Tác phẩm MCU đầu tiên trong năm 2019, bên cạnh "Avengers: Endgame" và "Spider-Man: Far from Home".
Thể loại: Giả tưởng, hành động, siêu anh hùng
Đạo diễn: Anna Boden, Ryan Fleck
Diễn viên chính: Brie Larson, Samuel L. Jackson, Lashana Lynch, Jude Law, Ben Mendelsohn, Annette Bening
Zing.vn đánh giá: 6/10
Captain Marvel là bộ phim thứ 21 thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Tác phẩm điện ảnh đem đến cho khán giả câu chuyện về nhân vật bí ẩn từng được hé lộ trong đoạn phim post-credits của bom tấn Avengers: Infinity War (2018).
Đây không chỉ là bộ phim riêng đầu tiên dành cho một nữ siêu anh hùng của MCU, mà cô còn được hứa hẹn là siêu anh hùng mạnh nhất trong MCU từ trước đến nay.
Nhân vật chính của Captain Marvel được coi là chìa khóa kết nối trực tiếp và giải quyết toàn bộ xung đột của vũ trụ điện ảnh sẽ diễn ra trong Avengers: EndGame sắp tới, và dự kiến trở thành trụ cột mới cho MCU trong tương lai gần.
Bối cảnh chính của Captain Marvel diễn ra vào khoảng năm 1995. Vers (Brie Larson) là một sĩ quan thuộc binh đoàn Starforce của chủng tộc người ngoài hành tinh Kree. Cô từng bị mất hết trí nhớ sau một tai nạn, và luôn thắc mắc về nguồn gốc cũng như quá khứ của bản thân với những mảnh ghép đầy mơ hồ.
Lúc này, chủng tộc Kree và chủng tộc Skrull đang trong giai đoạn chiến tranh căng thẳng. Trong một nhiệm vụ giải cứu, Vers bị quân đội Skrull bắt được. Cô trốn thoát khỏi sự giam cầm của chúng, rồi đáp xuống Trái đất.
Tại đây, Vers tình cờ phát hiện ra những manh mối mở ra thân thế thực sự của mình: Carol Danvers - một cựu phi công của quân đội Mỹ. Từ đây, hàng loạt bí mật liên quan đến cuộc chiến lâu năm giữa các chủng tộc cũng dần trở nên sáng tỏ
Câu chuyện thú vị về nữ hùng MCU và thuở đầu khởi nghiệp của S.H.I.E.L.D.
Bối cảnh Captain Marvel diễn ra trước hầu hết tác phẩm thuộc MCU, ngoại trừ Captain America: The First Avenger (2011). Lúc này S.H.I.E.L.D. chỉ là một cơ quan non trẻ mới thành lập, với những hiểu biết về các thực thể siêu phàm trên Trái đất lẫn bên ngoài không gian còn rất hạn chế, chứ chưa đóng vai trò đầu mối liên kết như sau này.
Do đó, bộ phim không chỉ là câu chuyện riêng về thân thế của nhân vật Vers/Carol Danvers, mà còn là câu chuyện giới thiệu về S.H.I.E.L.D., với đại diện ở đây là Nick Fury (Samuel L. Jackson) - người lúc này mới chỉ là một mật vụ cấp thấp.
Nick Fury giờ không còn sắm vai phụ chuyên kết nối và giải đáp thông tin cho nhân vật hay khán giả nữa, mà trở thành vai thứ chính, song hành với Carol Danvers trên hành trình khám phá thân thế thực sự của cô gái.
Nhờ đó, Captain Marvel có câu chuyện được mở rộng theo chiều hướng có phần khác biệt và thú vị hơn hẳn so với nhiều bộ phim riêng trước đây thuộc MCU. Hành trình của Vers là khám phá thân thế và quá khứ đã thất lạc của bản thân, đồng thời ngăn chặn âm mưu hủy diệt của những kẻ thù bí ẩn.
Vì vậy, chuyến hành trình của cô có phần mới mẻ, dễ gợi sự tò mò hơn đối với khán giả nếu so với những câu chuyện sở hữu mô-típ nhân vật chính sở hữu siêu năng lực để trở thành người hùng quá đỗi khuôn mẫu và quen thuộc.
Tuy quá trình khám phá quá khứ của Carol Danvers còn đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ năng điều tra chuyên nghiệp, nhưng nó vẫn đảm bảo sự hấp dẫn đối với khán giả, với những nút thắt bất ngờ trong quá khứ được hé lộ dần dần một cách hợp lý, thuyết phục.
