Cảnh nóng gây tranh cãi trong 'Người vợ cuối cùng': Cắt bớt cũng không sao
Trong một clip hậu trường được tung ra trước thềm công chiếu Người vợ cuối cùng, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: "Tất cả cảnh ân ái trong phim là để xây dựng tình cảm sâu đậm của nhân vật Linh và Nhân, khi họ sống một xã hội mà vấn đề tình yêu không được xem trọng hàng đầu, con người gần như phải chôn giấu, dồn nén mọi cảm xúc và khát vọng hạnh phúc phía sau những định kiến về đạo đức".
Rõ ràng cảnh ân ái giữa hai nhân vật xuất hiện trong phim là cần thiết khi Linh và Nhân lần đầu gặp lại nhau sau 7 năm. Linh bất đắc dĩ bị gả về nhà quan, phải lên giường với tên đểu cáng theo lịch hẹn sẵn và trả nghĩa vụ để thực hiện chức năng sinh con nối dõi. Chính vì thế khi gặp lại Nhân và hóa giải hiểu lầm, Linh đã không thể cưỡng lại được sức hút của tình cũ và được thỏa mãn trong một đêm nồng nhiệt với người mình yêu - điều cô không thể có với người chồng quyền lực và ưa bạo hành.
Cảnh nóng này rõ ràng là cần thiết cho Người vợ cuối cùng, cũng giống như cảnh ân ái giữa Linh và tên quan huyện với mục đích sinh con. Tuy nhiên, đạo diễn có thể cắt bớt thời lượng những cảnh nóng này. Đặc biệt cảnh nóng vô lý giữa Linh và Nhân trong nhà quan ngày có giỗ hoàn toàn không cần thiết. Nhân có thể lẻn vào phòng Linh gặp cô nhưng giữa bối cảnh nhà quan đang có việc và rất đông người, họ không thể làm tình một cách mạnh bạo như vậy. Cảnh này hoàn toàn có thể xử lý bằng tình huống khác mà vẫn thể hiện được tình cảm của Linh và Nhân cũng như tạo tình huống kết nối các sự kiện về sau.
Cảnh nóng là mồi nhử khán giả lẫn truyền thông
Với một bộ phim lấy bối cảnh nông thôn thời phong kiến, rõ ràng cảnh nóng là thứ gia vị cần thiết để Người vợ cuối cùng thu hút sự quan tâm của khán giả, nhờ đó bán được vé.
Nhà sản xuất kiêm biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nêu quan điểm: "Cảnh nóng nên đặt trong bối cảnh cần thiết, cảnh nóng thế nào, đặt vào tình huống thế nào để nó xuất hiện có lý, rất thẩm mỹ chứ không phải thô tục. Các nhà làm phim hiện tại giờ đã làm cảnh nóng đỡ hơn trước đây nhưng tôi nghĩ trong phim Việt Nam cảnh nóng vẫn phải mang chất Á Đông chứ không thể trần trụi như phương Tây được. Phim Việt xưa thể hiện cảnh nóng chỉ là vợ chồng hay người yêu ôm nhau rồi ngã xuống giường xong là cắt. Nay thì làm mạnh bạo hơn".
Nhà biên kịch kỳ cựu thẳng thắn nhận xét cảnh nóng trong Người vợ cuối cùng khi Linh và Nhân gặp lại nhau sau nhiều năm là mạnh bạo.
Cùng với đó, khán giả xem phim có thể thấy cảnh Nhân lẻn vào phòng Linh trong ngày có đám giỗ rồi lột quần áo bà 3 vô cùng khiên cưỡng và được cho là cố tạo tình huống để tạo nên sự hồi hộp cho khán giả sau đó dù cảnh này nếu không có cũng không ảnh hưởng gì tới bộ phim.
Trên phim ảnh, sự xuất hiện của cảnh nóng khá thường xuyên với mức độ và sự khai thác khác nhau tùy vào bối cảnh, tình huống và nhân vật. Không có khái niệm "đúng" hay "sai" khi đưa cảnh nóng vào phim mà điều đáng bàn là nó được làm như thế nào, có phù hợp, có đẹp hay có phản cảm không? Cảnh nóng không chỉ tạo ra vị cho bộ phim mà còn là công cụ để thu hút khán giả, làm truyền thông để bán được vé.
Bộ phim ra rạp gần đây là Thành phố ngủ gật dán nhãn 18+ với hình ảnh được nhà sản xuất tung ra trước đó khiến khán giả lầm tưởng phim sẽ có cảnh nóng trần trụi. Nhưng hóa ra khi xem phim chỉ có vài cảnh nữ chính bán khỏa thân và không có cảnh sex nào táo bạo như nhiều người dự đoán khi nhìn hình ảnh.
Dĩ nhiên cảnh nóng luôn khiến khán giả tò mò và cũng là nội dung được truyền thông quan tâm nên các nhà làm phim không dại gì không tận dụng cảnh nóng để gây chú ý cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên khán giả hiện nay khó tính hơn. Họ muốn xem những cảnh nóng hấp dẫn, tinh tế thay vì chỉ là công cụ câu khách được đưa vào phim vô tội vạ và sống sượng. Vì thế nếu cảnh nóng bị khai thác quá đà sẽ rất dễ trở thành con dao hai lưỡi hạ thấp giá trị của bộ phim.
Một khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California tại Los Angeles vừa được thực hiện đối với 1.500 thanh thiếu niên Mỹ ở độ tuổi từ 10-24. Kết quả cho thấy 47,5% số người tham gia khảo sát rất ngại xem cảnh "nóng". Những người này cũng cho biết họ thường thấy cảnh "nóng" trong phim là không cần thiết. 51,5% số người tham gia khảo sát mong muốn được xem những bộ phim khắc họa tình yêu trong sáng, đề cao các giá trị tinh thần và không khai thác cảnh "nóng". Nhiều nghiên cứu, khảo sát gần đây đã cùng chỉ ra một thực tế là thế hệ khán giả trẻ đương đại không mặn mà với cảnh "nóng".
Thế hệ trẻ đương đại chính là nhóm công chúng tiếp xúc với nội dung "nóng" nhiều hơn hẳn các thế hệ trước đó, do họ thường xuyên lên mạng. Chính điều này khiến các nội dung "nóng" không còn là điều hiếm thấy hay đặc biệt hấp dẫn với thế hệ trẻ. Khi tìm tới với phim ảnh, họ muốn xem những nội dung tinh tế, độc đáo, đưa lại những rung cảm thuần khiết cho đời sống tinh thần thay vì những nội dung nóng bỏng vốn xuất hiện dày đặc trên mạng.
Theo Mỹ Anh (VietNamNet)