Lưu Trọng Ninh không mời Hồ Ngọc Hà vì biết nữ ca sĩ bận rộn. Với trường hợp của Vi Cầm, đạo diễn cho biết gương mặt của cô chưa chắc phù hợp với phần 3 của "Hoa cỏ may".
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trò chuyện với chúng tôi về phần 3 phim Hoa cỏ may và sự chuyển mình của phim truyền hình thời gian gần đây:
- Hồ Ngọc Hà là đang gương mặt được chú ý của showbiz, nếu tham gia diễn xuất trong một bộ phim truyền hình, ắt hẳn sẽ được nhiều người quan tâm. Tại sao anh không quyết liệt mời Hồ Ngọc Hà tham gia "Hoa cỏ may" phần 3?
- Thực ra, tôi cũng rất muốn Hồ Ngọc Hà tham gia nhưng trong câu chuyện của tôi ở phần 2, nhân vật của Hà đã ra đi rồi. Lần này, tôi không muốn nhân vật đó quay về. Thêm nữa, Hà đang quá nổi tiếng, tôi nghĩ để tham gia một đoàn làm phim truyền hình phải sắp xếp được thời gian.
Tôi cũng có điện cho Hà để nói chuyện và hai anh em thông cảm cho nhau về việc tôi không mời Hà. Phần 3 này do chính Hà đề nghị làm đấy chứ! Hồ Ngọc Hà và Hà Anh bảo tôi là làm thêm phần mới đi. Nhưng ngân sách phim truyền hình đúng là hạn hẹp, để Hà bỏ mọi việc để ra đây suốt 4 tháng không phải chuyện đơn giản.
'Tôi không tin cứ phim ngày xưa là hay'
- Ngoài Hồ Ngọc Hà, sự vắng bóng của Vi Cầm – diễn viên được yêu thích nhất trong "Hoa cỏ may" phần 2 – cũng khiến nhiều người tiếc nuối. Lý do nào khiến anh mời một gương mặt mới đóng vai Na thay Vi Cầm?
- Vi Cầm có gương mặt xinh xắn, đáng yêu nhưng đến phần này, ở một lứa tuổi khác, tôi e là không còn hợp. Thêm nữa, tôi cũng là người ngạo mạn trong làm nghề, khi tôi đề nghị, ai chỉ cần chần chừ là tôi bỏ qua ngay.
Giống như trước đây tôi làm phim Bến không chồng, có diễn viên bảo phải đi nước ngoài, tôi đáp ngay “Anh không đóng thì tôi sẽ tự đóng lấy”.
Tôi cũng là người luôn luôn muốn thay đổi. Do vậy, nếu phần 3 mà toàn diễn viên cũ cũng không ổn và chưa chắc đã hay.
Lưu Trọng Ninh là đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng, cả điện ảnh lẫn truyền hình như Bến không chồng, Hoa cỏ may,... |
- Phần 1 và phần 2 của "Hoa cỏ may" từng gây sốt và trở thành kỷ niệm của nhiều khán giả truyền hình. Anh có nghĩ phần 3 sẽ được yêu thích tương tự như vậy?
- Tôi có niềm tin thế sau khi xem một số phim truyền hình, đó là dòng phim lãng mạn của phim truyền hình không nhiều. Với Hoa cỏ may, tôi chỉ kể những câu chuyện tình.
Dòng phim lãng mạn hay ở chỗ, ngay cả khi nói về dông bão nhưng đó vẫn là góc khuất thú vị. Tôi thuộc mẫu đạo diễn thích khai thác tâm lý hơn sự kiện, do vậy, càng có niềm tin phim sẽ được đón nhận.
Nhưng tất nhiên, tôi muốn thoát ra khỏi Hoa cỏ may ngày trước. Để thoát được, tôi phải làm nhiều thứ về hình ảnh, về kịch bản.
Ngoài Hoa cỏ may, tôi còn có Bến không chồng phiên bản truyền hình sắp lên sóng. Áp lực đối với những tác phẩm cũ của mình là có, áp lực vì không thể dẫm trên bước chân mà mình đã đi qua. Áp lực đó buộc tôi phải khai mở bằng hệ thống hình ảnh, nhân vật mới và phá tan tuyến nhân vật cũ.
- Anh đánh giá như thế nào về những gương mặt diễn viên mới của phần 3 so với phần 2?
