Gây dấu ấn với hàng loạt vai phản diện trên màn ảnh, trong lần đầu hoán đổi làm ông bố hiền lành trên màn ảnh trong Sống chung với mẹ chồng, diễn viên NSƯT Trần Đức có cảm xúc khó tả.
Từng ghi điểm với những vai ác, phản diện nhưng lại nhận lời vào vai ông bố chồng điềm đạm có phần nhu nhược trong phim "Sống chung với mẹ chồng", lý do là gì, thưa ông?
- Thực ra làm nghề của tôi nhận vai nào đều do cảm nhận của đạo diễn. Theo đó có những người đã có sẵn mẫu nhân vật chỉ việc lắp ghép vào, đỡ phải lo diễn viên có làm tốt hay không, chứ nhiều diễn viên chúng tôi hay gọi đùa đạo diễn phải 'đẩy xe bò" vất vả lắm.
Tuy nhiên, với những đạo diễn muốn khám phá tìm tòi điều mới lạ sẽ tìm những mẫu nhân vật hoàn toàn mới. Ví dụ với tạo hình quen thuộc của mình tôi nên tham gia phim 'Người phán xử' nhưng nếu đạo diễn dùng lại sẽ như một tập khác của những bộ phim hình sự tôi từng đóng. Thay vào đó, đạo diễn Vũ Trường Khoa đã chọn tôi vào vai mới, mang đến cảm giác mới. Cũng như NSND Lan Hương, đó là sự thử nghiệm trái đi để mang đến cho khán giả cảm giác thích thú. Tôi nghĩ làm nghệ thuật cần phải như vậy để tạo ra những hiệu ứng mới.
NSƯT Trần Đức ngoài đời. |
Ông từng nói thèm được đóng vai thiện nhưng các đạo diễn không cho. Với vai diễn này chắc ông thấy thỏa mãn?
- Đúng vậy bạn ạ, khi đọc kịch bản tôi cảm thấy hứng thú ngay lập tức. Buổi đầu gặp đạo diễn tôi còn hỏi có tin tưởng vào tôi không? Và anh ấy nói hoàn toàn tin tưởng và khẳng định tôi sẽ thích nhân vật. Quả không sai, tôi rất thích thú dù nhân vật này chỉ đệm cho nhân vật mẹ chồng, không đóng vai trò lớn lắm.
Với tôi, có thể xem đây là sự thử sức để thể hiện sự đa chiều trong diễn xuất. Bây giờ bảo tôi vào vai ông nông dân chuyên cuốc mướn, cày thuê chắc không ai tin nổi. Đương nhiên, cực chẳng đã không có ai và đạo diễn mong muốn, mình sẽ có cách thay đổi hình thức và diễn xuất sao cho phù hợp. Tôi nghĩ không có nhân vật nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ.
Có phải việc hoán chuyển từ vai diễn ác, phản diện sang vai hiền lành với ông không phải là thách thức?
- Với tôi đó không phải thách thức mà là điều khiến mình phải luôn luôn tỉnh táo, cân nhắc trong mọi hành vi, cử chỉ. Hành động quát vợ, nổi nóng của một người đàn ông trong gia đình khác với sự nổi nóng của một đại gia, của bề trên với đệ tử.
Quát để vợ giận nhưng vẫn phải nghe bởi đằng sau đó chứa đựng tình yêu thương và thành ý. Thế nên, mọi cái cần làm đến độ, đầu luôn phải nghĩ bởi những ánh mắt, cử chỉ đã thành thói quen trong những vai diễn phản diện của tôi nếu không cẩn thận sẽ bị bộc lộ. Chỉ một ánh mắt nhưng có thể làm hỏng cả nhân vật.
- Bạn biết không, tôi còn đề nghị tác giả rằng nếu tôi có chút tình cảm gì với cô thư ký, yêu thương, quý mến ở cơ quan là điều rất bình thường. Thậm chí sớm một tý em sẽ là vợ của anh cũng không sao, nhưng tuyệt đối không có chuyện ngoại tình. Mặc dù trong kịch bản xuất hiện câu thoại có hơi hướng ngoại tình, tôi đã đề nghị không đưa vào.
Bởi tôi nghĩ, ông Phương chính là người giữ cân bằng cho cả gia đình, người mẫu mực, có chức quyền, cuộc sống phải giao du, yêu thương mọi người khi họ tử tế, nhưng không có nghĩa sẽ lén lút ngoại tình ở một khách sạn nào đó. Cô nhân viên cũng không phải người tình để mình qua lại vì vợ quái ác. Ông Phương không được phép như thế, có vậy mới ra một ông bố. Trong một gia đình hai người như bà Phương thực sự tan nát rồi.