Bên cạnh hành trình của Vers là sự đồng hành của “cộng sự bất đắc dĩ” Nick Fury. Cuộc phiêu lưu giữa ông và nữ siêu anh hùng ngoài hành tinh bí ẩn tạo ra cảm giác mới lạ và khá hiếm gặp trong các tác phẩm MCU trước đây.
Theo dõi S.H.I.E.L.D. và Nick Fury bước đầu làm quen và xử lý những vấn đề ngoài hành tinh trong Captain Marvel giúp phần nào gợi nhắc đến Men in Black - loạt phim về tổ chức bí ẩn với chức năng có phần tương đồng.
Điều đó giúp cho bầu không khí phiêu lưu, khám phá của nửa đầu bộ phim trở nên tươi mới và thú vị hơn hẳn so với kiểu câu chuyện về những siêu anh hùng mang siêu năng lực để giải cứu thế giới.
Khả năng cải trang siêu đẳng của loài Skrull giúp đem đến một vài pha đấu trí nhẹ nhàng thú vị, biến bộ phim trở nên kịch tính hơn đôi chút. Bên cạnh đó, Captain Marvel còn đem đến cho khán giả một nút thắt khá bất ngờ, giúp bộ phim phần nào đó tránh khỏi mô-típ thiện ác đơn thuần.
Vai chính bị lấn át bởi dàn thứ chính
Captain Marvel sở hữu hệ thống nhân vật đơn giản và dễ nắm bắt. Trong đó, vai trò và đất diễn của các tuyến nhân vật được phân biệt khá rõ ràng.
Một số tuyến nhân vật chính được ưu tiên đất diễn đáng kể như nữ chính Vers/Carol Danvers, Nick Fury, nữ phi công Maria Rambeau (Lashana Lynch) - người bạn cũ của Carol, Yon-Rogg (Jude Law) - chỉ huy biệt đội Starforce, hay Talos (Ben Mendelsohn) - lãnh đạo của tộc Skrull. Phim cũng không quên ưu ái chú mèo Goose với thời lượng xuất hiện và vai trò quan trọng không kém gì các nhân vật người đóng.
Các tuyến nhân vật còn lại được giới thiệu một cách sơ sài và nhạt nhòa, hầu như chỉ để làm nền cho các nhân vật quan trọng hoặc mang tính chất kết nối đến các tác phẩm khác của của MCU, như nhóm thành viên còn lại của Starforce, Ronan (Lee Pace), hay mật vụ Phil Coulson (Clark Gregg) mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề.
Dàn diễn viên của bộ phim về cơ bản có diễn xuất tròn vai. Điều đáng tiếc là trong khi các nhân vật thứ chính như Nick Fury, Maria Rambeau, hay thậm chí phản diện Talos, đều thể hiện tốt nhân vật của mình, để lại ấn tượng nổi bật, thì nhân vật chính của bộ phim do nữ diễn viên Brie Larson thể hiện lại chưa gây tiếng vang như kỳ vọng.
Nhân vật Vers/Carol Danvers được xây dựng nhạt nhòa cả về hoàn cảnh lẫn tính cách. Từ đầu đến cuối, nhân vật của cô không có nhiều cơ hội để thể hiện cá tính và cảm xúc của bản thân, ngoại trừ phong cách có phần nổi loạn, bất cần, nhưng có phần gượng gạo.
Càng về sau, Vers/Carol Danvers càng được nâng tầm sức mạnh. Song, những thử thách mà cô phải vượt qua có phần quá sơ sài và dễ dàng. Do bản thân cô sở hữu “sức mạnh trời cho” quá vượt trội, nên nhân vật có khi chỉ cần “sức mạnh niềm tin” là đủ.
Kết quả cuối cùng mà cô đạt được cũng không thực sự rõ ràng, ngoại trừ siêu sức mạnh đơn thuần. Do đó, sự phát triển của nhân vật chính trong phim chưa đủ sâu sắc và thuyết phục người xem.
Bản thân Brie Larson cũng chưa thể hiện thành công nhân vật của mình. Từ đầu đến cuối, cô gần như chỉ duy trì một nét biểu cảm, với lối diễn xuất khô cứng. Đôi lúc, có cảm giác như Larson phải cố gồng mình để thể hiện sự cứng cỏi, nổi loạn và bất cần của nhân vật. So với các nhân vật thứ phụ khác trong phim, phần diễn xuất của cô rõ ràng kém đa dạng hơn hẳn.
Cũng bởi vậy, tinh thần cổ vũ nữ quyền và bình đẳng giới của bộ phim vô tình không đến từ nhân vật chính Vers/Carol Danvers, mà lại được thể hiện rõ rệt hơn thông qua người bạn của cô là nữ phi công da màu kiêm mẹ đơn thân Maria Rambeau.
