Thi hát hay hội thao?
Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đúng là cuộc tuyển chọn để tìm ra một đội hình trong mơ. Cuộc thi cũng là một giấc mơ vì nó cho thấy những điều rất khó có trong đời thực.
Không phải là việc cho 30 sao nữ vào rọ mà là trong thực tế không siêu sao nào có thể vừa hát vừa làm được tất cả trò vận động thể lực như đã thấy trên sàn diễn.
Thực chất đây chính là một hội thao của những người biết hát. Một số người hát kém nhưng khả năng vận động tốt được trà trộn vào để làm tình hình thêm rối ren từ đó tạo kịch tính thu hút người xem.
Tuy phần hát (dù có thu sẵn và được mix hay hết mức) vẫn là của chính mỗi thí sinh, Chị đẹp cũng không thể gọi là cuộc thi hát. Chương trình đề cao quá mức và dựa vào các màn diễn tạp kỹ để thu hút khán giả. Do đó có thể tạo ra ảo tưởng về một sân khấu nghe nhìn hoàn hảo. Nếu đem những nhu cầu và đòi hỏi này áp vào đời thực biết đâu sẽ càng khiến cho Vpop thêm sa lầy vào nạn hát nhép ?
Trong tập 14 có thể thấy Phương Vy sẵn sàng hy sinh sức khỏe chỉ để treo ngược người lên xà trong khi đầu gối chưa hồi phục. Hiệu quả của màn diễn này cũng chẳng lấy gì làm đẹp mắt. May không có hậu quả gì xảy ra.
Trang Pháp cũng đau chân nên được Lan Ngọc cõng ra sân khấu. Sau đó vẫn nhảy như không có gì. Hồng Nhung cũng cho biết khi đang ngồi trên vòng đu treo trên cao là một bên vai đang bị rách, cầm mic cũng đau.
Có thể vì các chị đẹp đang bị quá tải, chỉ có 5 ngày mà phải tập 3 tiết mục nên không thể đầu tư kỹ lưỡng cho từng màn diễn. Bài nhóm 3 tự chọn đều là sáng tác mới của DTAP.
"Đấu khẩu" bằng âm nhạc
Thu Phương cho hay bài Lương thiện chị đặt DTAP viết đã lâu nay mới có dịp mang ra dùng nhưng nội dung bài khá thời sự. Mỗi lời đều như “ứng nghiệm” với tình hình cuộc thi.
Vì hình như đã có những cặp chị đẹp từng tựa đầu kề vai khi cùng đội sau lại không nhìn mặt nhau: "Đời này lạ quá khi xưa gọi nhau chị em trìu mến ngợi ca/ Nhưng sau một đêm tựa mỏng manh giấy tựa hoa/ Thì đành vậy đấy/ Nhà nào về nhà đấy/ Mình thì làm nhạc suốt đêm/ Càng làm càng nổi tiếng thêm/ Bàn tán nữa đi, buồn chán nữa đi, mình đây rất hài lòng/ Chẳng ai muốn đèo bòng"...
Bài hát có câu chuyện (dù thông điệp bị ảnh hưởng từ nhân vật Chí Phèo với câu móc Ai cho tôi lương thiện), có giai điệu êm ái, rõ nét, kèm theo một cả điệu nhảy ve vẩy tay giúp nhận dạng và dễ bắt chước. Đây là những thế mạnh khiến Lương thiện chiến thắng đối thủ ồn ào rock rap là Đầu đội trời chân đạp đất.
Bài tam ca của nhóm MLee mang tính hô hào cổ động chung chung ( Đầu đội trời chân đạp đất/ Mong anh đừng lo cùng em ta cân tất) xem ra khó lay động chị em trường quay. Chưa kể tạo hình của Thu Phương, Trang Pháp, Lan Ngọc đều gợi cảm và thân thiện hơn nhiều.
