sử dụng tư liệu khá nhiều.
Phim còn gây thất vọng với việc lạm dụng kỹ xảo, cụ thể là hiệu ứng chuyển động chậm quá nhiều. Điều này góp phần làm giảm tính chân thực của câu chuyện, vô tình đẩy khán giả ra xa Em Và Trịnh.
Cuối cùng, đoạn kết phim gây hụt hẫng khi thoáng nhắc đến người tình Hồng Nhung rồi kết thúc. Đến đây, người xem dễ trở nên thất vọng, bởi họ đã đồng hành cùng chuyến tàu ký ức hơn 130 phút, để rồi nhận lại đoạn kết như được làm cho có.
Nhìn chung, bản 136 phút về cuộc đời Trịnh Công Sơn - Em Và Trịnh là bộ phim dễ xem, đáng để dành thời gian chiêm nghiệm dù vẫn còn nhiều lỗ hổng đáng tiếc.
Phim phù hợp với những ai yêu mến âm nhạc và con người chàng Trịnh, lẫn những người chưa yêu nhưng lần đầu tìm hiểu về tượng đài âm nhạc rực rỡ này.
Theo Team Điện Ảnh (Saostar.vn)