"Trong sự nghiệp của tôi, những vai hay hầu hết đều ở sân khấu IDECAF trong các vở: Vàng hay bạc nhái, Bệnh sĩ, Trùm lừa, Ả cave nhà hàng Maxim, Thuyền tình, Tình gần, Trái tim trong trắng...
Sau này, ở sân khấu 5B và Phú Nhuận thì có: Sân ga tình người, Người vợ ma, Xóm trọ 3D, Oan gia... nhưng để tôi yêu thích, ấn tượng nhất thì phải nói tới vai thằng mõ Ham trong vở "Đứa con tiền kiếp", tác giả Phùng Cao Bảng, đạo diễn Nguyễn Xuân Phúc.
Không chỉ mình tôi thấy thế mà hầu hết mọi người, ngay cả anh Thành Lộc cũng công nhận và khẳng định điều đó. Tới bây giờ, khi nói chuyện với anh Lộc, anh vẫn nói như vậy", danh hài Minh Nhí mở đầu câu chuyện.
Trong sự nghiệp diễn xuất của mỗi người đều có những vai diễn để đời mà không ai dám "diễn lại" vì cái bóng của họ quá lớn.
Nhắc tới "Đứa con tiền kiếp", người ta nghĩ ngay tới Minh Nhí – Thanh Thủy. Vở diễn này đã làm nên tên tuổi của họ với hàng trăm suất diễn liên tục trong hơn chục năm trời, khắp các sân khấu phía Nam.
Vợ của mõ Ham (Thanh Thủy thủ diễn) bị kẻ xấu giở trò hãm hiếp. Trong lúc chống cự, vợ mõ Ham vô tình giết người. Mõ Ham (Minh Nhí đóng) bàn vợ bỏ xứ đi. Hai vợ chồng được ông thầy Nghè giúp, cho một số tiền đi đường. Sau này, hai vợ chồng mõ Ham ăn nên làm ra, tình cờ gặp lại thầy Nghè.
Lúc này vì sợ ông thầy Nghè tiết lộ quá khứ giết người nên vợ chồng mõ Ham ra tay "bịt đầu mối". Thầy Nghè chết, đầu thai thành đứa con của vợ chồng mõ Ham, quậy phá, rồi khai ra hết quá khứ của hai vợ chồng. Vợ chồng mõ Ham bị bắt vào tù, trả giá cho tội lỗi mà mình gây ra.
Tuy là một câu chuyện bi kịch nhưng qua diễn xuất của danh hài Minh Nhí và Thanh Thủy, vở diễn vừa hài hước, vừa nhân văn, khiến khán giả vô cùng thích thú. Khi nhắc tới vai diễn để đời này, danh hài Minh Nhí vẫn vô cùng xúc động!
Cát xê 20.000 đồng, bao Lý Hải, Cát Phượng ăn hết 10.000
Anh có quá nhiều vai diễn nổi tiếng được khán giả yêu thích, nhưng tại sao lại tự hào nhất với vai thằng mõ Ham trong "Đứa con tiền kiếp"?
Thứ nhất, đó là vai diễn thành công đầu tiên trong sự nghiệp của tôi, ngay sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Khi tôi diễn vai này, khán giả cười từ đầu cho tới lúc hết kịch, dù đó là một vai ác. Bởi tôi chọn khai thác nhân vật này theo lối "ác hài", giống như Tom và Jerry. Tom luôn tìm cách hại Jerry nhưng cuối cùng lãnh hết và người xem cười thích thú.
Thứ hai, "Đứa con tiền kiếp" là vở diễn... bách chiến bách thắng. Mới đầu, chúng tôi diễn ở sân khấu của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 rồi bung ra các trường đại học khác, các trung tâm, hiệp hội, các nhà văn hóa, sân khấu khác, từ 5B tới IDECAF, kịch Sài Gòn. Và diễn ở đâu thành công ở đó, cứ diễn là ăn khách.
Trong cuộc đời làm nghề của tôi, "Đứa con tiền kiếp" là vở được diễn nhiều nhất, không biết bao nhiêu suất, liên tục hơn chục năm liền. Và cũng từ vai này, khán giả yêu mến tôi và tôi có được những vai diễn để đời khác. Khán giả cũng như người trong nghề, khi nhắc tới "Đứa con tiền kiếp" là phải nhắc tới Minh Nhí – Thanh Thủy.
Hơn nữa, trước đó, cứ Tết là tôi về quê, nhưng năm đó cũng là năm đầu tiên tôi ở lại diễn "Đứa con tiền kiếp" và rất vui. Cát xê chỉ 20.000 đồng nhưng hăm hở lắm, 8 giờ tối diễn mà 4 giờ đã có mặt ở sân khấu rồi. Những suất diễn đầu chỉ có mười mấy hai chục khán giả nhưng vẫn diễn máu lửa.
