Trailer cuối cùng bộ phim 'Aquaman'
Không cần phải đến 1 tỷ USD của "ông vua Atlantis" Aquaman, đã có nhiều bằng chứng cho thấy các siêu anh hùng kém nổi tiếng hơn lại có sức hút phòng vé lớn hơn. Thời đại của các siêu anh hùng hạng B và C đang phủ bóng lên hệ thống rạp chiếu toàn cầu.
Việc Aquaman thu 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy một tháng, cộng với thành tích 1,346 tỷ USD của Black Panther hồi đầu năm 2018 là những ví dụ không thể điển hình hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao các siêu anh hùng ít tên tuổi lại có thể quyến rũ khán giả đến rạp như vậy?
Tương lai của dòng phim siêu anh hùng?
"Các siêu anh hùng hạng B và C không được biết đến nhiều, và không tạo nên nhiều kỳ vọng ở khán giả. Chiến lược kỳ vọng ít - đáp ứng nhiều của các bộ phim này mang lại thành công phòng vé", nhà phân tích Paul Dergarabedian nhận định.
Nếu để ý, nhận xét phổ biến về Aquaman là "hay hơn kỳ vọng" chứ không phải là "quá hay, xuất sắc". Điều đó cho thấy kỳ vọng của khán giả ở siêu anh hùng xa lạ này còn ở mức thấp và họ đã được thỏa mãn. Còn ở thế đối nghịch, những siêu anh hùng kinh điển như Batman và Superman vấp phải kỳ vọng quá lớn nên thường gây thất vọng.
Theo CNBC, trong tính toán của các hãng phim, tương lai của dòng phim siêu anh hùng sẽ không hẳn phụ thuộc vào những loạt phim quy tụ nguyên dàn nhân vật hùng mạnh như Justice League hay Avengers. Trái lại, tương lai đó sẽ thiên về việc xoay quanh những nhân vật siêu anh hùng còn xa lạ nhưng đủ sức gây tò mò và kéo khán giả đến rạp.
Trong trường hợp Black Panther và Aquaman, đó là những bước đi mạo hiểm của hãng phim khi đầu tư lớn cho những nhân vật chưa quen thuộc công chúng phổ thông, không thể so sánh được với Superman, Batman hay Spider-Man về độ nổi tiếng.
Nhưng họ cũng được chọn vì tiềm năng thành hit quá lớn. Black Panther là siêu anh hùng da đen đầu tiên có phim riêng, một câu chuyện rất được đón nhận trong xã hội cổ vũ đa dạng chủng tộc ngày nay.
Còn Aquaman từng gây ấn tượng tốt trong dàn siêu anh hùng Justice League với tính cách tưng tửng, như một làn gió mới trong vũ trụ DC khi sự nghiêm túc và bi kịch của những Batman, Superman đã bão hòa.
Không cần phải được giới thiệu như đồng đội của Batman hay Superman, cũng không một chút liên hệ đến Wonder Woman (quả bom doanh thu trước đó của DC với 821 triệu USD), Aquaman đường hoàng thu về 300 triệu USD tại Mỹ và 700 triệu USD trên trường quốc tế. Thành công của Aquaman sẽ giúp dọn đường cho Shazam! ra mắt vào tháng 4 năm nay.
Trước hiện tượng thăng tiến của các siêu anh hùng vốn kém tiếng, nhà phân tích Paul Dergarabedian nhận định: "Những siêu anh hùng này có thể cung cấp trải nghiệm điện ảnh tươi mới và thú vị, họ cũng không mang gánh nặng phải tỏ ra huyền thoại và bí ẩn như những siêu anh hùng đàn anh".
Nếu Aquaman vẫn còn ít nhiều dính chất thần thoại (là con của nữ hoàng Atlantis, trở thành vua của Bảy đại dương) thì đến Shazam!, chất đời thường sẽ đậm đặc hơn khi nhân vật là một cậu bé tuổi teen mồ côi và hay gây rắc rối, một ngày kia bỗng phát hiện ra mình có thể đọc thần chú và biến hình thành siêu anh hùng người lớn có sức mạnh sánh ngang Superman.
Còn bên phía Marvel, tiếp sau Black Panther, hãng này giới thiệu một siêu anh hùng không mấy nổi tiếng nhưng lại gán cho cô quyền năng phi thường: Captain Marvel, với tư cách siêu anh hùng mạnh nhất vũ trụ Marvel. Bộ phim sắp ra rạp vào tháng 3, và vé bán trước của Captain Marvel đã vượt qua bom tấn Captain America: Civil War (2016).
Vị thế trong truyện tranh không còn là vấn đề
Một lý do quan trọng để các siêu anh hùng hạng B, C hút khách là công chúng thế giới không phải ai cũng là fan của truyện tranh. Không nhiều người bận tâm đến việc Captain Marvel có nổi tiếng trong truyện tranh hay không khi giờ đây, trong điện ảnh, cô sẽ là vị cứu tinh của cả vũ trụ sau thảm họa do Thanos gây ra.
Một ví dụ tiêu biểu khác là nhóm Guardians of the Galaxy. Hai phần phim này đã thu về tổng cộng 1,6 tỷ USD. Mike Avila, một biên tập viên điện ảnh, phân tích: "Sau 20 phút đầu của Guardians of the Galaxy, Aquaman hay đặc biệt là Iron Man, chẳng ai còn quan tâm đến vị thế của nhân vật chính trong hệ thống phân cấp truyện tranh. Các bộ phim đó hiệu quả vì fan kết nối tự nhiên được với nhân vật mà không cần biết gốc gác của họ".
Những nhân vật quá nổi tiếng như Batman có tiểu sử được cả fan truyện tranh lẫn điện ảnh thuộc làu, thậm chí các tình tiết đinh còn được vẽ, chế và lan truyền trên mạng cả triệu lần. Chính vì vậy, nhân vật bén rễ quá sâu trong lòng khán giả và luôn đòi hỏi sự đổi mới. Với Spider Man, điều này cũng tương tự.
Còn các siêu anh hùng kém nổi tiếng hơn thì đã mới sẵn, nên thay vì phải bám sát một khuôn mẫu nào đó, các nhà làm phim được tự do sáng tạo hơn, làm nên nhiều gia vị lạ cho một dòng phim đã quá quen thuộc. Cũng từ lợi thế này, vũ trụ Marvel dựng nên một binh đoàn siêu anh hùng hùng mạnh từ các nhân vật hạng B và C.
Trái lại, Justice League vì quá phụ thuộc vào danh tiếng có sẵn của các siêu anh hùng hạng A nên gây thất vọng ở phòng vé. Đoạn kết với việc trao hết quyền năng vào tay Superman, siêu anh hùng mạnh nhất vũ trụ DC, cũng khiến khán giả không hài lòng.
Mặc dù vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu các siêu anh hùng hạng B và C hiện tại có rơi vào cảnh "one-hit wonder" (thành công một lần rồi thôi)?
Phần tiếp theo của Black Panther và Aquaman đang được khán giả chờ đợi, liệu chúng có đứng vững trước kỳ vọng quá lớn? Đây là câu hỏi vẫn còn để ngỏ.
Theo Mi Ly (Tri Thức Trực Tuyến)