Đến hẹn lại lên, vào mỗi kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, đài CCTV (Trung Quốc) phát sóng lại Tây Du Ký (1986). Khác với những năm trước, năm này CCTV chèn thêm phụ đề tiếng Anh bên dưới bộ phim. Phiên bản tiếng Anh nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả theo dõi, được chú ý nhất chính là tên của các nhân vật sau khi chuyển ngữ.
Cụ thể, trong một phân cảnh, Ngân Giác Đại Vương gọi Tôn Ngộ Không là "Monkey Sun", nhị đệ là "Eddy" (đồng âm với "er di" hay "nhị đệ" trong tiếng Trung) và tam đệ được gọi là "Sandy" (đồng âm với "san di" hay "tam đệ" trong tiếng Trung). Ngoài ra, các nhân vật khác trong Tây Du Ký cũng có tên tiếng Anh như: Đường Tăng là "Tripitaka", Trư Bát Giới là "Pigsy", Sa Ngộ Tĩnh là Sandy, Ngưu Ma Vương là "Bull Demon King", Hồng Hài Nhi là "Red Boy",...
Buồn cười hơn cả vẫn là danh xưng tiếng Anh của sư phụ Đường Tăng. Sau khi được Tôn Ngộ Không cứu khỏi Ngũ Chỉ Sơn, đại đồ đệ nhanh chóng gọi sư phụ là "master". Đặc biệt, lúc ở Nữ Nhi Quốc, Nữ vương gọi Đường Tăng là "honey" (cưng) một cách ngọt ngào.
Trước sự thay đổi của đài CCTV, khán giả bày tỏ ý kiến ủng hộ nhiệt tình. Mặc dù phụ đề tiếng Anh khá buồn cười, gượng gạo nhưng cũng là một cách giúp người xem nâng cao vốn từ tiếng Anh. Thậm chí, có người còn khá tiếc nuối là nếu Tây Du Ký được chèn thêm phụ đề tiếng Anh từ sớm, chắc hẳn thành tích ngoại ngữ của họ đã không tệ như bây giờ.
Tây Du Ký 1986 là bộ phim kể về hành trình của thầy trò Đường Tăng phải vượt qua các trở ngại để lấy được kinh Phật. Mặc dù kỹ xảo và hiệu ứng vào thời điểm quay phim còn nhiều hạn chế nhưng đây vẫn là phiên bản kinh điển nhất đối với nhiều thế hệ khán giả.
Theo Su Kem (Pháp Luật và Bạn Đọc)