Dù đã nới lỏng nhưng vẫn thi chui
Tối 8/4 vừa qua, chung kết cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới “Miss Internationnal Queen Vietnam 2023” (Đại sứ Hoàn mỹ) do công ty TNHH Hương Giang Entertainment tổ chức đã diễn ra ở một phim trường thuộc quận 12, đồng thời phát livestream trên nền tảng mạng xã hội. Điều đáng nói là trước đó, vào ngày 23/2, buổi họp báo để công bố một số nội dung liên quan đến cuộc thi đã bị hủy vào phút cuối vì chưa được cấp phép.
Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh yêu cầu đơn vị dừng chương trình tổ chức thi. Tuy nhiên, bất chấp sự thiếu giấy phép và nhắc nhở của cơ quan quản lý, đêm chung kết vẫn diễn ra. Được biết, cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt nghiêm đối với công ty TNHH Hương Giang Entertainment.
Điều khiến dư luận ngạc nhiên là mặc dù quy định về các cuộc thi nhan sắc hiện nay khá thông thoáng nhưng tình trạng thi chui, thi không xin phép vẫn diễn ra. Thậm chí, tình trạng này diễn ra từ lâu và khá thường xuyên. Thay vì 1 năm chỉ cấp phép cho 1- 2 cuộc thi, mới đây, Nghị định 144 của Chính phủ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không quy định về việc giới hạn số lượng cuộc thi sắc đẹp trong 1 năm với mục đích tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân; hạn chế tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, thi chui, trái phép trong hoạt động tổ chức thi người đẹp. Theo đó, các cuộc thi nhan sắc không cần phải xin phép của Cục Nghệ thuật - Biểu diễn mà chỉ cần UBND tỉnh, thành phố chấp thuận. Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ. Ngoài ra còn bỏ quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mĩ. Với những thay đổi mang tính sổ lồng như vậy nên chỉ trong năm 2022 tình sơ sơ đã có tới khoảng 30 cuộc thi nhan sắc được tổ chức. Đó là con số khiến không ít người giật mình. Vì như vậy, tính trung bình mỗi tháng có 2-3 cuộc thi với hàng chục người đẹp với đủ danh hiệu hoa hậu, hoa khôi ra mắt công chúng. Lo ngại tình trạng loạn hoa hậu, hoa hậu nhiều như nấm sau mưa không phải không có sơ sở.
Vì sao thủ tục cấp phép thông thoáng như thế, nhưng thi chui vẫn xuất hiện? Nhiều người còn nhớ cuộc thi “Miss Yoga Vietnam 2022” đã bị tuýt còi sau đó là nhận mức phạt 15 triệu đồng do chưa được Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh đồng ý nhưng vẫn được công ty Cổ phần truyền thông và giải trí MC Media quảng bá rầm rộ. Cuộc thi “Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt” thì lùm xùm vì kiện cáo từ chính thí sinh tham gia. Người nhận vương miện cao nhất cuộc thi đã cho rằng bà và các thí sinh bị lừa khi chi hàng tỷ đồng cho cuộc thi dưới danh nghĩa tài trợ nhưng trước ngày thi chung kết, tất cả thí sinh bị đưa từ Vũng Tàu về TP Hồ Chí Minh vì Vũng Tàu không cho phép tổ chức. Đêm chung kết không khán giả, không phần thi, chỉ xướng tên các danh hiệu…
Trước đó, cuối năm 2020, cuộc thi “Miss Baby Vietnam” (Hoa hậu nhí Việt Nam) cũng đã bị phạt vì xin phép một đằng, làm một nẻo. Hóa ra, đơn vị tổ chức xin Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa thiên Huế cấp phép chỉ là trình diễn thời trang trẻ em nhưng đã tự ý nâng lên thành cuộc thi hoa hậu nhí…
Một điều đáng nói là hành vi tổ chức thi chui các cuộc thi nhan sắc của các cá nhân, đơn vị đều là sự cố tình. Điều ấy chỉ xảy ra khi bản thân họ coi thường quy định của cơ quan chức năng, coi nhẹ hình phạt có thể sẽ gặp phải. Trở lại với cuộc thi nhan sắc do ca sĩ Hương Giang bất chấp tổ chức có thể thấy rõ sự thiếu tôn trọng pháp luật ở ca sĩ này. Hương Giang được cho là người có nhiều năm hoạt động trong giới giải trí ở vai trò ca sĩ, hoa hậu, giám khảo và đồng tổ chức một số cuộc thi, chương trình, gameshow giải trí trên truyền hình. Lại vốn được đánh giá là người khá thông minh, sắc sảo, Hương Giang hiểu hơn ai hết những thủ tục bắt buộc để tổ chức một cuộc thi nhan sắc. Tuy nhiên, cô bị nhắc nhở tới 2 lần khi tiến hành họp báo và tổ chức vòng chung kết cho thấy thái độ coi thường pháp luật của ca sĩ này như thế nào. Nhà biên kịch Chu Thơm nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật - Biểu diễn) cho rằng Hương Giang có được một số thành công, tuy nhiên có lẽ vì sự ảo tưởng quyền lực mà cô mất kiểm soát bản thân rồi chăng?