Ở phần thi nhóm 5 đội MLee được chọn trước và đã lấy đi liên khúc Lý ngựa ô - Ngựa ô thương nhớ. Diệu Nhi tận dụng tiết tấu sôi nổi của hai bài này dàn dựng thành màn đưa dâu hoạt náo với trang phục trang trọng, tông màu nóng bắt mắt.
Còn lại Mái đình làng biển - Lý kéo chài dành cho đội Trang Pháp. Tình cờ sáng tác của Nguyễn Cường từng là hit của Mỹ Linh . Và chủ đề chài lưới cũng mang tinh thần rẽ sóng của chương trình.
Tuy nhiên có lẽ đội Trang Pháp đã tính toán hơi sai. Mặc dù kỳ công thêm vào một đoạn sáng tác mới để kết nhưng vô hình trung nó lại làm loãng chủ đề âm nhạc của tiết mục. Trong khi đó đội MLee để cho Hồng Nhung thả một câu cải lương ngắn vào giữa bài xem ra lại có lý.
Chưa kể trang phục rách rưới quấn lưới cầm nơm mở màn hoàn toàn không tương xứng chất nhạc cũng như nội dung bài Mái đình làng biển. Tuy nó có vẻ hợp với phần Lý kéo chài (tuy đã ra khơi thì nơm cũng bằng thừa) tiếp theo nhưng cũng không đẹp.
Trường hợp này cũng hơi “râu ông cằm bà” giống tiết mục Hai đứa trẻ ở công diễn 3. Trang phục, múa võ rất công phu nhưng lại không ăn nhập gì với nội dung bài hát, cũng không đem lại thắng lợi cho nhóm trình diễn dù tốn rất nhiều công sức.
Vừa rồi Mỹ Linh và chương trình phải xin lỗi gia đình Trịnh Công Sơn vì hát “nhỡ mai” trong bài Diễm xưa thành “nhớ mãi”. Thực ra nếu chương trình không chạy chữ phụ đề cũng khó có thể phân định hai ngữ âm chỉ khác dấu này.
Tuy nhiên nhiều khả năng Hồng Nhung khi hát Lý ngựa ô đã sai cả chữ luôn. Thay vì "ngựa ô anh thắng, anh thắng cái kiều ('kiều' đây là yên ngựa chứ không phải cái kiệu) vàng" chị hát thành "ngựa ô anh khớp...".
Theo Đại Nam quấc âm tự vị (Huỳnh Tịnh Của) động từ "khớp" nghĩa là "ràng buộc, kềm giữ (thường nói về miệng)", về danh từ là "đồ dùng mà kềm lấy cái miệng ngựa". Như vậy dùng từ "khớp" thay cho "thắng" (yên ngựa) xem ra không chuẩn.
Tất nhiên Hồng Nhung không phải ca sĩ duy nhất hát sai lời bài dân ca vốn có nhiều từ cổ và dị bản này. Nhưng chắc chắn lần này chị và BTC sẽ không bị tác giả nào “bắt đền”.
Luật chơi rắc rối
Bảy chị đẹp lọt vào đội hình ra mắt sẽ được lựa chọn như sau:
Ngôi vị trưởng nhóm dựa trên căn cứ khá mơ hồ dành cho chị đẹp có lượt bình chọn cao nhất trên một ứng dụng do ban tổ chức giới thiệu. Hai vị trí tiếp theo thuộc về 2 người có điểm tích lũy cá nhân cao nhất, nhì suốt 7 đêm công diễn.
Bốn vị trí còn lại được quyết định bởi phần thi đấu nhóm tại chung kết 1 và chung kết 2: Lần lượt sau mỗi phần thi dành cho đội hình 3, 5 và 7 - nhóm thắng sẽ dành được 1 suất (dành cho chị đẹp có bình chọn cá nhân cao nhất) vào đội hình ra mắt.
Lốt cuối cùng thuộc về chị đẹp có điểm bình chọn cá nhân cao nhất trong cả 2 đêm chung kết - nhưng chị này lại phải thuộc nhóm có tổng điểm bình chọn cả 3 tiết mục nhóm cao nhất.
Theo