Màn trình diễn đơn giản nhưng thuyết phục của cô bên cạnh cô con gái Monica (Akira Akbar), hay những câu thoại tương tác với Nick Fury mang tính khuyến khích và cổ vũ phái đẹp vươn lên làm chủ tương lai của chính mình, tỏ ra rất chân thành và hiệu quả hơn hẳn những chi tiết kêu gọi nữ quyền nửa vời mà nhân vật nữ chính thể hiện.
Hành động, kỹ xảo ở mức vừa phải
Captain Marvel có phần chất lượng sản xuất nằm ở mức khá. Thiết kế sản xuất không có điểm gì nổi bật, với bối cảnh Trái đất và ngoài không gian khá bình thường, đến mức có phần đơn điệu nếu so sánh với nhiều tác phẩm trước của MCU.
Âm nhạc trong phim đưa khán giả về thập niên 1990, nhưng không tạo ra ấn tượng nào nổi bật. Nhiều lúc, các giai điệu tỏ ra lộn xộn và lệch tông, khiến hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng.
Phần kỹ xảo hình ảnh được thực hiện tốt, với phần hiệu ứng cháy nổ hay phô diễn siêu sức mạnh của nhân vật đẹp mắt và mãn nhãn. Tuy nhiên, thời lượng dành cho những trường đoạn này thực tế khá ngắn ngủi. Phần hành động của bộ phim cũng không quá nhiều, chủ yếu là các cảnh hành động ngắn và tập trung ở cuối phim.
Mảng hài hước tương đối duyên dáng, dù cho số lượng là không quá nhiều. Lần này, Nick Fury và chủ mèo Goose trở thành “cây hài” chính của cả tác phẩm với những màn pha trò tỉnh bơ nhưng hết sức hiệu quả.
Captain Marvel thực tế còn tồn tại nhiều điểm yếu đáng tiếc khiến chất lượng tổng thể của tác phẩm không thực sự xuất sắc. Sở hữu câu chuyện có điểm mới mẻ, thú vị, nhưng kịch bản triển khai sự kiện lại khá sơ sài, không đi sâu đầu tư vào các chi tiết cụ thể.
Điều đó khiến cho nhiều chi tiết trong phim không được giải thích kỹ và gây ra lỗ hổng về mặt logic. Đồng thời, các sự kiện trong phim diễn ra và trôi tuột một cách đơn điệu, ít có cao trào đáng kể.
Bộ đôi đạo diễn cũng chưa thành công trong việc kiểu soát tông phim. Captain Marvel thay đổi tông liên tục, từ chiến tranh không gian đến hành động, hài hước; rồi lại chuyển sang tâm lý, gia đình; và cuối cùng là phiêu lưu, hành động.
Vấn đề là không có một tông phim nào là điểm nhấn chủ đạo, được ưu tiên đào sâu xây dựng. Captain Marvel vì thế mà vô tình trở nên rời rạc, thiếu định hướng đối với người xem khó tính.
Bối cảnh phim không quá chi tiết, chẳng hạn như thế giới của các chủng tộc ngoài hành tinh như Kree, Skrull và cuộc chiến lâu dài giữa hai phe phái. Các nhân vật phụ như đội Starforce hay đội Đao phủ của Ronan chỉ mang tính chất làm nền, xuất hiện theo đúng kiểu “cho có”.
Một số nhân vật có thời lượng xuất hiện lớn với vai trò quan trọng như Yon-Rogg của Jude Law thực tế rất nhạt nhòa. Bản thân nhân vật chưa kịp thể hiện điều gì với khán giả về hoàn cảnh, mục tiêu ban đầu thì, đã bị ép phải biến hóa một cách vội vã, kém thuyết phục.
Nhìn chung, Captain Marvel là màn ra mắt chưa đủ ấn tượng của nữ hùng mạnh nhất Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Sở hữu câu chuyện thú vị cùng nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng bản thân tác phẩm còn tồn đọng nhiều hạn chế.
Sẽ không dễ để Captain Marvel trở thành trụ cột của MCU như Iron Man hay Captain America. Dẫu sao, đoạn after-credits đáng giá cũng sẽ thôi thúc khán giả hâm mộ MCU, khiến họ phải mong ngóng ngày gặp lại Captain Marvel trong Avengers: Endgame, để chứng kiến nữ siêu anh hùng này đối đầu với Thanos.
Phim chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ 8/3.
Theo Tuấn Lương (Tri Thức Trực Tuyến)