Danh ảo, tiền thật
Vậy thì vì sao tình trạng nhà nhà tổ chức thi hoa hậu, người đẹp suốt thời gian qua, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để thi chui? Điều này chỉ có thể lý giải bằng những quyền lợi vật chất bởi những cái danh hiệu của các cuộc thi đem lại.
Rất trăn trở trước vấn đề này, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng một cuộc thi chỉ có giá trị, mang đến những danh hiệu thật khi được cấp phép, nhưng người ta vẫn sẵn sàng thi chui vì nhiều người kiếm được lợi từ cuộc thi đó. Người đứng ra tổ chức thì kiếm tiền tỷ từ quảng cáo, tài trợ. Người tham gia thì hy vọng có danh hiệu đổi đời. Tham gia đủ các cuộc thi, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền lao vào những cuộc thi chui bắt nguồn từ tâm lý háo danh của không ít cô gái trẻ. Họ sử dụng danh xưng hoa hậu, người mẫu để lo mục đích cá nhân. Có thể là được cátsê cao hơn, được mời tham gia nhiều chương trình, sự kiện, hoặc đôi khi chỉ là để lấy chồng đại gia. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các cuộc thi nhan sắc chui vẫn ngang nhiên tổ chức, những danh hiệu (đúng ra là không được công nhận) vẫn được các người đẹp mang đi kiếm tiền còn bởi sự dễ dãi của một bộ phận công chúng. Họ mặc nhiên chấp nhận danh hiệu của một người đẹp bước ra từ một cuộc thi không được cấp phép. Thậm chí sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem chương trình có hoa hậu, người đẹp với danh xưng ảo đó.
Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng thi chui vẫn thường xuyên diễn ra vì xử lý các trường hợp vi phạm vẫn chủ yếu là phạt tiền. Mức phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng được cho là quá ít so với lợi nhuận mà đơn vị tổ chức thu về. Mặc dù lâu nay, các cơ quan chức năng đều khẳng định thi nhan sắc đã nới lỏng nhưng không có nghĩa là thả nổi. Cơ quan quản lý sẽ xử phạt mạnh tay đối với các cuộc thi có sai phạm, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu cuộc thi nào có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên tình trạng “giơ cao đánh khẽ” vẫn là điều nhìn thấy từ phía cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm như tước giấy phép, cấm hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn trong một thời gian dài… Đặc biệt, với những cá nhân đứng đầu những đơn vị, tổ chức tiến hành thi chui cần chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo thì phải có chế tài hình sự mới đủ sức răn đe.
Sự việc của ca sĩ Hương Giang xảy ra giữa lúc dư luận đang ồn ào xung quanh câu chuyện “ngáo quyền lực”, coi nhẹ giá trị đạo đức nghề nghiệp của một số nghệ sĩ. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy sự thiếu ý thức của một bộ phận nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trước khi là một nghệ sĩ, họ là một công dân, vì vậy việc tôn trọng pháp luật là điều bắt buộc và cần phải đặt lên hàng đầu. Chưa kể, họ là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ thì càng cần phải nâng cao ý thức công dân để làm gương trong việc này.
Nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng: “Để có thể hạn chế được tình trạng này cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay. Chúng ta hãy nhìn sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… “phong sát” đã được áp dụng để nâng cao ý thức của nghệ sĩ. Các bạn có thể thấy, diễn viên Triệu Vi, Phạm Băng Băng… dù rất nổi tiếng nhưng đã phải chịu hình phạt “phong sát” nghiêm khắc như thế nào khi vi phạm. Cơ quan chức năng có lẽ đã đến lúc cần nghiêm khắc với những người đứng ra tổ chức các cuộc thi, chính họ vì trục lợi mà cố tình lăng xê cho những giá trị ảo, bất chấp mọi thứ để cuộc thi được diễn ra”.
Trong khi nhiều ý kiến đồng tình với việc cần phải siết chặt hơn nữa quản lý trong hoạt động biểu diễn thì mới đây nhất, Bộ Thông tin - Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512, theo đó từ tháng 10/2023 nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: Phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Hy vọng rằng, đây thực sự sẽ là những “liều thuốc đắng” góp phần làm lành mạnh hóa môi trường giải trí.
Theo Tuấn Phong (Antg.cand.com.vn)