"Chạy đi rồi tính" - Phim 16+ giòn giã tiếng cười mùa Tết

31/12/2016 15:24:00

Phim mới của Việt Hương, Diễm My 9x, Hứa Vĩ Văn... đậm chất giải trí và đủ cung bậc từ hài hước, tếu táo đến cảm xúc sâu lắng.

 

Phim mới của Việt Hương, Diễm My 9x, Hứa Vĩ Văn... đậm chất giải trí và đủ cung bậc từ hài hước, tếu táo đến cảm xúc sâu lắng.

​Bộ phim là dự án điện ảnh thứ hai của cặp đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân. Sau Gái già lắm chiêu ra mắt đầu năm, hai gương mặt ngoại đạo của làng điện ảnh tiếp tục với tác phẩm hài hành trình (road trip comedy).

Phim kể về nữ ca sĩ hộp đêm ngoài 30 tuổi - Phương Trinh (Diễm My đóng) - nuôi mộng thoát khỏi cảnh sống nghèo túng với anh chồng bán sữa đậu nành tên là Đông Hùng (Hứa Vĩ Văn) và đứa con 12 tuổi Subin (Trọng Khang). Cô quyết định bán nhẫn cưới, song kế hoạch bất thành khi gia đình cô đụng độ một băng cướp trong tiệm kim hoàn. Con trai của Phương Trinh vô tình ghi lại được chân dung hai kẻ cướp. Điều này khiến gia đình ca sĩ trở thành mục tiêu săn lùng của chúng. Cùng lúc, một đặc vụ tự xưng (Việt Hương đóng) bày kế hoạch cứu cả nhà người đẹp bằng cách kéo họ trốn đi xa trên chiếc xe in hình vẽ nhân vật Minion.

Chạy đi rồi tính là phim hài hành trình
Diễm My 9X, Hứa Vỹ Văn, bé Trọng Khang trong phim. Ảnh: ĐPCC.

Trong 100 phút phim, hơn nửa thời lượng là dành cho những cuộc tẩu thoát của cả nhà Phương Trinh. Nhưng sâu xa, cuộc rượt đuổi bên ngoài này còn gợi nhắc về mong muốn "tẩu thoát" bên trong tinh thần của hai nhân vật chính. Phương Trinh cố gắng thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn mà cô vốn sợ hãi từ nhỏ. Còn chồng cô cố trốn tránh thực tại vợ chồng anh "cơm không lành canh không ngọt". Thông điệp "chạy đi rồi tính" cứ thế lặp lại trong lời thoại các nhân vật, như thể ai cũng đang riết róng muốn thoát khỏi vấn đề mình đang vướng mắc.

Tiếng cười của bộ phim được cặp đạo diễn xây dựng dựa trên thế mạnh hài tình huống. Mở đầu, phim gây cười bằng một phân cảnh nhảy múa đậm chất 16+. Từ đó, tiếng cười rúc rích lan ra khi các nhân vật xuất hiện với những tính cách được khắc họa thậm xưng để tạo yếu tố. Một cặp nữ tặc thích xe xua đồ hiệu và lấy tên nhóm là Xà Neo (đọc trại từ Chanel - hãng thời trang nổi tiếng). Một đôi vệ sĩ luôn cố "làm màu" trong mọi khung hình. Một người phụ nữ tự nhận là đặc vụ với những suy nghĩ không tưởng. Họ liên tiếp kéo gia đình nhân vật chính vào nhiều rắc rối. 

Lời thoại trong phim được "bung" vừa đủ để gây cười và được tiết chế ở mức không quá khuôn sáo. Phim có những màn đối đáp hài hước, phù hợp với phong cách của giới trẻ.

Xuyên suốt phim là những cuộc chạy trốn. Ảnh: ĐPCC.
Xuyên suốt phim là những cuộc chạy trốn.

Dàn diễn viên trong phim đồng đều về diễn xuất. Diễm My nhập vai tự nhiên vào nhân vật có nhiều góc cạnh trong tính cách. Cô thể hiện rõ nét điệu bộ gắt gỏng, đốp chát của cô vợ đồng bóng, muốn đổi đời. Ở những đoạn đòi hỏi chiều sâu về nội tâm, nhất là phân cảnh hồi tưởng quá khứ khi hát Bolero, diễn xuất của cô tạo cảm giác vừa vặn, ít lên gân. Diễm My chia sẻ cô đã bỏ ra vài tháng túc trực ở các phòng trà để học hỏi về biểu cảm của các nữ ca sĩ. 

Hứa Vĩ Văn thể hiện nhân vật tính cách hiền lành, có phần nhu nhược của người chồng không thể là trụ cột của gia đình. Ở vài phim gần đây, Hứa Vĩ Văn chỉ thể hiện một dạng vai là nhà sản xuất âm nhạc. Vì thế, anh trở nên mới mẻ hơn trong tác phẩm lần này khi đóng vai có hoàn cảnh rất đời.

Các nhân vật như Việt Hương, Diệu Nhi, Puka... cũng tròn nhiệm vụ tạo tiếng cười. Diệu Nhi và Puka, hai gương mặt quen thuộc của sân khấu Thế giới trẻ (TP HCM), tiếp tục khoe mảng miếng hài đối đáp. Tuy nhiên, việc cặp diễn viên lạm dụng lời thoại dễ khiến khán giả nhức đầu nếu chưa quen với lối hài tung hứng thường thấy trên sân khấu phía Nam.

Hài hành trình vốn không xa lạ trong mảng phim tình cảm, tâm lý gia đình ở Hollywood. Nhiều phim như We're the Millers (tựa Việt: Gia đình bá đạo), Vacation (Kỳ nghỉ bá đạo)... ăn khách nhờ môtíp kiểu một gia đình hay nhóm người lên đường đi xa, gặp nhiều biến cố, mâu thuẫn âm ỉ trước đó lần lượt bùng nổ và được giải quyết. Đầu năm 2016, phim Việt ghi nhận  một tác phẩm hài hành trình khác là Taxi, em tên gì. Tuy nhiên, chất hài lẫn phiêu lưu trong bộ phim chưa rõ nét. Điểm yếu này phần nào được nhóm đạo diễn Nam - Nhân quyết tâm khắc phục ở phim Chạy đi rồi tính.

Tạo hình nhân vật được bôi đậm để gây cười như nhiều phim Việt khác. Ảnh: ĐPCC.
Tạo hình nhân vật, diễn xuất của nhân vật được thể hiện cường điệu để gây cười.

Kịch bản phim tạo được cao trào với các tình tiết dồn dập từ đầu. Tuy vậy, ở 15 phút cuối, phim bị chùng nhịp bởi cách giải quyết chưa mới mẻ so với các phân đoạn trước đó. Cảnh rượt đuổi nhau trên sông gây cảm giác cũ, nhàm từ môtíp đến diễn xuất. Phân đoạn này cũng bị rơi vào lối mòn khi lời thoại của các nhân vật bị chê là sáo rỗng.

Khoảng 10 ngày trước khi công chiếu, êkíp bất ngờ thông báo ra mắt phim sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Trước đó, phim dự tính chiếu đúng dịp Tết Đinh Dậu. Tuy vậy, đây là thời điểm ra mắt nhiều phim của Thành Long, Châu Tinh Trì, Chân Tử Đan...

Theo Mai Nhật (VnExpress.net)

Nổi bật