NSND Lan Hương lúc nào cũng như sắp tăng xông
Trong phim, phân cảnh ông Phương phẫn nộ, lớn tiếng và định tát vợ gần như là tình tiết hiếm hoi về xung đột, căng thẳng của nhân vật. Cảnh quay ấy với ông có gì đáng nhớ?
- Đó là một cảnh quay rất khó bởi giữ làm sao để diễn đừng quá mới là điều quan trọng. Trong cuộc sống ai cũng có lúc phẫn uất khi mẹ mình bị xúc phạm. Người đàn ông nói vậy thôi chứ vẫn trọng mẹ hơn cả. Bạn đã nghe câu thoại trong phim rồi đấy, vợ không lấy người này thì người khác nhưng mẹ chỉ có một. Bởi vậy, nhiều người sẵn sàng đánh đổi, nhưng cũng không phải vì thế lấn át vợ và tôi cũng chỉ diễn trong khuôn khổ ấy.
Nghệ sĩ Trần Đức (trái) trong 'Sống chung với mẹ chồng'. |
Phân cảnh này tôi phải diễn đi diễn lại, bởi khi diễn thật chỉ một hành vi hơi quá cũng phải quay lại, có lần tôi còn bị tuột lời. Tình huống này đòi hỏi diễn viên phải nhập tâm tuyệt đối, vì thế toàn thân tôi cứ run lên, nóng bừng người đến nỗi quên lời. Khán giả xem vậy thôi chứ không hề đơn giản đâu, rất tiêu tốn sức lực của diễn viên. Bởi vậy, tôi đánh giá cao và ghi nhận thể lực của các bạn diễn như NSND Lan Hương, vai diễn ấy lúc nào cũng căng như sắp tăng xông đến nơi.
Ngoài đời, nhiều ông chồng cũng vì mẹ sẵn sàng đánh vợ. Nhưng có thể có cũng có thể không, vậy phải diễn thế nào để vừa đủ, có thể mắng vợ vì xúc phạm đến mẹ nhưng ông Phương là người có học, bộc phát phần người, giơ tay tát vợ nhưng vẫn kiềm chế, chỉ dọa thôi. Bởi có khi một cái tát vợ cũng tan một gia đình, và nếu tác phẩm có tình tiết này tôi cũng đề nghị không đánh, đó là hình ảnh phản cảm. Nghệ thuật cho phép điều đó nhưng phải tính toán làm sao để mang đến cho khán giả cảm giác đủ đầy.
Thường xuyên bị vợ lấn lướt, uất ức khi vợ láo với mẹ nhưng không dám ra tay... xét trên khía cạnh nào đó đây có phải vai diễn 'khổ' nhất về mặt tinh thần ông từng đóng?
- Thực ra cũng khộng đến nỗi như thế, ông Phương bận việc xã hội nên hầu như việc trong gia đình đều để vợ quán xuyến. Có người vợ chu đáo và cặn kẽ quá mức đôi lúc cũng khó chịu thật nhưng cũng phải bằng lòng vì ở đời có phải ai cũng lo lắng được cho chồng con thế đâu.
Vả lại, nhân vật bố chồng cũng không xuất hiện nhiều, chỉ khó những đoạn phải lắng nghe người khác để tán thưởng, hoặc đồng ý hoặc không, cùng với đó cũng không nói ra mà chỉ dùng ánh mắt. Điều đó đòi hỏi khả năng diễn xuất phi ngôn ngữ. Thực ra ông Phương đôi lúc rất ức chế khi mong muốn của mình không được toại nguyện, đã kiệm lời còn phải cảm thụ ý kiến người xung quanh.
NSUT Trần Đức nói có những cảnh quay xem lại thấy mồ hôi ướt sũng khiến ông giật mình. |
- Với tôi, mọi chuyện rất suôn sẻ tốt đẹp vì tôi tham gia vai diễn khá hạn chế trong khi các bạn diễn phải dãi dầu sương gió, nóng bức. Điều hoà tại trường quay cũng có mức, hơn thế tiếng gió lọt vào khi thu tiếng đồng bộ cũng không ổn. Nhân vật của tôi cũng thường quay những cảnh trong nhà, không đi đâu xa hay phải chịu đựng cái nắng.
Thế nhưng cũng không tránh khỏi những cảnh quay trong thời tiết khắc nghiệt. Nếu bạn để ý trên phim có đoạn đi ăn tiệc sinh nhật, tôi diễn mà mồ hôi ướt sũng áo. Xem lại cảnh ấy tôi thấy giật mình. Bởi vậy, người hoá trang phải liên tục chạy lại thấm mồ hôi, phẩy phấn bột để mặt không bóng.
Nhưng may mắn, được sự hỗ trợ rất tốt từ bộ phận hậu cần của đoàn làm phim, chúng tôi cũng cảm thấy được động viên an ủi và thoải mái khi được phục vụ rất chu đáo về ăn uống đến phục trang, đó là điều rất đáng khen.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Q.Anh (VietNamNet)