Cảnh nóng trong phim Việt xưa: Chuyện buồn của "Cô gái trên sông"

08/10/2015 14:59:50

Cô gái trên sông đã đi vào lịch sử điện ảnh VN như một tác phẩm mang tính đột phá lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Nhưng từng có thời gian bộ phim đã không được nhìn nhận đúng giá trị.

Cô gái trên sông đã đi vào lịch sử điện ảnh VN như một tác phẩm mang tính đột phá lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Nhưng từng có thời gian bộ phim đã không được nhìn nhận đúng giá trị.


NSND Đặng Nhật Minh kể, ông viết kịch bản Cô gái trên sông sau chuyến đi thực tập điện ảnh ngắn tại Paris (Pháp). Vai chính trong phim (Nguyệt) đã được ướm cho nghệ sĩ Minh Châu. Ông tin vào sự lựa chọn của mình và quả thật ông đã đúng. Minh Châu thể hiện xuất sắc vai Nguyệt, cô gái hành nghề “bán hoa” trên sông Hương, đã cưu mang một chiến sĩ cách mạng và đem lòng yêu anh.

Một cảnh quay nghệ sĩ Minh Châu thể hiện táo bạo trong phim Cô gái trên sông - Ảnh: T.L


Trong phim xuất hiện nhiều cảnh quay táo bạo, như cảnh làm tình của những cô gái giang hồ, hay hình ảnh Nguyệt khỏa thân trên chiếc bè. Nghệ sĩ Minh Châu và đạo diễn Đặng Nhật Minh đã… giận nhau khi bà từ chối đóng những cảnh hở hang mà lúc đầu được cho biết sẽ có người đóng thế. Nhưng quả thực, có những cảnh quay sử dụng người đóng thế có thể làm sai tinh thần của bộ phim và gây phản cảm. Cuối cùng, sau những nỗ lực thuyết phục của đạo diễn, nghệ sĩ Minh Châu đã đồng ý với điều kiện cảnh quay chỉ “nóng” ở một mức độ nào đó.

“Nhiều người VN khi đó chưa thoát khỏi lối suy nghĩ định kiến, nên bản thân diễn viên cũng không thoát ra được. Khi quay những cảnh như vậy, tôi lo lắng nhất là chồng mình, rồi gia đình, bạn bè và xã hội sẽ nghĩ gì”, nghệ sĩ Minh Châu nhớ lại. Cảnh phim được quay trên thuyền, lúc quay chỉ có diễn viên, đạo diễn, quay phim, nhưng nghệ sĩ vẫn không tránh khỏi sự ngại ngùng: “Tôi cảm thấy cái máy quay như ti tỉ ánh mắt đang nhìn mình. Người diễn viên phải cố gắng vượt qua, thoát khỏi ra chính con người họ thì mới có những cảnh quay tốt được”.

Chồng của nghệ sĩ Minh Châu - nghệ sĩ Kiều Tuấn là phó đạo diễn của phim. Khi bà đóng những cảnh nhạy cảm đó, ông không nói gì. “Nhiều khi sự im lặng còn khủng khiếp hơn là lời nói ra. Nhìn vào mắt ông, tôi có thể hiểu được ông nghĩ gì. Tôi rất buồn và cảm thấy có lỗi với chồng mình, nên ông nói gì tôi cũng nghe theo. Sau này, nghĩ lại tôi mới thấy mình đóng phim chứ có làm gì sai đâu mà khổ vậy”, nghệ sĩ Minh Châu ngậm ngùi. Bà bảo, chuyện nọ chuyện kia dồn vào khiến hạnh phúc gia đình không còn nguyên vẹn nữa. Ông bà đã ly thân.
 
Nghệ sĩ Minh Châu (Nguyệt) và Anh Dũng (vai người lính) trong phim Cô gái trên sông - Ảnh: T.L
 
Chưa được chấp nhận ngay

Nghệ sĩ Minh Châu đã đồng ý với đạo diễn về những cảnh quay táo bạo bởi nó thể hiện một tình yêu tha thiết và hy vọng, hay một thân phận của cô gái “bán hoa” bọt bèo, vô định. Bà vẫn nhớ, năm 1987, khi bộ phim được công chiếu, khán giả nô nức kéo đến rạp phần nhiều vì tò mò cảnh nóng trong phim, nhưng ngay sau đó họ truyền tai nhau vì một câu chuyện lạ, lần đầu tiên đề cập đến vấn đề nhạy cảm, về cách đối nhân xử thế trong xã hội.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, Cô gái trên sông bị một số người phê phán mà cảnh nóng trong phim chỉ là cái cớ, sâu xa hơn chính là nội dung tư tưởng mà bộ phim đề cập tới. Khi chia tay Nguyệt, người chiến sĩ hẹn sẽ quay trở lại tìm cô. Khi Huế giải phóng, người chiến sĩ năm xưa đã trở thành một cán bộ cao cấp. Nguyệt đi tìm thì bị anh chối bỏ. Trong khi đó, một người lính Việt Nam Cộng hòa đem lòng yêu Nguyệt thì vẫn chung thủy với cô. Đặng Nhật Minh là đạo diễn đầu tiên dám “bơi ngược dòng” những tư tưởng đã được mặc định từ trước tới nay. Vì vậy, bộ phim của ông đã bị phê phán gay gắt. Tại Liên hoan phim VN năm 1988 diễn ra ở Đà Nẵng, bộ phim vẫn được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao được trao giải Bông sen bạc, còn nghệ sĩ Minh Châu được nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc. Sau đó, tác phẩm này được một hãng truyền hình Đức mua lại, sau đó công chiếu trong tuần phim các nước XHCN tại Cottbus (Đức) và tiếp tục lưu hành tới Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ…

“Thật trớ trêu, trong khi nước ngoài coi bộ phim như một biểu hiện của đường lối đổi mới của VN trong lĩnh vực văn nghệ, thì bộ phim lại gặp phải số phận long đong ở trong nước. Sáng tác thì phải luôn là chính mình, luôn trung thành với mình, hướng tới cái vĩnh cửu. Mặc dù làm như thế có thể chưa được chấp nhận ngay”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

>> Cảnh nóng trong phim Việt xưa: Số đỏ suýt bị cấm chiếu vì cảnh "hở hang"

Theo Ngọc An (Thanh Niên Online)

Nổi bật