Lãnh lương 20.000 đồng tôi mừng lắm. Lúc đó, một tô mì chỉ có giá 1.500 đến 2.000 đồng, tôi bao Lý Hải, Cát Phượng ăn xong còn 10.000 đồng cất đi.
Người ta bảo, mua vàng vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng thì vàng sẽ rủ vàng về, thế là tôi ra tiệm mua được 5 phân vàng từ tiền đi diễn. Cái nhẫn vàng mỏng dính, đeo cứ bị móp hoài. Rồi từ từ lên 1 chỉ, 2 chỉ... tới mua được cả miếng, cả miếng vàng.
Thật sự lúc đó, ba cái tên Minh Nhí – Thanh Thủy – Trung Dân chẳng phải là ngôi sao đình đám gì nhưng đêm nào diễn, khán giả cũng cười không ngớt. Diễn sung tới mức chính diễn viên cũng không nín cười được. Và vở diễn này được xem là "độc quyền" của Minh Nhí – Thanh Thủy nên sau này, không ai dám diễn lại.
Bị đồng nghiệp nói "giả bộ, yêu sách" khi bị bệnh
Trong tất cả các suất diễn "Đứa con tiền kiếp" suốt hơn chục năm, đêm diễn nào khiến anh không thể quên?
Thời điểm đó tôi vừa đi dạy vừa đi quay rất nhiều. Gần tới ngày diễn ở Nhà văn hóa Phụ nữ trên đường Lý Chính Thắng thì tôi bị tắt tiếng, nói không ra hơi.
Tôi nói với thầy Nguyễn Văn Phúc (đạo diễn Đứa con tiền kiếp) là mình bị bệnh, không diễn được. Mọi người tá hỏa. Thầy bảo tôi ráng nghỉ ngơi, dưỡng giọng vì hợp đồng đã ký, không ai thế được vai của tôi nên buộc phải diễn.
Hơn 7h tối hôm đó diễn thì khoảng 5h chiều, tôi đi bác sĩ, chích một mũi thuốc to như ngón tay. Tôi không biết trong đó là thuốc gì, chỉ nghe mọi người mách, chích mũi đó xong là sẽ nói được. Đúng là kỳ diệu, tối đó, diễn ngoài trời mà tôi nói sang sảng, như không hề bị khan tiếng trước đó. Khán giả cười rần rần.
Sau đó, thầy Phúc gọi tôi lên phòng nói chuyện. Thầy nói, thầy tin tôi bị bệnh thật nhưng tất cả những người khác không tin, họ nói tôi giả bộ, yêu sách. Rồi thầy bảo, nếu mình giả bộ, yêu sách thì không nên như vậy. Nếu mình bị thật thì... cũng thôi. Qua việc này, mình biết được là, phải khôn ngoan, đừng để người ta ghét, nói xấu mà ảnh hưởng tới cuộc đời, sự nghiệp.
Lúc đó tôi buồn lắm. Tôi nghĩ, mình hy sinh, mình cố gắng diễn để cho tất cả mọi người được diễn nhưng sau lưng, họ nói mình như thế. Họ không cám ơn vì mình đã hy sinh cho nghệ thuật.
Tôi buồn tới mức định không diễn "Đứa con tiền kiếp" nữa nhưng khi đưa vở diễn về IDECAF, 5B thì vì cái chung nên tôi lại làm. Trước nhất là vì thầy mình. Đây là vở thầy dựng, thầy sẽ được nở mặt nở mày và thầy cũng có một số tiền nhất định. Sau là vì mọi người, vì sân khấu đó nên tôi dẹp qua hết mọi cảm xúc cá nhân.
Nhưng sau đó, tôi rất dè dặt. Sau này, bị bệnh, tôi phải đưa giấy khám bệnh cho mọi người xem để khỏi ai nói gì. Bởi thời điểm đó, mình làm nhiều, ngủ ít, cổ họng tôi hay bị khan. Tới giờ, giọng tôi vẫn khan như thế.
3 lý do khiến sân khấu... khó hồi sinh
Như anh chia sẻ, "Đứa con tiền kiếp" ăn khách hơn chục năm liền, diễn hết sân khấu này đến sân khấu kia, hết trường Đại học này tới Đại học khác. "Tuổi thọ" của một vở diễn khi ấy quá dài, còn bây giờ, "vòng đời" của một vở kịch rất yểu. Có khi chỉ được vài suất đã phải dẹp. Anh có thể lý giải điều này không?
Theo tôi, có 3 nguyên nhân. Khách quan mà nói, giờ internet phát triển quá mạnh, có quá nhiều loại hình giải trí để xem.