- Họ đều mới khi đến với phim của tôi. Nhưng tất nhiên, phim ảnh ngày càng phát triển. Trước đây, chúng ta bằng lòng với kẹo bột, còn bây giờ sô-cô-la cũng chưa làm chúng ta hài lòng. Mọi người thường cho rằng cứ phim ngày xưa, phim cũ là hay. Tôi lại không tin như vậy.
Con người, điện ảnh, truyền hình, biểu cảm diễn viên cũng đã thay đổi mạnh mẽ theo thời gian. Chúng ta phải bắt kịp sự thay đổi đó.
Hoa cỏ may là bộ phim truyền hình đầu tiên của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ra mắt vào năm 2001. Phim kể về nhóm bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp. |
Cách mạng trong ngôn ngữ làm phim mới quan trọng
- Với 3 phần phim "Hoa có may", bộ phim này hẳn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp làm phim của anh?
- Thực ra tôi không đủ sự tin cậy để nói về chuyện này, nó sẽ đầy chủ quan. Nhưng Hoa cỏ may có lợi thế là tôi tự viết kịch bản. Kịch bản mình tự viết sẽ có điểm dễ hơn và không có chuyện mình viết cho xong nhiệm vụ.
Hoa cỏ may không chỉ là phim truyền hình đầu tay của tôi mà còn là phim truyền hình đầu tay về dòng phim lãng mạn. Tôi nhớ lúc đó, chúng ta vẫn quen với dòng phim hành động, chiến đấu. Khi Hoa cỏ may lên sóng, nhiều người đặt vấn đề về việc tại sao phim chỉ có tình yêu, quá nhố nhăng.
Tôi cũng được lãnh đạo Đài gọi lên để nói chuyện với một cách nghĩ mới về phim truyền hình. Hoa cỏ may đã cho thấy một cách hưởng thụ mới của người Việt vào thời điểm đó.
- Phim truyền hình miền Bắc thời gian gần đây được đánh giá là chuyển mình với những bộ phim gây bão như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng". Quan điểm của anh thế nào?
- Tôi không nghĩ đó là chuyển mình hay không chuyển mình. Tôi nghĩ đó là những bộ phim đã đánh đúng thị hiếu và sự tò mò của khán giả. Chuyển mình phải là chuyển về nghệ thuật, còn chuyển về đề tài, tôi không đánh giá quá cao.
Thêm nữa là tôi cũng ngại số đông vì số đông chưa chắc đúng. Tác phẩm nghệ thuật hay thường không đông người xem. Hai bộ phim kia, tôi không xem nên không thể đánh giá, nhưng tôi cũng sợ những bộ phim quá nhiều người xem như vậy.
Nhưng tất nhiên, phim ảnh giờ đã trở thành hàng hóa thực sự vì phải có khán giả mới có quảng cáo.
- Nhưng rõ ràng cách làm phim của "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" cũng đã khác. Phim được đầu tư về công nghệ hơn, thu tiếng đồng bộ, máy quay hiện đại?
- Tôi nghĩ đó chỉ là sự thay đổi về chất lượng máy quay. Về mặt hình ảnh chưa cách mạng dù âm thanh thì có. Nhưng quan trọng, trong phim ảnh, phải là cách mạng về ngôn ngữ làm phim.
Hoa cỏ may là bộ phim truyền hình đầu tiên của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ra mắt vào năm 2001. Phim kể về nhóm bạn trẻ lớn lên trong thời bao cấp. 7 người cả Nam lẫn Bắc, họ gặp nhau tại Hà Nội và lập nhóm "Hà Nội tụ nghĩa". Phim chia làm hai phần: phần một là Thời niên thiếu dài 4 tập, phần hai có tên Những ngày bình yên dài 7 tập. Phần 3 của Hoa cỏ may có tên là Dông bão. Nội dung phim khắc họa con đường dẫn đến thành công cũng như nguyên nhân thất bại trong sự nghiệp, tình yêu của các nhân vật như Thái, Na, Hùng, Thắng... Những nhân vật của phần trước sẽ đan xen với tuyến nhân vật mới. 39 tập của phần 3 Hoa cỏ may sẽ được phát sóng vào lúc 20h45 thứ hai, thứ ba, thứ tư hàng tuần trên kênh VTV1, bắt đầu từ ngày 11/10. |
Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)