Nhắc đến Tây Du Ký, hầu hết khán giả sẽ nhớ ngay tác phẩm kinh điển phát hành năm 1986 do Lục Tiểu Linh Đồng đóng chính. Tuy nhiên, thực tế thì Tây Du Ký 1986 không phải bản phim đầu tiên của màn ảnh Hoa ngữ xây dựng câu chuyện về 4 thầy trò Đường Tăng.
Vào năm 1927, có 1 bản phim được sản xuất tại Thượng Hải đã ra mắt, tuy nhiên, vì phần hình ảnh chứa quá nhiều yếu tố dung tục, phảm cảm nên chỉ mới chiếu được 1 tập, bộ phim đã mang đi cất kho. Bản phim Tây Du Ký 1927 còn có tên gọi là Động bàn tơ.
Do kết cấu chương hồi của Tây Du Ký quá phức tạp nên lúc chuyển thể làm phim, ekip sản xuất này chỉ xây dựng nội dung câu chuyện xoay quanh 4 thầy trò Đường Tăng lúc vượt ải Động Bàn Tơ. Năm 1927, kỹ thuật làm phim chưa phát triển, hình ảnh chỉ có đen trắng chứ không có màu, thêm nữa còn là phim không thoại, ekip sản xuất nảy ra sáng kiến dùng hình thể biểu đạt mọi thứ.
Vậy nên mới có chuyện các diễn viên đóng vai 7 con yêu tinh nhền nhện ăn mặc rất kiệm vải, thậm chí có diễn viên nữ còn hở rốn. Ngoài ra, nhân vật Trư Bát Giới còn được xây dựng hình ảnh là 1 chú heo đen xì, xấu xí. Sau khi phát sóng tập đầu tiên, ekip sản xuất Tây Du Ký 1927 nhận về quá nhiều phản hồi tiêu cực. Thế là bộ phim bị cấm chiếu vì vi phạm thuần phong mỹ tục. Gần như không ai biết về tác phẩm này cho đến tận năm 2011, khi Thư viện quốc gia Na Uy rà soát lại 9.000 cuộn phim cổ họ đang lưu trữ thì thông tin về bộ phim mới được chia sẻ rộng rãi.
Truyền thông Hoa ngữ cho biết, cuộn phim Tây Du Ký 1927 - Động bàn tơ có cả phụ đề tiếng Trung và tiếng Na Uy, được coi là bản sao duy nhất còn tồn tại vì không thể tìm thấy bản gốc. Do bị lưu trữ quá lâu, nhiều thước phim đã bị hư hại nặng nề. Vì thế, các chuyên gia ở Na Uy đã phải phục chế lại rồi mới trao trả cho Cục lưu trữ Điện ảnh Trung Quốc.
Sau khi xem xét hình ảnh trong phim, giới truyền thông Hoa ngữ cho rằng việc các diễn viên ăn mặc hở hang vào năm 1927 là điều dễ hiểu, bởi trong giai đoạn này, văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Châu Á, vậy nên phần phục trang của phim cũng phải làm sao cho hợp với bối cảnh và thị hiếu. Dù bị cấm chiếu chỉ sau 1 tập duy nhất nhưng không thể phủ nhận những cố gắng của điện ảnh Trung Quốc trong thời điểm còn nhiều khó khăn này.
Theo SU (Pháp Luật & Bạn Đọc)