Còn ngày xưa, khán giả sẵn sàng coi một vở mấy chục lần. Bản thân tôi vì quá thích Nghêu sò ốc hến của chị Thanh Kim Huệ và anh Thanh Điền mà đi coi tới hơn 50 lần. Tôi mê tới độ thuộc hết cả tuồng và nhạc. Kịch "Tấm Cám" của đoàn Huỳnh Long tôi cũng coi hơn 50 lần, nhớ từng diễn viên, từng điệu múa.
Nhưng giờ, khán giả không ai coi một vở tới chục lần. Họ yêu lắm cũng chỉ coi 2,3 lần rồi hỏi có tuồng mới không. Đó là nguyên nhân khách quan.
Nguyên nhân chủ quan là do chính người làm nghề. Ngày xưa, kịch bản rất hay, còn bây giờ, đề tài bị cạn, không sâu sắc. Các tác giả ngày xưa viết một kịch bản đạt tới 80, 90%, đạo diễn, diễn viên chỉ việc xử lý thôi vì lời lẽ, văn chương đã đầy đủ, sâu sắc cả rồi.
Còn bây giờ, kịch bản thường chỉ vài trang giấy. Diễn viên, đạo diễn vừa tập vừa phá. Lâu lâu có được một kịch bản chỉn chu thì cũng vẫn phải sửa rất nhiều.
Nguyên nhân thứ ba là tập tuồng. Ngày xưa, diễn viên tập luyện, nghiên cứu nhân vật rất đàng hoàng, để vừa có tính giải trí vừa có tính nghệ thuật. Mọi người tập tuồng cả tháng, chạy tới chạy lui cho nhuyễn, trên sân khấu diễn viên này tập, dưới mọi người xem rồi góp ý... rồi mới phúc khảo. Ai cũng làm việc nghiêm túc, "dễ dãi" một chút là bị nhắc nhở, góp ý ngay.
Còn bây giờ thì dễ dãi, qua loa, tập 3, 4 ngày ra một tuồng. Người này tập, người kia bấm điện thoại lướt facebook, chơi game, không hợp sức với nhau. Đi làm mà không ai tập trung.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Mọi người đổ công sức quá nhiều mà không thu hồi vốn thì cũng tội. Hồi đó, mọi người sống vì sân khấu và cũng chỉ có sân khấu còn bây giờ có quá nhiều loại hình giải trí nên nghệ sĩ phải chạy show.
Đặc thù sân khấu kịch phía Nam là các sân khấu theo diện xã hội hóa, vô tình điều này làm cho sân khấu kịch nói phía Nam bị... nhỏ lẻ. Chưa kể, vì sân khấu do nghệ sĩ mở ra nên phải tự sinh tồn, sự hỗ trợ của Nhà nước, ban ngành quản lý gần như không có. Nếu muốn hồi sinh sân khấu, thật sự là một 'bài toán khó'?
Rất khó. Thế hệ vàng ngày xưa, mỗi người một sân khấu nên bị phân tán, lực lượng bị mỏng đi. Chính vì sự phân tán này nên khó có thể làm nên kỳ tích cho sân khấu giống như thời hoàng kim.
Thực tế là, muốn gom dàn diễn viên trẻ đang hot về chung một sân khấu đã là điều bất cập. Các bạn trẻ sẽ không bao giờ làm điều đó. Các bạn đi gameshow, một số được mấy chục triệu, trong khi diễn sân khấu, tiền không bằng số lẻ nên chắc chắn không ai làm.
Với thế hệ vàng ngày xưa cũng thế. Tuy nhiên, mình không thể trách được. Thời buổi này, mỗi người một chí hướng, không thể ép mọi người vào một chỗ. Chỉ có thể kêu gọi từng sân khấu làm nghề cho đàng hoàng, cho hay thôi. Riêng sân khấu Minh Nhí, tôi luôn cố gắng làm hết sức, làm tất cả những gì tốt nhất cho nghệ thuật.
Về về nhà quản lý cũng rất khó cho họ, khi mà mạnh ai nấy mở sân khấu. Yêu cầu nhà nước hỗ trợ khó lắm. Cho người này thì phải cho người kia. Cho 10 sân khấu thì sẽ có 100 sân khấu mọc lên. Như vậy, tiền đâu mà nhà nước hỗ trợ. Cho nên không đòi hỏi được.
Nhà nước giúp được gì thì giúp, còn chúng tôi mở sân khấu thì phải tự lực cánh sinh, tự tính sinh tồn cho sân khấu của mình. Bản thân tôi cũng không đòi hỏi ai hỗ trợ.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Theo Cao Thanh Hương (Tổ Quốc)